Thời trai khói lửa
Người thương binh già với dáng dấp nhỏ nhắn pha trà mời chúng tôi uống cho bớt lạnh, ông kể, ngày xưa thanh niên làng lên đường nhập ngũ cả, bằng tuổi ông không ai không đi chỉ có mình ông do thiếu cân quá nên được ở lại. Chuỗi ngày ở nhà ngóng trông các bạn chiến đấu trong chiến trường miền Nam, ông quyết tâm tập luyện, tăng cân để đủ tiêu chuẩn nhập ngũ. Vậy là tháng 4/1974, thanh niên Lê Xuân Mói chính thức trở thành tân binh của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Sau thời gian huấn luyện tân binh, ông được chuyển qua nhiều đơn vị, ban đầu ở sư đoàn 470, Bộ đội Trường Sơn, rồi được điều vào chiến trường Ấp Bắc – cầu Bình Đức để tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam năm 1975. Trong một lần đơn vị ông chiến đấu với địch không may bị trúng pháo kích của giặc làm quá nửa đồng đội của ông hi sinh, bản thân ông bị thương nặng, mất đi một chân trái và bị mất trí nhớ tạm thời.
Bị thương, ông ở lại bệnh viện dã chiến bên bờ kênh. Tuy lúc đó đã gần giải phóng (đầu tháng 4/1975) nhưng giặc vẫn điên cuồng chống trả, chúng pháo kích khắp mọi nơi với hi vọng cuối cùng giữ chính quyền ngụy qua cơn thoi thóp. Nằm ở bệnh viện dã chiến không thể đi lại được, pháo liên tiếp vụt qua tai nhưng cũng không tránh được, ông và các đồng đội đành phó mặc cho số phận, may sao thương binh Mói vẫn trụ vững đến ngày đất nước thống nhất.
Sau ngày giải phóng 30/4/1975, do bệnh viện dã chiến của ông ở sâu trong rừng, không có thông tin nên vẫn còn lạc lõng hơn một tháng sau mới được đồng đội đưa ra Sài Gòn ăn mừng chiến thắng. Những ngày tháng đó, ông và anh em chỉ biết lấy rau rừng ăn sống qua ngày. Ông bảo “dù sao mình vẫn còn may mắn sống được đến ngày giải phóng, nhiều anh em đi cùng đã hi sinh anh dũng đến nay còn chưa tìm thấy hài cốt, điều này làm tôi đau đáu bao năm nay”.
Tuy bị thương nặng nhưng vì đất nước mới giải phóng nên ông Mói tiếp tục được giữ lại quân đội để giữ vững lực lượng, ngăn chặn các thành phần còn chưa khuất phục. Ông được điều về đơn vị cũ của Bộ đội Trường Sơn, sư đoàn 470, cùng các đồng đội ở đây giúp nhân dân ổn định cuộc sống và hàn gắn vết thương chiến tranh gây ra. Đến tháng 10/1977, ông được trở về địa phương với vợ con (ông đã lập gia đình tháng 10/1972), ông là thương binh hạng ¾, bệnh binh mất 81% sức lao động. Ông được nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạnh Nhì, đây là sự ghi nhận và vinh danh cực kỳ lớn đối với ông, tấm huân chương luôn được ông nâng niu và treo trang trọng ở giữa nhà như một sự giáo dục con cháu thêm yêu quê hương đất nước.
Tỏa sáng bản lĩnh bộ đội cụ Hồ
Không còn nhiều khả năng lao động, nhưng ông Mói không đầu hàng số phận mà quyết tâm làm theo lời Bác Hồ dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”. Ông làm quen với cuộc sống bên chiếc nạng gỗ, những công việc nào mà chỉ cần cố gắng làm được ông đều làm để giúp đỡ người vợ tần tảo cùng chăm sóc 4 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, trong đó có cô út trong nhà bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.
Cảnh người thương binh một chân ngồi trong chậu nhôm đi nhổ mạ, đi cấy, một tay cầm cọc tự lê mình trên ruộng đã trở nên thân quen đối với người dân thôn Đan Nhiễm. Ngoài ra, thôn còn có nghề đan sọt, ông cũng tranh thủ ở nhà đan để “được đồng nào hay đồng ấy”. Nhưng nhận thấy công việc đan sọt đã không được bao nhiêu rồi còn vướng mắc ở đầu ra vậy nên ông đã mạnh dạn cùng một số người trong tổ thương binh - hưu trí liên kết với hợp tác xã huyện Thường Tín đứng ra mở tài khoản, nhận bao tiêu sản phẩm bán cho các nhà máy như Rượu - Bia Hải Hà, phích nước Rạng Đông, Mỳ Hải Châu... Ngôi nhà ông trở thành địa điểm thu gom sản phẩm và ông trực tiếp chuyển cho các nhà máy, nhận tiền, chi trả đầy đủ, chính xác cho từng hộ dân, giúp bà con trong thôn và gia đình có thêm nguồn thu nhập ổn định vượt qua những năm tháng khó khăn.
Ngoài ra, ông Mói còn tham gia công tác cựu chiến binh tại địa phương, năm 1990 ông được tín nhiệm giữ chức Chi hội Phó Chi hội Cựu chiến binh thôn Đan Nhiễm. Năm 2011, ông được bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Khánh Hà, với trọng trách đó, ông luôn làm tròn vai trò của người cán bộ, vừa làm trọn ân tình với các đồng đội đã ngã xuống và tri ân tới người thân của họ. Tới nay, ông đã hỗ trợ thông tin, kết nối cho nhiều thân nhân tìm được phần mộ liệt sĩ.
Vốn là một thương binh, ông Mói thấu hiểu hết những khó khăn, vất vả của các hội viên, vì vậy ông chú trọng việc chỉ đạo, thực hiện phong trào “giúp nhau giảm nghèo” “nghĩa tình đồng đội”. Ngoài ra, ông tích cực vận động, tuyên truyền hội viên thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, mở rộng sản xuất, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn xã.
Ông còn là người khởi xướng xây dựng quỹ “giúp nhau giảm nghèo”, huy động sự đóng góp của các hội viên, doanh nghiệp trên địa bàn xã, giúp đỡ các hộ khó khăn. Đến nay, Chi hội đang quản lý gần 40 triệu đồng và giúp đỡ cho 6 hộ gia đình mua phương tiện sản xuất. Ông còn động viên anh em phát triển quỹ hội để thăm hỏi, động viên nhau khi ốm đau. Vì vậy mà đời sống của nhiều thương binh không bị mặc cảm, luôn yêu đời, lạc quan và làm tấm gương sáng cho con cháu noi theo.
Là người có uy tín trong xã Khánh Hà, ông Mói còn tham gia mạnh mẽ công tác dân vận, đặc biệt trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Ông đã cùng các cựu chiến binh trong Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân hiểu rõ mục đích và ý nghĩa của xây dựng nông thôn mới.
Tiêu biểu, vào tháng 5/2016, thôn Đan Nhiễm được đầu tư làm đường trục chính có chiều dài 145m, rộng 2,5m, ông Mói cùng với Ban vận động của thôn đã đến từng nhà giải thích, vận động, nhờ đó mà nhân dân đã nhiệt tình ủng hộ số tiền trên 70 triệu đồng. Đặc biệt, nhờ vận động mà hai cựu chiến binh khác là ông Lê Văn Hải và Lê Văn Cận đã vui vẻ đập 10m tường nhà, xây lùi vào 0.5m để nắn con đường được thẳng, rộng rãi cho dân làng qua lại.
Ngoài ra, ông còn phối hợp với Ban chính sách của xã nhận và chi trả tiền trợ cấp, tiền lương cho các đối tượng chính sách từ năm 1990 đến nay, thế nên cứ đến ngày trả trợ cấp nhà ông lại đông vui nhộn nhịp lạ thường. Anh em thương binh tề tựu đông đủ, ôn lại những câu chuyện xưa ở chiến trường, động viên nhau sống tích cực làm gương cho con cháu noi theo. Ông luôn tâm niệm rằng “thời trai được cống hiến thân mình để giải phóng đất nước là điều ý nghĩa nhất đối với ông, nay tuy thương tật nhưng vẫn tình nguyện đóng góp được cho quê hương, giúp đỡ bà con làm cho lòng ông càng thêm phấn khởi”.
Với những gì đã cống hiến, ông được thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu Người tốt Việc tốt năm 2017 và giấy khen bệnh binh tiêu biểu giai đoạn 208 – 2012 cùng kỷ niệm chương chiến sĩ Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh vẻ vang.
Ông Trương Quốc Bình, trưởng thôn Đan Nhiễm cho biết: Tuy là thương binh nặng, mang trong mình chất độc da cam nhưng ông Mói tình nguyện làm bất cứ công việc nào cho tập thể. Ngoài công tác hỗ trợ thương binh, dân vận, ông còn tham gia tuyên truyền về phong trào khuyến học, hiến máu nhân đạo và công tác thanh thiếu niên. Mỗi tháng, với đồng phụ cấp ít ỏi, ông đều trích ra ¼ số tiền để ủng hộ các quỹ. Người dân thôn Đan Nhiễm quen gọi ông là tình nguyện viên đa năng “tàn nhưng không phế”.