Do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nên con đường học tập của chị cũng trở nên gian truân. Vì vậy, mãi cho đến năm 2005, chị Ma Giao (sinh năm 1982) mới có điều kiện theo học Khoa Lịch sử tại Trường Đại học Đà Lạt. Tốt nghiệp, chị về công tác tại Hội Chữ thập đỏ Đơn Dương.
Chia sẻ về những ngày đầu làm ở Hội, chị kể: “Mỗi ngày dù mưa hay nắng mình đều phải vượt qua quãng đường gồ ghề, bụi bặm hơn 10 cây số để đến cơ quan,thu nhập thấp, công việc phần nào không đúng như chuyên ngành được đào tạo… Do vậy, mình phần nào dao động và muốn bỏ cuộc”. Sau đó, chị được phân công tham gia Dự án “Hỗ trợ bò cho người dân mắc bệnh hiểm nghèo”. Nhìn hình ảnh nghèo khó, thiếu thốn của bà con đồng bào DTTS, chị Ma Giao lại nhớ đến những khó khăn của gia đình, của R’Lơm ngày trước. Cũng chính vì đó, mà tiếp thêm động lực để chị gắn bó với dự án, mong muốn góp chút công sức giúp bà con thoát nghèo và ổn định cuộc sống.
Cũng kể từ đó, chị càng yêu công việc và tự đặt mục tiêu “phải luôn tận tình, tận tâm và trách nhiệm, phấn đấu hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ được giao”. Nhờ tinh thần này, chị luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Năm 2016, Ma Giao được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện. Trên cương vị mới, chị xây dựng và phát triển Mô hình “Hiến máu cứu người”, đến nay toàn bộ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều hưởng ứng và triển khai hiệu quả.
Ngoài ra, chị còn đi đầu, tham gia tích cực vào việc triển khai các Phong trào như “Hũ gạo tình thương”, Chương trình “Tương thân tương ái”, Mô hình “Chung tay vì sức khỏe cộng đồng”, ủng hộ đồng bào miền Trung… Đặc biệt, chị Ma Giao luôn chủ động nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân nhằm tăng tính hiệu quả cho các mô hình, hoạt động. Trong đó, nổi bật với Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, chị đã cùng huyện Hội vận động quyên góp hỗ trợ cho các hộ nghèo, học sinh khó khăn, người khuyết tật, người già neo đơn, nạn nhân chất độc da cam… với tổng trị giá hơn 9 tỷ đồng (trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019 và Canh Tý 2020).
Những năm tháng miệt mài cống hiến cho các hoạt động của chị đã góp phần giúp hoạt động nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ huyện ngày càng sôi nổi, thiết thực và phát triển sâu rộng. Song, trong quá trình công tác, chị cũng nhận ra những hạn chế về việc tuyên truyền, phổ biến các mô hình, hoạt động; sự quan tâm của một số đơn vị chưa thật sự sâu sát, chất lượng của một số hoạt động - giải pháp chưa cao…
Chị Ma Giao đã đề xuất và đưa vào áp dụng thành công nhiều giải pháp, sáng kiến giúp cải thiện chất lượng, hiệu quả hoạt động Hội. Tiêu biểu, năm 2020, chị có giải pháp “Nâng cao hiệu quả cuộc vận động nguồn lực trên địa bàn huyện Đơn Dương đến năm 2025”. Sau khi áp dụng thực tế, số lượng người tham gia trợ giúp và đỡ đầu cho các đối tượng khó khăn ngày một tăng. Riêng trong năm 2020, địa bàn đã có thêm 60 địa chỉ nhân đạo mới. Người già neo đơn, học sinh khó khăn trên địa bàn được hỗ trợ kịp thời; nhiều hộ thoát nghèo và có cuộc sống ổn định.
Trong năm 2021, chị Ma Giao tiếp tục đề xuất giải pháp “Nâng cao hiệu quả công tác nhân đạo và hoạt động Chữ thập đỏ trong tình hình mới trên địa bàn huyện Đơn Dương đến năm 2026” không những giúp thu hút các nguồn lực giúp đỡ người nghèo, hoàn cảnh khó khăn mà còn cải thiện nguồn quỹ cho các hoạt động của Hội. Những sáng kiến này cũng đã giúp chị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong hai năm liền (2020 - 2021).
Ghi nhận những đóng góp tận tụy và sáng tạo của chị, năm 2021, chị Ma Giao đã được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng bằng khen và được Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lâm Đồng công nhận là Cán bộ Hội xuất sắc cấp tỉnh. Ngoài ra, liên tiếp từ năm 2016 đến nay, chị nhận được nhiều bằng khen, giấy khen và danh hiệu thi đua từ những đóng góp, thành tích trong công tác Hội. Những ghi nhận, tuyên dương này trở thành nguồn động lực để chị Ma Giao tiếp tục phấn đấu và cống hiến cho sự nghiệp nhân đạo thời gian tới.
Người phụ nữ Churu tận tụy cùng sự nghiệp Chữ thập đỏ
Nguyễn Thị Quỳnh Mai
08:24 09/07/2022
Tuổi thơ gắn liền với R’Lơm, một thôn đồng bào DTTS thuộc xã Tu Tra, huyeenjt Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Ma Giao thấu rõ những vất vả của gia đình và bà con đồng bào mình. Những khó khăn, thiếu thốn này đã thôi thúc chị phấn đấu học tập để có kiến thức, có cơ hội vươn lên trong cuộc sống. Để rồi khi học xong, chị dành trọn thời gian và tâm trí cho sự nghiệp nhân đạo suốt hơn 13 năm qua.