Người nữ tu tận tâm phục vụ bệnh nhân nghèo

Tạp Chí Nhân Đạo
Với tinh thần mục vụ và tâm nguyện sống tốt đời đẹp đạo, “sống Phúc âm giữa lòng dân tộc”, nữ tu (soeur) Trần Thị Lý, sinh năm 1950, Trưởng phòng chẩn trị y học cổ truyền từ thiện Hy Vọng (xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh) đã biến cơ sở chữa bệnh này thành địa chỉ của tình thương, lòng nhân ái và hy vọng của bệnh nhân nghèo.

Năm năm qua, người dân ấp Giòng Sao, xã Tân Phú Trung đã quen với hình ảnh ngay từ sáng sớm, hàng chục người xếp hàng đến với Phòng chẩn trị y học cổ truyền từ thiện Hy Vọng - căn nhà nhỏ 3 tầng nằm giữa cánh đồng, nơi đã và đang nuôi dưỡng khát vọng sống cho nhiều người bệnh. Mỗi ngày (trừ thứ Bảy, Chủ nhật), nữ tu Trần Thị Lý và các nữ tu Cộng Đoàn Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ đón tiếp, khám chữa bệnh cho 80-100 bệnh nhân bằng phương pháp châm cứu, bấm huyệt, vật lý trị liệu, sử dụng thuốc Nam dược được bào chế từ những loại cây trồng ngay tại đây.


Nữ tu Trần Thị Lý trực tiếp chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo tại Phòng khám Hy Vọng. 

Các bệnh nhân đến đây đến bằng xe máy, xe đạp, xe lăn và có cả trường hợp phải nhờ đến sự giúp đỡ của người khác nhưng đều là những lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, mắc các chứng di chứng do đột quỵ, tai biến, trẻ em bại não, chậm phát triển…
Tay cầm túi thuốc Nam và lọ mật ong vừa nhận, ông Hồ Thanh Thu, 52 tuổi, ấp Giữa, xã Tân Phú Trung chia sẻ: Khi mới đến đây, ông đi còn không vững nhưng nhờ các nữ tu động viên tinh thần, cho thuốc uống và những lời khuyên về sinh hoạt, ăn uống nên sau một thời gian sức khỏe đã hồi phục. 
Ông Phan Trọng Hải, 67 tuổi, xã Tân Phú Trung cho biết, 2 năm qua, ông được Xơ Lý và các nữ tu ở đây tận tình châm cứu, bấm huyệt chữa những di chứng đột quỵ. Từ chỗ chân bị liệt không thể đi lại được, miệng nói ngọng, nay ông có thể phát âm rành rọt, tự đi xe đạp điện đến phòng khám châm cứu hàng ngày. 
Không chỉ có bệnh nhân ở xã Tân Phú Trung, phòng khám còn có nhiều người bệnh từ các địa phương khác tìm đến. Mỗi người một hoàn cảnh với những chứng bệnh khác nhau nhưng đều nhận được từ bà Trần Thị Lý sự chu đáo, tận tụy và tình yêu thương. Trong cuốn sổ lưu bút tại phòng khám tràn ngập lời tri ân, sự biết ơn, kính phục của người bệnh trước tấm lòng nhân ái và kết quả tích cực trong công việc chữa bệnh từ thiện của nữ tu Trần Thị Lý.
Nở nụ cười đôn hậu, nữ tu Trần Thị Lý cho biết: Là một công dân tôi có trách nhiệm sống theo pháp luật, là người Công giáo, theo lời Chúa dạy sống phải yêu thương, phục vụ mọi người, ưu tiên người nghèo khổ. Chúng tôi lựa chọn mở phòng khám tại vùng nông thôn này với tiêu chí “yêu thương và phục vụ” và “trao yêu thương - trao sức khỏe” cho các bệnh nhân nghèo có hoàn cảnh khó khăn.
Khai trương từ ngày 5/10/2015, đến nay, Phòng chẩn trị y học cổ truyền từ thiện Hy Vọng có một phòng khám bệnh, 4 phòng điều trị với hơn 20 giường bệnh, phòng vật lý trị liệu, phòng tập dưỡng sinh, phòng bào chế thuốc và vườn cây thuốc Nam do bà Trần Thị Lý cùng các nữ tu chăm bón.
Ngày càng có nhiều người tìm đến, với sự tận tâm của 7 nữ tu trực tiếp khám, chữa bệnh cùng sự hỗ trợ của các tình nguyện viên thường xuyên là bệnh nhân cũ, phật tử địa phương, phòng khám đang làm tốt khẩu hiệu “trao yêu thương - trao sức khỏe” cho bệnh nhân nghèo.
Là một trong những bệnh nhân đầu tiên nay là tình nguyện viên thường xuyên của phòng khám, bà Nguyễn Thị Điệp, 50 tuổi (xã Tân Phú Trung) cho biết: Cảm kích trước tấm lòng nhân ái, sự tận tụy của seour Lý nên sau khi chữa khỏi căn bệnh thoái hóa cột sống cổ, giãn tĩnh mạch bà đã tự nguyện xin phụ giúp công việc tại phòng khám như một lời tri ân.
Bà phụ giúp tại đây đã 4-5 năm, chứng kiến nhiều bệnh nhân được chữa khỏi bệnh. Bệnh nhân ở đủ lứa tuổi, thành phần nhưng đến đây đều được đối xử ân cần, công bằng.
Có hoàn cảnh tương tự, bà Nguyễn Thị Bình, 52 tuổi (ấp Đình xã Tân Phú Trung), 4 năm qua đã trở thành tình nguyện viên thường xuyên tại phòng khám nhận xét: Ở đây các Xơ đúng như một người mẹ hiền, “lương y như từ mẫu”, trong đó Xơ Lý là người mẫu mực nhất, không chỉ trực tiếp chữa bệnh mà còn tham gia công tác xã hội...
Từng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (2012-2017) nên nữ tu Trần Thị Lý rất quan tâm, tích cực tham gia các phong trào thi đua, cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp phát động, nhất là trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội tại địa phương.
Bà Nguyễn Thị Trang - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Phú Trung cho biết, những năm qua, nữ tu Trần Thị Lý không chỉ khám, chữa bệnh từ thiện mà còn tích cực tham gia hoạt động chăm lo cho hội viên, người dân trong xã như, hỗ trợ quà Tết, vận động quyên góp tặng học bổng Nguyễn Thị Minh Khai cho học sinh nghèo học giỏi, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho người bệnh nghèo, người không có hộ khẩu tại địa phương, hỗ trợ phụ nữ nghèo trong xã vay vốn phát triển kinh tế…


Nữ tu Trần Thị Lý (trái) nhận giải thưởng Đại đoàn kết toàn dân tộc TP Hồ Chí Minh năm 2020.

Những việc làm của nữ tu Trần Thị Lý không chỉ có ý nghĩa thiết thực đối với đối tượng thụ hưởng mà còn góp phần xây dựng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, được các cấp chính quyền thành phố trân trọng, đánh giá cao. Ngày 15/11/2020, nữ tu Trần Thị Lý là một trong 4 cá nhân được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh vinh danh trao tặng giải thưởng Đại đoàn kết toàn dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh năm 2020.

Bài và ảnh: Xuân Khu (TTXVN)

 https://baotintuc.vn/nguoi-tot-viec-tot/nguoi-nu-tu-tan-tam-phuc-vu-benh-nhan-ngheo-20201223120211442.htm