Người Huế giúp nhau vượt lũ

Tạp Chí Nhân Đạo
Nửa đêm 10/10, anh Lâm lái ô tô đến siêu thị BigC Huế trên đường Bà Triệu, đón 4 nữ sinh vừa lội ra khỏi phòng trọ bị ngập nước về công ty mình ở tạm.

Trưa 12/10, mưa vẫn không ngớt và nước lũ tiếp tục dâng lên từng giờ. Tòa nhà 5 tầng của công ty do anh Lê Trung Lâm làm giám đốc ở số 10, kiệt 159 đường Ngự Bình, phường An Tây, TP Huế, đã có khoảng 30 sinh viên trú ngụ. Mọi người tập trung xuống khu vực bếp phụ nhặt rau, chuẩn bị bữa trưa. Ở đây các bạn trẻ được phục vụ mỗi ngày 3 bữa, có chỗ ngủ với đầy đủ chăn chiếu, có điện để sạc pin điện thoại...

Ba ngày trước, khi nước bắt đầu ngập vào những căn nhà trọ, nhiều sinh viên ngoại tỉnh không có người quen ở Huế chưa biết sẽ về đâu, bất ngờ nhận được thông báo của anh Lâm trên Facebook cá nhân.

"Tòa nhà công ty 5 tầng lại nằm trên núi Ngự Bình nên cao ráo, nước lũ chưa lên tới. Hiện tại, hai tầng trên cùng có 10 phòng, mỗi phòng có thể ở 20 -30 người", anh giám đốc 33 tuổi nói.

Các bạn sinh viên đang ăn cơm trong căn tin của công ty anh Lâm trưa ngày 12/10. Ảnh: Lê Lâm.
Các bạn sinh viên đang ăn cơm trong căn tin của công ty anh Lâm trưa ngày 12/10. Ảnh: Lê Lâm.

Quyết định biến trụ sở công ty thành "Nhà an toàn" cho các bạn sinh viên bắt đầu từ chiều ngày 8/10. Khi đó, nước bắt đầu ngập một số tuyến đường và thấy dự báo sẽ có một đợt lũ lớn, anh giám đốc trẻ lái ô tô đi một vòng quanh thành phố để nắm tình hình. Chạy ngang qua con đường có khu nhà 15 năm trước mình từng ở trọ khi từ Nghệ An vào Huế học, Lâm nhớ có lần mình đã phải chịu cảnh nước ngập đến tận cổ. Thương những sinh viên có thể sẽ lâm vào hoàn cảnh như mình ngày xưa, anh Lâm quyết định đăng thông báo tiếp nhận, giúp đỡ.

Mấy hôm nay, mỗi ngày anh Lâm nhận được hàng trăm cuộc điện thoại cầu cứu. Vì nước ngập khá sâu, chia cắt nhiều tuyến đường trong thành phố nên việc di chuyển đến công ty anh Lâm gặp nhiều khó khăn. Trong các cuộc gọi đến, anh Lâm đều hỏi thăm tình hình nơi ở của các bạn, hướng dẫn các bạn hỏi thăm chủ trọ nếu có nhà lầu thì nên ở lại, không nên tìm cách di chuyển vì đường đi nguy hiểm. Những bạn ở khu vực nước ngập ít hơn có thể lội đến đầu đường Ngự Bình, anh sẽ lái xe ôtô đến đón.

Sau khi các sinh viên đến nhận phòng, anh lập danh sách, ghi lại thông tin cá nhân, số điện thoại người nhà và yêu cầu các em gọi về cho gia đình báo tin an toàn. Khu vực phường An Tây vẫn có điện, chợ vẫn mở nên nhân viên công ty vẫn mua được thực phẩm, nấu cơm cho các bạn sinh viên. Bữa ăn đầy đủ thịt cá, rau củ xào và canh.

Anh Lâm cho biết, sẽ hỗ trợ các bạn trẻ đến khi nào hết lũ. Nếu nước dâng cao nữa, trong trường hợp xấu nhất, công ty anh sẽ trưng dụng thêm khu vực hội trường, sức chứa được 500 người.

Gần 11h đêm, sau khi đón và sắp xếp chỗ ở cho 10 sinh viên mới đến, anh Lâm lên xe về nhà cách công ty khoảng 1 km để chăm đứa con vừa chào đời 3 tuần trước.

Lê Thị Ngọc Ánh, 19 tuổi, quê Quảng Bình, sinh viên năm nhất trường đại học Kinh tế Huế kể, em ở trọ với bạn ở đường An Dương Vương, cách công ty anh Lâm khoảng 3 km. Sáng 11/10, sau khi chất đồ đạc lên cao, Ánh và bạn lội ra khỏi phòng trọ đi bộ lên địa chỉ công ty anh Lâm cung cấp, chỉ kịp mang theo một ít đồ cá nhân. Quãng đường không xa, nhưng cô tân sinh viên phải mất hơn một tiếng đồng hồ mới đến nơi vì nhiều đoạn nước ngập sâu có rào chắn, phải tìm đường khác.

"Mới vào Huế được 4 ngày, em không biết phải nhờ ai và ở đâu nếu không có chú Lâm. Ở đây tụi em được một dì nấu cho ăn, có giường riêng và chăn chiếu ấm để ngủ", Ngọc Ánh nói.

Chị Loan giao bánh mì cho cán bộ phường và anh Phong nhờ vận chuyển đến bà con đang bị cô lập ở Cồn Hến, phường Vỹ Dạ. Ảnh: Ngọc Loan.
Chị Loan giao bánh mì cho cán bộ phường và anh Phong nhờ vận chuyển đến bà con đang bị cô lập ở Cồn Hến, phường Vỹ Dạ. Ảnh: Ngọc Loan.

Cách công ty của anh Lâm hơn 6 km, nhà của chị Ngô Thị Kim Loan, 52 tuổi ở số 13 đường Tùng Thiện Vương, phường Vỹ Dạ đang tập trung gần chục người trong nhà lại để xẻ bánh mì, phết bơ, đường vào 500 ổ bánh mì để tiếp tế cho người dân khu vực Cồn Hến và khu vạn đò đường Hàn Mặc Tử.

Là một người thường tổ chức nhiều chương trình thiện nguyện nên trong nhà chị Loan luôn để sẵn mì gói. 3 hôm trước, thấy tình hình nước dâng cao, bắt đầu chia cắt nhiều nơi chị Loan đã tặng 100 thùng mì cho những hộ dân khó khăn ở khu vực gần nhà. Hôm qua, khu vực nhà chị Loan vẫn chưa mất điện nên chị đã tranh thủ nấu được 10 nồi cơm trắng, gần 40 kg gạo để tặng cho bà con ở những khu vực vừa bị mất điện.

Có căn nhà rộng và tạm thời nước chưa vào nhà, bà chủ quán bún bò đăng thông báo trên trang cá nhân của mình để nhà nào có người già, con nhỏ ở gần bị ngập sâu có thể đến nhà chị ở tạm.

Buổi tối, sau khi hỗ trợ cán bộ giao được gần 300 ổ bánh mì cho các hộ dân ở Cồn Hến, phường Vỹ Dạ trở về nhà, anh Lê Quốc Phong 40 tuổi ăn vội chén cơm dưới ngọn đèn dầu. Trước tình hình bãi bồi Cồn Hến nằm giữa sông Hương đang bị cô lập hoàn toàn, là một người dân ở đây, anh Phong tình nguyện vận chuyển lương thực của chính quyền và mạnh thường quân đến tay mọi người. Xong bữa cơm, người đàn ông lại mặc áo mưa, lên ghe vận chuyển tiếp những phần bánh mì để kịp bữa tối của người dân.

Từ ngày 10/10 khi nước lũ dâng cao, cô lập nhiều vùng cũng là lúc có hàng chục cơ sở, nhà dân ở khu vực cao ráo như phường An Tây, phường Trường An thông báo sẵn sàng hỗ trợ chỗ ở, mì tôm miễn phí cho người dân ở khu vực ngập nặng đến tránh lũ. Ở trung tâm thành phố cũng có nhiều điểm phát đồ ăn miễn phí cho người dân, nhưng do bị cô lập nên chỉ phục vụ được những người ở gần có thể lội bộ đến lấy.

Anh Lê Trung (nón trắng) cố vớt những con cá còn sống để bán rẻ cho người dân quanh vùng với giá chỉ vài nghìn đồng một ký. Anh chỉ bán được 3 tạ cá, mất trắng hơn 10 tấn cá đến ngày thu hoạch. Ảnh: Đại Sơn.
Anh Lê Trung (nón trắng) cố vớt những con cá còn sống để bán rẻ cho người dân quanh vùng với giá chỉ vài nghìn đồng một ký. Anh chỉ bán được 3 tạ cá, mất trắng hơn 10 tấn cá đến ngày thu hoạch. Ảnh: Đại Sơn.

Trưa 11/10, anh Đại Sơn, Phó bí thư xã đoàn ở thôn La Khê Trẹm, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà thấy anh Lê Trung, 41 tuổi và một số hộ dân nuôi cá khác bất lực nhìn hàng chục tấn cá chết dần do lũ. Đàn cá của anh Trung chỉ còn khoảng 10 ngày nữa là xuất được nhưng lũ đến, thương lái không thể thu mua.

Anh Sơn chụp hình, đăng lên trang cá nhân kêu gọi người dân ở quanh vùng đến mua cá "giải cứu". Sau nửa ngày, khoảng hơn 3 tạ cá đã được tiêu thụ, giúp ông bố đang một mình nuôi con nhỏ vớt vát được phần nào.

Không chỉ kêu gọi, đích thân anh Sơn còn lấy xe, chở hơn một tạ cá đi bán rong cho khách ở những nơi xe máy còn có thể đi qua. Tuy nhiên, chỉ thu lại được vài triệu đồng trong khi số vốn hơn 200 triệu đồng đầu tư nuôi cá mất sạch.

Một ngày sau khi trắng tay, dù trời mưa lớn nhưng người đàn ông vẫn lội bộ đứng ở mép sông nhìn 12 chiếc lồng cá ngập trong nước lũ. "Bây giờ tôi chẳng còn gì. Tôi cũng chịu khó làm ăn đó chứ mà sao cứ khó hoài", anh Trung thẫn thờ nói, giọng run run vì lạnh.

Theo vnexpress.net