Người đàn ông 30 năm 'xóa mù' cho trẻ vùng đầm phá

Tạp Chí Nhân Đạo
Với ước mơ giúp lũ trẻ không thất học, cả đời lênh đênh sông nước cùng cha mẹ, 30 năm qua, ông Trần Văn Hòa mở lớp xóa mù cho hàng trăm em.

Tám giờ sáng, ông Hòa khoác chiếc áo sơ mi cũ, sửa lại cho chỉnh tề rồi thò chân đạp nổ chiếc xe máy cũ, vặn ga vượt qua con đường lởm chởm ổ gà để đến lớp. Gọi là "lớp" nhưng đó chỉ là khoảng sân của một gia đình cách nhà 3 km mà người đàn ông 63 tuổi này thuê lại, kê vài bộ bàn ghế và một chiếc bảng viết phấn. Lớp này là nơi xóa mù chữ cho 16 người lớn tuổi của xã Phú An, huyện Phú Vang do "thầy Hòa" mở.

thayhoa
Ông Hòa trong khoảng sân thuê làm lớp học xóa mù chữ cho 16 người lớn tuổi. Ảnh: Diệp Phan.

Hơn 30 năm trước, người dân ở khu vực Đầm Sam thuộc xã Phú An, hầu hết đều sống lênh đênh trên thuyền, làm nghề chài lưới, nay đây mai đó nên chẳng mấy người biết chữ. Ông Hòa may mắn hơn vì cha mẹ có nhà ở đất liền. Thuở bé ông được học đến lớp 10, sau đó đi bộ đội. Nhìn lũ trẻ trong xã chẳng đứa nào được đến trường, ông mở lớp học dạy chữ miễn phí ngay trong nhà mình.

"Lớp học tuy nhỏ nhưng tôi có ước mơ lớn. Tôi mong trẻ em ở vùng này biết chữ để khi lớn lên chúng có thể học thêm nghề khác để thoát nghèo. Không có chữ, tụi nhỏ chỉ có một chọn lựa là theo cha mẹ đi thả lưới. Nhưng cá mỗi ngày mỗi ít, người thì mỗi ngày mỗi đông", ông Hòa trăn trở.

Lớp đầu tiên của "thầy Hòa" được khai giảng vào một ngày đầu năm 1990, sau khi người đàn ông đi xin được ít bộ bàn ghế cũ, bảng viết và sách giáo khoa cũ. Ban đầu chỉ vài đứa, hầu hết là con cháu trong nhà. Sau một năm, nhiều đứa trong làng cũng đến xin học, thậm chí phụ huynh ở xã khác nghe tiếng "thầy Hòa", cũng chèo đò đưa con mình đến lớp.

Vì là lớp học xóa mù nên ông Hòa chỉ chú trọng dạy môn Tiếng Việt từ lớp một đến lớp bốn, để các em biết đọc thông, viết thạo. Sau đó, em nào có nguyện vọng học tiếp sẽ được "thầy Hòa" giới thiệu ra điểm trường chính ở trên huyện. Tuy là lớp học tình thương, nhưng ông Hòa cũng cho làm bài kiểm tra, chấm điểm và có phần thưởng cho những em đạt điểm cao.

Có lần, ông Hòa dẫn một cậu học trò đạt điểm cao nhất khi trả bài chính tả lên thành phố mua áo mới như lời hứa. Thấy cậu bé ướm thử chiếc áo mới tinh nhưng bên dưới lại là chiếc quần đã cũ mèm, người đàn ông thấy áy náy. Vậy là ông bấm bụng, lấy hết số tiền còn lại trong túi mua thêm chiếc quần cho đủ bộ. "Bộ quần áo màu tím nhạt, đến giờ tôi vẫn nhớ. Cậu bé sau này vào Nam làm ăn, có năm về quê, em ấy mang tặng tôi một chiếc áo ấm đẹp và dày dặn lắm", ông Hòa xúc động kể.

Ngày mở lớp xóa mù với "ước mơ lớn", có lẽ ông Hòa cũng không dám nghĩ có học trò của mình học tiếp lên tới đại học. Cậu học trò Trần Văn Muống của ông đã bước ra từ lớp học tình thương ấy đã trở thành cử nhân ngành công nghệ sinh học, Đại học Bách khoa Đà Nẵng. "Em gái tôi thuở bé cũng học lớp thầy Hòa, sau này đậu trường Đại học Nông Lâm Huế", anh Trần Văn Muống, 33 tuổi, chia sẻ.

Mười năm sau, khi nhiều thế hệ học trò trưởng thành từ "lớp học ở góc nhà thầy Hòa", một tổ chức phi chính phủ của Mỹ đã tài trợ xây lớp học khoảng 30 m2 kiên cố cạnh nhà, trở thành "trường học" của những thế hệ trẻ em trong vùng.

Vì bận việc nhà nên lớp học ít khi nào có đầy đủ 16 học viên. Ảnh: Diệp Phan.
Vì bận việc nhà nên lớp học ít khi nào có đầy đủ 16 học viên. Ảnh: Diệp Phan.

Năm 2006, khi đã sang tuổi 48, "thầy Hòa" gây bất ngờ cho các học trò bằng cách đăng ký lớp học bổ túc trung học phổ thông. Suốt ba năm sau đó, lịch trình quen thuộc của người đàn ông 5 con là buổi sáng dạy chữ cho các em nhỏ, buổi chiều đi chăm hồ tôm và tranh thủ ôn bài để kịp lên lớp buổi tối.

Lúc bấy giờ, con đường mòn xuyên qua cánh đồng từ nhà ông ra đường lớn chưa được đổ bê tông. Vào mùa mưa, hành trang đi học của ông Hòa ngoài sách vở còn có một thanh tre nhỏ để gạt bùn bám vào bánh xe máy. Mùa lụt, những chiều nước dâng cao, vợ ông chèo đò đưa chồng ra đường lớn, rồi canh đúng 9h tối chèo đò ra đón chồng. Sau khi lấy được tấm bằng bổ túc lớp 12, ông Hòa học thêm 3 tháng lớp nghiệp vụ sư phạm để nâng cao kỹ năng dạy học. Ông có nguyện vọng thi tiếp ngành cao đẳng sư phạm tiểu học nhưng tính lại, nếu đi học thì ban ngày không thể duy trì được lớp xóa mù nên bỏ ý định. "Tôi không tham tấm bằng. Tôi đi học để động viên, làm gương cho tụi nhỏ thôi", ông Hòa nói.

Khoảng 10 năm nay, nhiều phụ huynh vùng này đã chú trọng hơn vào việc đầu tư cho con em đến trường. Ông Hòa chỉ còn nhận dạy vài em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, sau trận bão lớn hồi cuối năm ngoái, căn nhà và lớp học bị hư hỏng nặng. Để sửa nhà, sửa lớp, ông tạm cho các em học sinh nghỉ.

Tuy nhiên, lớp xóa mù chữ cho 16 học viên lớn tuổi vẫn được duy trì. Hầu hết học trò là những người đã ngoài 40 tuổi, làm đủ nghề từ thả lưới, làm ruộng, buôn bán nên việc đến lớp không được đều đặn, bữa đi đầy đủ, bữa bận việc nhà lại xin nghỉ. "Mùa đông, trời lạnh cắt da, vì lớp chỉ có hai chị em nên tôi gọi bác Hòa đừng đến nữa, mà bác ấy nói: 'Chị em có quyền nghỉ, nhưng tôi đã nhận dạy thì dù lớp có một người tôi vẫn dạy", bà Huỳnh Thị Bảy, một học viên đã lên chức bà ngoại, cho biết.

Học viên lớp xóa mù chữ lên bảng viết tên mình. Ảnh: Diệp Phan.
Một học viên lớn tuổi ở lớp xóa mù chữ viết tên mình lên bảng. Ảnh: Diệp Phan.

Chị Nguyễn Anh Tâm, 27 tuổi, ở Trung tâm Phát triển cộng đồng và Công tác xã hội Codes (Huế) kể lại một kỷ niệm: "Ngày 20/11/2015, nhóm của mình mang giỏ hoa đến thăm thầy Hòa. Sau khi nghe tụi mình chia sẻ về việc muốn tri ân việc gieo chữ cho trẻ em nơi đây, thầy cầm giỏ hoa, đặt lên bàn thờ ba mẹ mình rồi khóc và nói: Mẹ ơi, con không ngờ có ngày lại được coi như là một người thầy. Ba mẹ phù hộ cho con có sức khỏe, con nguyện làm việc này đến khi không còn sức thì thôi".

Chứng kiến người đàn ông gần 60 tuổi khóc vì lần đầu được chúc mừng nhân ngày nhà giáo, những người xung quanh đều rơi nước mắt.

Theo VNE