Theo ghi nhận tại hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội cho thấy, từ đầu tháng 6/2022 đến nay, nhiều loại rau củ, thực phẩm tăng giá từ 10 - 30% so với thời điểm cuối tháng 5. Cụ thể, giá bắp cải trắng tăng từ 12.000 đồng lên 20.000 đồng/kg; Cải xanh từ 8.000 đồng lên 10.000 đồng/mớ; Cà chua từ 16.000 đồng lên 20.000 đồng/kg. Tăng giá mạnh nhất là mặt hàng trứng gia cầm, hiện trứng gà ta lên đến 55.000 đồng/1 chục, trứng gà công nghiệp lên 37.000 đồng/1 chục. Trên các sàn thương mại điện tử, trứng gà loại 2 được bán 35.000 - 38.000 đồng/1chục, loại 1 có giá 45.000 - 48.000 đồng/1chục.
Chị Nguyễn Minh Huyền, ở Hà Đông, Hà Nội mỗi lần đi chợ lại “đau đầu” khi phải tính toán, cân nhắc chi tiêu sao cho hợp lý nhất, do giá nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng giá. Gia đình có 4 nhân khẩu, kinh tế làm ra mỗi tháng cũng chỉ có con số nhất định cho chi tiêu, song nhiều mặt hàng tiêu dùng hàng ngày tăng một cách chóng mặt đã khiến chị càng phải "thắt lưng, buộc bụng" hơn để không bị “âm tiền” vào cuối tháng.
Không chỉ mặt hàng trứng gia cầm, rau xanh tăng giá mà mặt hàng dầu ăn, mỳ tôm, nước mắm cũng trong tình trạng tương tự, trong đó, mặt hàng dầu ăn tăng 10 - 20% so với thời điểm đầu năm.
Với nhiều tiểu thương, dù đã trải qua nhiều biến động, nhưng lần tăng giá xăng này khiến giới kinh doanh "chao đảo”. Điều này khiến cho buôn bán trong thời điểm này chậm hơn, lượng người mua hàng cũng giảm đi nhiều so với bình thường.
Xăng tăng giá tác động không nhỏ đến các dịch vụ vận tải, đặc biệt là những người thường xuyên sử dụng ô tô, xe máy để mưu sinh như các tài xế, xe ôm công nghệ. Một số cá nhân hoạt động dịch vụ taxi, xe ôm, xe công nghệ dịp này như “ngồi trên đống lửa” chia sẻ:
“Một ngày thường thu nhập được 150.000 – 200.000 đồng nhưng đấy là khi giá xăng còn thấp, nhưng giờ giá xăng tăng nên thu nhập trừ chi phí chỉ còn từ 120.000-140.000 đồng. Nếu mọi khi thu nhập được khoảng 200.000 đồng có thể mua gạo, thịt, rau nhưng giờ tiền xăng chiếm mất 1/3 nên ăn uống cũng phải giảm đi”.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, giá xăng dầu tăng cao tác động trực tiếp đến nhóm giao thông vận tải như vận tải hành khách bằng đường sắt, hàng không, đường bộ, đường thủy, xe buýt, taxi… và vận chuyển hàng hóa. Ngoài ra, xăng dầu tăng còn làm tăng chi phí sản xuất các mặt hàng sử dụng xăng dầu làm đầu vào cho sản xuất, từ đó kéo theo các mặt hàng khác trong nhóm hàng hóa…
Nhằm ngăn chặn hiện tượng tăng giá bất hợp lý nhất là mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu, ngành Công thương Hà Nội sẽ cùng các doanh nghiệp nỗ lực bình ổn giá, không để xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa. Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng tập trung kết nối cung cầu, bảo đảm sản xuất; phối hợp với Sở NN&PTNT tập trung nguồn cung hàng hóa trên địa bàn, giảm nguồn cung hàng hóa từ các tỉnh để giảm chi phí kho bãi, qua đó hạn chế tối đa việc tăng giá hàng hóa.
Áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2022 là rất lớn, bởi ngoài ảnh hưởng của giá xăng dầu, thì nhóm hàng thực phẩm và nguyên liệu đầu vào tăng giá cũng gây áp lực lên lạm phát.
Để đảm bảo ổn định thị trường, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu từ đó có biện pháp điều tiết kịp thời. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong quá trình điều hành giá để kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá. Ngoài ra, phối hợp với sở công thương các địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng để kịp thời có biện pháp điều hành hoặc có kiến nghị, đề xuất hợp lý nhằm bình ổn thị trường.
Với giá xăng dầu, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước. Qua đó, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích doanh nghiệp duy trì nguồn cung và hạn chế hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận.