Hiện, cơ sở sản xuất của ông Vỹ tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương với mức thu nhập khá. Với những cống hiến của mình, ông Vỹ đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý.
Ông Vũ Văn Vỹ sinh ra trong một gia đình thuần nông từ vùng quê nghèo giàu truyền thống cách mạng xã Nam Dương, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Năm 1972, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, thanh niên Vũ Văn Vỹ làm đơn lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Trung đoàn 429, thuộc Bộ Tư lệnh miền B2 tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam Việt Nam. Năm 1975, trong một trận chiến khốc liệt với kẻ thù tại tỉnh Long An, ông Vỹ bị thương ở mắt phải và một vết thương bên mạn sườn, tỷ lệ thương tật 32%.
Năm 1976, ông Vỹ trở về quê hương và xây dựng gia đình. Thời gian đầu, ông gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm hướng phát triển kinh tế dù đã làm đủ thứ nghề từ việc tận dụng những cánh đồng màu ở quê để sản xuất nông nghiệp, cho đến làm nghề xây dựng, cơ khí rồi quay sang buôn bán... Thế nhưng tất cả những nghề đó chỉ giúp ông có được cuộc sống đủ ăn chứ không có được tích lũy để vươn lên làm giàu.
Trong lúc chưa tìm được phương hướng phát triển kinh tế, tình cờ ông gặp lại một người bạn trong quân ngũ đang làm nghề mộc, sau nhiều cuộc nói chuyện và tìm hiểu về nghề này, ông Vỹ quyết định theo học nghề mộc và buôn một số mặt hàng mộc thô từ các làng nghề nổi tiếng tại Nam Định như: làng nghề La Xuyên, Trung Đông, Hải Minh…về địa phương để bán. Những năm 1990, khi đất nước mở cửa hội nhập, từ số tiền ít ỏi tích góp được, ông Vỹ quyết định vay mượn thêm người thân, bạn bè để mở xưởng sản xuất đồ mộc dân dụng với các sản phẩm như: sập gụ, tủ chè, salon, trường kỷ...
Xưởng sản xuất khi ấy chỉ là lán trại tạm với diện tích vỏn vẹn 50m². Nguồn vốn hạn chế lại ít kinh nghiệm trong sản xuất đồ mộc nên ông đã gặp rất nhiều khó khăn, những sản phẩm làm ra mẫu mã không đa dạng mà giá thành lại cao nên bán rất chậm, hàng tồn dư rất nhiều. Ông Vỹ rơi vào bế tắc, đôi lúc cũng đã nghĩ đến chuyển sang làm nghề khác. Tuy nhiên, với ý chí quyết tâm của người lính không ngại khó ngại khổ, ông Vỹ đã bôn ba khắp nơi để quảng bá thương hiệu sản phẩm đồ gỗ của gia đình. Sau hơn 10 năm chật vật, đến năm 2000, sản phẩm đồ gỗ của cơ sở đã có những chỗ đứng nhất định tại thị trường Nam Định và một số tỉnh lân cận.
Ông Vỹ chia sẻ, để sản phẩm đồ mộc của gia đình có thể cạnh tranh được với một số làng nghề làm gỗ truyền thống, ngoài giá thành sản phẩm rẻ nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng, ông đã thuê một số thợ có tay nghề cao tại những nơi có làng nghề mộc nổi tiếng ở La Xuyên (Nam Định) hay tại Hà Tây (cũ) về làm và cũng là để quảng bá thương hiệu. Vượt qua bao khó khăn vất vả, đến nay cựu chiến binh Vũ Văn Vỹ đã có hai cơ sở sản xuất và trưng bày sản phẩm đồ mộc dân dụng với diện tích hơn 800m² tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương với mức lương từ 6-8 triệu đồng/người/tháng. Lợi nhuận bình quân đạt từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng mỗi năm.
Bà Vũ Thị Dung, trú tại xã Nam Dương do sức khỏe yếu nên ngoài cấy hai vụ lúa, bà xin vào xưởng mộc của gia đình ông Vỹ để làm thời vụ với công việc đánh giấy giáp làm bóng sản phẩm thô. Đây là công việc phù hợp với những người đứng tuổi không còn sức khỏe. Với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng, đây là số tiền mơ ước đối với những người đã hết tuổi lao động.
Bên cạnh việc chú trọng phát triển kinh tế, tạo ra nhiều việc làm cho lao động địa phương, ông Vỹ tích cực tham gia ủng hộ quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", quỹ Bảo trợ trẻ em... với mong muốn được giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các thương, bệnh binh. Với những thành tích trong chiến đấu, lao động - sản xuất, ông Vỹ đã nhận được nhiều Bằng khen của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và UBND tỉnh Nam Định...
Ông Vũ Văn Khởi, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Nam Dương, huyện Nam Trực đánh giá, từ khi là thành viên của hội cựu chiến binh xã tới nay, ông Vũ Văn Vỹ luôn là hội viên tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh. Với các hoạt động khác của địa phương, ông Vỹ luôn gương mẫu và tích cực tham gia, là tấm gương điển hình để thế hệ trẻ trên địa bàn học hỏi, noi theo.