Người chăn nuôi lao đao vì giá thấp kỷ lục

Tạp Chí Nhân Đạo
Từ đầu năm đến nay, giá trứng gà luôn trong trạng thái lên xuống thất thường. Đặc biệt, trong mấy tuần gần đây, giá trứng gà công nghiệp có xu hướng giảm mạnh, đẩy nhiều người chăn nuôi gà đẻ trứng chịu cảnh lao đao.
nguoi-chan-nuoi-lao-dao-vi-gia-thap-ky-luc
Người chăn nuôi thua lỗ vì giá trứng xuống thấp.

Lỗ chồng lỗ...

Trong khi các cấp ngành, địa phương tập trung giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi lợn, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm thì trên thị trường sản phẩm gia cầm tiêu thụ đang chững lại. Một lượng không nhỏ trứng gia cầm bị ứ đọng, chậm được tiêu thụ, người dân khó tìm đầu ra, giá trứng gia cầm giảm xuống. Theo phản ánh của người dân, hiện nay trứng loại đẹp, to chỉ đạt mức 1.300đ/quả. Trứng trung bình hiện chỉ đạt 1.100đ/quả còn loại nhỏ chỉ bán được từ 700-800 đồng/quả. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng nếu giá cả thị trường vẫn đi xuống, người chăn nuôi sẽ thua lỗ và người dân lại một lần nữa phải giải cứu nông sản.

Với vẻ mặt buồn rầu, ông Bùi Đức Chính, một hộ nuôi gà tại xã Thanh Vân (Tam Dương, Vĩnh Phúc), cho biết, ngày trước chuồng gà nhà ông lúc nào cũng có 3 vạn con gà, nhưng giờ teo tóp bớt lại chỉ còn 2,5 vạn con gà đẻ trứng Ai Cập do giá trứng gà ngày càng giảm. Theo ông Chính, cách đây một tháng, giá trứng gà Ai Cập lúc nào cũng ổn định ở mức 1.800-1.900đ/quả. Thế nhưng, hơn một tháng nay, giá trứng bắt đầu giảm mạnh, lỗ  khoảng 300đ/quả. Trong khi đó, 2,5 vạn con gà đẻ Ai Cập mỗi ngày ăn hết 2,5 tấn cám, tính ra hết khoảng 20 triệu đồng mỗi ngày. Giá giảm đã đành, giờ còn khó bán, trứng gà tồn đầy trong nhà. Cứ chỗ nào trống là để chứa trứng gà. Chủ đại lý cám thì ngày nào cũng đến nhà đòi nợ.

Trong khi đó ông Phạm Văn Đức, chủ trang trại gà ở huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) cho biết, khoảng nửa tháng nay giá trứng liên tục biến động giảm thất thường. Hiện, loại trứng cỡ trung bình, phổ biến nhất trên thị trường có giá dao động quanh mức 900đ một quả. Giá loại trứng cỡ lớn, dùng làm nguyên liệu cho các cơ sở bánh kẹo cao hơn khoảng 200-300đ, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái vẫn thấp hơn phân nửa. Tuy đầu ra vẫn ổn định, nhưng giá bán hiện tại khiến nông dân lỗ khoảng 500đ một quả. Ước tính mỗi ngày trang trại của tôi lỗ vài chục triệu do thu hoạch hơn 80.000 trứng, số tiền này chưa kể chi phí nhân công, điện nước.

Theo một số hộ chăn nuôi gia cầm tại Đồng Nai, cách đây không lâu, thời tiết nắng nóng khiến sản lượng thu hoạch giảm hơn 20% đẩy giá trứng tăng cao. Một số trang trại gửi trứng vào kho lạnh nhằm kéo dài thời gian bảo quản, chờ giá ổn định trở lại nên có tình trạng khan hiếm. Tuy nhiên, hiện nguồn hàng bắt đầu dồi dào, cộng thêm người tiêu dùng chuyển sang sử dụng thịt lợn nhiều hơn sau khi giá giảm mạnh đã tạo sức ép lớn lên giá bán.

Không chỉ có những trang trại nuôi gà đẻ trứng lao đao mà những hộ nuôi gà thịt cũng đang gặp nhiều khó khăn. Theo đó, gà tam hoàng thương phẩm chỉ đạt 30.000 - 31.000đ/kg (giảm 10.000đ so với cuối năm 2016), gà lông phượng hiện có giá 31.000đg/kg (giảm 6.000đ/kg so với đầu năm). Gia đình anh Nguyễn Văn An (Tam Dương, Vĩnh Phúc) có 3.000 con gà công nghiệp, anh An hạch toán, để nuôi một con gà công nghiệp đến khi xuất chuồng phải mất 45 ngày, cộng tiền con giống, thức ăn, thuốc men, điện nước thì giá bán ra phải vào khoảng 27.000-28.000đ/kg thì người chăn nuôi mới mong có lãi. Từ khi giá gà giảm sâu chỉ còn 16.000-18.000đ/kg, mỗi con gà, hộ nuôi phải chịu lỗ 10.000-13.000đ/kg.

Trong khi đầu ra khó khăn, giá gà, vịt, trứng giảm sâu thì giá nhiều sản phẩm đầu vào của ngành chăn nuôi như: Thức ăn, thuốc thú y... vẫn ở mức cao. Theo dự báo của nhiều hộ chăn nuôi, giá các loại gia cầm và trứng gia cầm có thể còn giảm sâu hơn nữa từ nay đến cuối năm, đặc biệt là vào mùa nắng nóng. Trước thực trạng lâm vào cảnh thua lỗ, một số hộ nuôi gà, vịt vẫn cố gắng duy trì đàn gia cầm, cho ăn cầm chừng với hy vọng chờ giá khởi sắc lên. Song, phần lớn chủ trang trại chăn nuôi quy mô lớn cho biết, trong thời gian tới, nếu giá các sản phẩm này không tăng thì họ sẽ giảm đàn, thải loại, bởi nếu giữ lại, chi phí tiền cám, thuốc thú y tăng thêm thì lỗ lại chồng lỗ.

“Khủng hoảng thừa”

Theo ông Nguyễn Kim Ðoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Ðồng Nai, việc giá gà và giá trứng gà liên tục nằm ở mức thấp có nguyên nhân chính vẫn là do nguồn cung vượt quá nhu cầu tiêu thụ. Ðơn cử như quả trứng gà, năm trước giá trứng ở mức cao khoảng 1.700đ/quả, người chăn nuôi có lời nên nhiều hộ tăng đàn khiến nguồn cung tăng dẫn đến giá giảm liên tục trong năm nay. Tương tự với con gà thịt cũng vậy.

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Viện trưởng Viện Chăn nuôi Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết, những năm qua, chăn nuôi gà có sự bùng nổ về số lượng và sản lượng, tăng trưởng bình quân trong năm qua về sản lượng là 9,9%, so với bình quân thế giới là 3,7%, chúng ta tăng hơn 2-3 lần. Chính tăng trưởng “nóng” đã tạo ra tình trạng khủng hoảng thừa sản phẩm.

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, tổng đàn gà thịt của Việt Nam đến đầu năm 2017 gần 214 triệu con, tăng gần 5% so với đầu năm 2016. Trong đó, 2 tỉnh, thành có tổng đàn gà lớn nhất cả nước là Hà Nội và Đồng Nai.

TS Trần Duy Khanh (Viện trưởng viện Đào tạo doanh nhân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm VN) cho rằng: Các cuộc “khủng hoảng thừa” nông sản, cụ thể là tình trạng thừa thịt, trứng hiện nay chỉ mang tính thời điểm và cục bộ. Thừa ở thành phố nhưng miền núi và những vùng kinh tế khó khăn thì vẫn thiếu. Hơn nữa, nhìn vào cuộc giải cứu thịt lợn có thể thấy nhu cầu tiêu thụ trong nước rất mạnh.

Do đó, một số giải pháp được các bộ, ngành, địa phương đưa ra như hạn chế chăn nuôi, hạn chế chăn nuôi lợn nái, hạn chế xây dựng mới nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi... là nóng vội vì chỉ giải quyết cái trước mắt. Lâu dài thì các bộ ban ngành phải chú trọng công tác dự báo thị trường, quản lý thị trường, tổ chức lưu thông, chế biến, tiêu thụ, tổ chức chuỗi sản xuất trong chăn nuôi thì tình trạng giải cứu nông sản mới dừng lại.

Cần nhìn nhận rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng phải ồ ạt giải cứu nông sản là do cơ chế chính sách, quản lý, thị trường, người sản xuất. Từ bài học của các đợt giải cứu, gần nhất là thịt lợn thì nguyên nhân bao trùm là cơ chế chính sách hiện nay mới mang tính ngắn hạn, chặt khúc, “ăn đong”. Chính sách trước hết phải xuất phát từ việc an sinh xã hội. Tại sao không có một cơ chế an sinh xã hội tốt cho người dân, để người dân có thêm nghề sinh kế ổn định, thu nhập cao thay vì ồ ạt chăn nuôi, nuôi trồng tự phát theo đám đông, không tìm hiểu nhu cầu và thị trường như hiện nay. Bên cạnh đó, các chính sách mới chỉ dừng lại ở việc khuyến khích sản xuất, đưa vào các giống mới, năng suất, sản lượng cao mà chưa chú trọng đến việc tổ chức sản xuất, chế biến sản phẩm. Ví dụ như thịt lợn, trứng gia cầm sao không định hướng chế biến ra nhiều sản phẩm khác nhau, tạo điều kiện cho người nông dân lựa chọn? Sản phẩm khi bán ra chỉ là sản phẩm thô, giá thấp và phụ thuộc vào thương lái thu mua. Chỉ tính riêng mì gói đã có 5-7 loại khác nhau để lựa chọn, thì tại sao thịt lợn, trứng gà đưa ra bán lại chỉ có 1 loại, chỉ là sản phẩm thô? Ngoài ra, nông sản không đưa ra các tổ chức xuất khẩu để mang lại thu nhập cao cho người sản xuất. Do đó, cần khuyến khích zsản xuất song song với tổ chức sản xuất. "Ở đây, trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý”, TS Trần Duy Khanh khẳng định.