Tháng 1/2008, Công ty khoá Minh Khai đã làm giả sản phẩm của chính công ty mình bằng cách đánh tráo nhãn mác. Theo kết luận của cơ quan điều tra, công ty này đã nhập khẩu khoá Trung Quốc về, thay logo của nhà sản xuất bằng logo Minh Khai. Những sản phẩm tráo mác này sau đó đã được Minh Khai bán ra thị trường như mặt hàng được sản xuất bởi chính công ty Minh Khai.
Vào thời điểm đó, Công an Hà Nội đã khởi tố khoá Minh Khai với tội danh “Sản xuất, buôn bán hàng giả”. Thương hiệu “khoá Minh Khai” nhanh chóng sụp đổ bởi cung cách làm ăn gian dối.
Tháng 10/2017, sản phẩm khăn tay lụa tơ tằm Việt Nam thương hiệu Khải Silk bị khách hàng phản ánh có dấu hiệu đánh tráo tem mác “made in China” bằng tem mác nhãn hiệu “Khaisilk made in Vietnam”.
Một sản phẩm của Khải Silk gắn mác Made in Vietnam. (Ảnh: t/l)
Trước khi vụ việc xảy ra, những chiếc khăn lụa tơ tằm của Khải Silk được rất nhiều khách hàng, cả người trong nước lẫn người nước ngoài nâng niu, trân trọng; được tìm mua để tặng cho người thân, bạn bè, đối tác… như một món quà thấm đẫm tinh hoa, bản sắc và giá trị văn hoá lâu đời của người Việt.
Scandal nổ ra, niềm tin và sự tự hào về một thương hiệu lụa tơ tằm do người Việt làm ra nhanh chóng sụp đổ trước những sản phẩm tráo mác này.
Cuối năm 2017, các lực lượng chức năng đã bắt giữ 25 xe hàng lậu, gian lận thương mại, vi phạm sở hữu trí tuệ. Qua quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện một lượng lớn các mặt hàng giày các loại giả mạo nhãn hiệu FILA, JEEP, VANS được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, hàng giả mạo xuất xứ “made in Vietnam”, sản phẩm tráo mác....
Mới đây, vào chiều 22/7, Tổ công tác 334 (Bộ Công Thương) phối hợp với Chi cục quản lý thị trường (QLTT) TPHCM đã đồng loạt đi kiểm tra một số cửa hàng của hệ thống siêu thị bán đồ bầu, trẻ em thương hiệu Con Cưng tại TPHCM của công ty CP Con Cưng (Concung.com) sau phản ánh của khách hàng Trương Đình Công Vĩnh (quận Tân Bình) về việc nghi ngờ sản phẩm mà ông mua của thương hiệu Con Cưng có dấu hiệu tem nhãn bị cắt, thay thế bằng tem nhãn CF (Con cung fashion).
Tem nhãn trên sản phẩm của Con Cưng. (Ảnh: 24h.com.vn)
Theo lời tự giới thiệu trên website concung.com, Con Cưng được thành lập năm 2011, là công ty tiên phong tại Việt Nam chuyên về ngành hàng dành riêng cho trẻ em. Lĩnh vực hoạt động của Con Cưng bao gồm: Nghiên cứu và cho ra đời các sản phẩm an toàn, chất lượng, giá thành hợp lý dành riêng cho trẻ em; và phát triển các hệ thống chuỗi bán lẻ cho mẹ bầu & em bé: Con Cưng, Toycity, CF (CON CUNG FASHION).
Cũng phần Giới thiệu, trong mục Sản phẩm, Con Cưng cho biết: “Con Cưng luôn cam kết, đảm bảo đưa sản phẩm trực tiếp từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng và kiểm soát được chất lượng để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Tất cả các sản phẩm tại Con Cưng đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng, đa dạng chủng loại với giá hợp lý. Chính vì vậy, các phụ huynh hoàn toàn có thể an tâm và tin tưởng khi lựa chọn sử dụng sản phẩm tại Con Cưng”
Bên cạnh đó, theo Con Cưng: “Con Cưng có lợi thế trong việc hợp tác với nhiều tập đoàn đa quốc gia, cũng như việc phân phối độc quyền cho nhiều nhãn hàng Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan. Bên cạnh đó, Con Cưng còn hợp tác với nhiều nhà máy hàng đầu tại Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan để nghiên cứu và cho ra đời những sản phẩm tốt nhất dành cho trẻ em Việt Nam”.
Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra vào chiều 22/7, nhãn mác của một số sản phẩm, thay vì gắn trực tiếp vào quần áo, thì chỉ được gắn vào chiếc móc treo. "Bây giờ mà cắt cái nhãn ở móc áo này đi thì coi như không liên quan", một cán bộ QLTT nói.
Nghi ngờ việc tráo tem mác sẽ là "Khải silk thứ 2", nhiều người tiêu dùng lo lắng. (Ảnh: 24h.com.vn)
Ngoài ra, một số sản phẩm kem chống rạn cho bà bầu, có tem nhãn tên công ty sản xuất này dán đè lên tên công ty sản xuất khác in phía trong.
Ông Trần Hùng, Cục phó Cục Quản lý Thị trường, Tổ trưởng Tổ công tác 334 cho biết, lãnh đạo Bộ Công Thương sẽ kiểm tra hệ thống Concung.com trên cả nước. Bước đầu là kiểm tra làm rõ nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại… Đặc biệt là những sản phẩm dành cho cho mẹ và bé thì phải kiểm tra kỹ về sản phẩm.
Ông Hùng cũng cho biết thêm: "Căn cứ vào các quy định pháp luật thì thấy các sản phẩm ở đây có một số nghi vấn về nhãn mác nguồn gốc xuất xứ, cái này sẽ phải kiểm tra rõ".
Về phía Con Cưng, khi phát hiện sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, Con Cưng làm việc với nhà sản xuất. “Nhà sản xuất xác nhận xảy ra lỗi kỹ thuật trong khâu sản xuất thành phẩm, tuy nhiên hàng hoá đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn xuất khẩu của Thái Lan”, đại diện Con Cưng cho hay.
Cũng theo Con Cưng, gần 4.000 sản phẩm của lô hàng có sản phẩm mà ông Vĩnh phản ánh đã bán cho khách hàng. Khi bị khách tố, Con Cưng đã “lập tức thu hồi toàn bộ lô hàng này trên toàn bộ hệ thống cửa hàng và từ những khách hàng đã mua sản phẩm, bất kể những sản phẩm đó có… gặp lỗi tương tự hay không”.
Ngay trong ngày 22/7, trong ‘Thông cáo báo chí’ trên website Concung.com, Con Cưng khẳng định: “Con Cưng có toàn bộ chứng nhận sản phẩm được sản xuất tại Thái Lan với 100% nguyên liệu từ Thái Lan và các nước ASEAN được cấp bởi Sở Ngoại Thương (Department of Foreign) trực thuộc Bộ Thương Mại (Ministry of Commerce) Thái Lan.”
Ảnh chụp màn hình website concung.com.
Còn nhớ, trước khi Khải Silk bị phanh phui sử dụng hàng “made in China” gắn mác “Khaisilk made in Vietnam”, Hoàng Khải – ông chủ của thương hiệu Khải Silk luôn được giới kinh doanh cũng như người tiêu dụng ngưỡng mộ với những phát ngôn thẳng thắn, như: “Tôi kinh doanh với tấm lòng trung thực”, hay “Lòng tử tế luôn là xu hướng thời trang đắt đỏ nhất trong mọi thời đại”…
Trong kinh doanh, có một bài học chẳng bao giờ cũ mà bất cứ doanh nhân nào cũng có thể diễn thuyết hàng giờ liền nhưng lại không dễ để thực hiện bằng hành động. Đó chính là bài học làm ăn phải bắt đầu bằng chữ Tín.
Có được chữ Tín là có tất cả. Ngược lại, một lần bất tín vạn lần bất tin. Không thể để niềm tin của khách hàng tiếp tục bị đánh cắp bởi những sản phẩm tráo mác!