‘Nghệ sĩ vườn’ cả đời tình nguyện chấn hưng rối cạn

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Ông Nguyễn Hữu Y (xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) đã dành gần 20 năm để phục hồi rối cạn Lộc Hòe với mong muốn gìn giữ văn hóa dân tộc của quê hương mình.

Say rối cạn từ ấu thơ

Rối cạn Lộc Hòe là bộ môn nghệ thuật của hai làng Lộc Dư và Hòe Thị (xã Nguyễn Trãi). Bắt nguồn từ năm 1953, khi một số nghệ nhân múa rối trong hai thôn bàn bạc với nhau hình thành một bộ môn rối cạn riêng, mang đậm chất làng quê Lộc Hòe. Đó cũng là năm ông Y được sinh ra, rồi rối cạn gắn liền với tuổi thơ của ông đến năm 1974 vì nhiều lý do mà rối cạn không còn được tổ chức diễn xướng nữa.

roi-can
Ông Nguyễn Hữu Y tuy đã gần 70 tuổi nhưng vẫn rất say mê rối cạn Lộc Hòe và mong muốn truyền lại cho lớp trẻ

Đến năm 2003, khi thấy bộ môn rối nước dần được phục hồi ở các làng nghề như Đào Thục, Chàng Sơn… ông Y bỗng lội lại ký ức về rối cạn Lộc Hòe. Ông nghĩ rằng, bộ môn nghệ thuật của quê mình cũng rất độc đáo, mang nhiều đặc trưng riêng nhưng hầu hết chẳng ai biết, thậm chí ngay ở Lộc Hòe chỉ còn duy nhất ông Y còn nhớ về các vở diễn, con rối, âm nhạc của rối cạn quê hương.

Ông bắt đầu tạm gác lại công việc hàng ngày và đầu tư thời gian làm con rối, sưu tập lại kịch bản các vở diễn, tìm nhạc công để một ngày sớm nhất có thể trình diễn lại rối cạn Lộc Hòe. Con rối cạn không làm bằng gỗ mà làm bằng đất bồi, bột đá, xi-măng….hệ thống dây điều khiển cũng khác, không chỉ nối vào chân mà nối cả vào tay rối, tay rối có khuỷu và có thể xoay uyển chuyển hơn rối nước.

Mân mê suốt nửa năm trời, “nghệ sĩ vườn” (ông Y tự phong) đã làm ra hơn 30 con rối cạn gồm cả rối người lẫn rối thú. Mỗi con cao chừng 80cm được ông Y làm rất khéo. Ông Y vừa đóng vai thợ bồi, thợ mộc, thợ vẽ, xong rồi lại còn làm cả diễn viên, sáng tác nhạc…

Bà Tạ Thị Tú, người cùng thôn đảm trách nhiệm vụ may quần áo cho rối cạn nói rằng: “Ông Y khéo léo vô cùng, công việc hàng ngày của ông là đi đắp nổi, vẽ phong cảnh ở đình chùa nên việc làm rối đối với ông quá thành thục. Suốt 6 tháng liền, ông hì hụi làm rối cả ngày lẫn đêm, tiền túi tự bỏ cốt cũng xuất phát từ tình yêu với rối cạn Lộc Hòe’.

Phút giây hồi sinh

Một ngày thu đẹp trời năm 2003, Đội rối cạn Lộc Hòe do ông Y làm đội phó công diễn trở lại sau gần 40 năm vắng bóng. Lớp trẻ trong làng bất ngờ, các cụ cao niên vỡ òa trong niềm vui khi rối cạn Lộc Hòe bắt đầu hồi sinh. Các vở diễn Quê ta mở hội, Thằng chết cãi thằng khiêng, Trí khôn của ta đây… mang phong cách Lộc Hòe được trình làng trong tiếng reo hò, vỗ tay tán dương của dân làng, đó chính là một sự ghi nhận rất lớn đối với Đội rối cạn nói chung và cá nhân người đội phó tâm huyết nói riêng.

Không dừng lại ở đó, Đội rối cạn Lộc Hòe tiếp tục tham gia chương tình Hội diễn nghệ thuật UNESSCO – APPAN, múa rối cái nhìn từ bên trong ký ức, sự phục hồi và kế truyền kinh nghiệm của châu Á diễn ra tại Băng Cốc, Thái Lan năm 2004, Liên hoan múa rối sân khấu toàn quốc lần thứ nhất năm 2011, Liên hoan sân khấu truyền thống Hà Nội năm 2014, riêng cá nhân ông Y giành được một số thành tích riêng như giải A2 vở chèo Chuyện tình của Vũ.

Nói về danh hiệu “nghệ sĩ vườn”, ông Y cười bảo: “Mình không mong danh hiệu gì cho cá nhân, chỉ mong các cơ quan quản lý văn hóa quan tâm hơn đến phục hồi rối cạn Lộc Hòe, bởi lẽ trong đội nhiều cụ đã cao tuổi, mấy người đã qua đời mà lớp trẻ thì chưa mấy ai hứng thú tham gia”.

Hiện nay, Đội rối cạn Lộc Hòe có khoảng 20 thành viên, kinh phí hoạt động đều do cá nhân tự đóng góp, được mời đi diễn cũng tự bỏ tiền xe đi lại nên nhiều người không đủ điều kiện và rút lui dần.

Tuy vậy đối với riêng cá nhân ông Y, ông vẫn luôn cố gắng hồi sinh rối cạn cho tới khi nào đôi chân không còn đứng vững được nữa. Hàng ngày, ông cùng với ông Lê Công Uyển sáng tác thêm vở mới dựa trên tích cũ dân gian, rồi ông dạy các cháu mình gõ trống, kéo nhị, thổi sáo, đọc lời, chỉ mong rằng làn điệu dân gian ngấm vào máu chúng và khơi gợi được tình yêu với rối cạn trong lớp trẻ.

Với những đóng góp của mình, ông Y được Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tặng bằng khen, đó là một động lực giúp ông bền bỉ hơn nữa trong việc hồi sinh rối cạn.

“Đứng trước việc nhiều văn hóa bên ngoài du nhập vào Việt Nam, văn hóa dân gian bị ảnh hưởng ít nhiều, tuy vậy dù sao đi nữa cũng phải giữ được cái cốt, cái vốn và tôi nghĩ rằng rối cạn Lộc Hòe là một trong mảnh ghép làm nên cái cốt đó. Chỉ mong sao, đến lúc tôi mất đi, sẽ có người thay tôi hồi sinh rối cạn, đừng để rối cạn bị đi vào quên lãng giống như những năm 1970”, ông Y cười rộn ràng.

(Bài tham gia Cuộc thi viết Tôi tình nguyện 2020)

Nguyễn Văn Công