Nghệ An: 7 người chết, 17.400 nhà dân bị ngập sau bão

Đặng Thu Hằng
Chỉ trong 3 ngày bị ảnh hưởng bởi hoàn lưu bão số 4 (bão Noru) gây ra, Nghệ An đã ghi nhận những thiệt hài nghiêm trọng cả về người và của.

Sáng 1/10, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ Nghệ An cho biết tổng lượng mưa trong ba ngày từ 28 đến 30/9 ở tỉnh này phổ biến từ 250-500mm, đặc biệt ở một số nơi mưa trên 500mm như Yên Thượng (Thanh Chương) 512mm, Quỳnh Lưu 605mm.

Dù không nằm ở vùng tâm bão số 4 song hoàn lưu cơn bão khiến mưa lớn dồn dập trong thời gian ngắn, gây thiệt hại về người và tài sản ở Nghệ An, trong đó có 7 người chết. Trong 7 nạn nhân, có 3 người ở huyện Nghi Lộc, hai người ở huyện Nam Đàn, một người ở Diễn Châu và một người ở Thanh Chương. Những người này bị lũ cuốn trôi khi đánh cá hoặc băng qua cầu tràn ngập nước.

mien-trung-1-dem-thuc-trang-nuoc-ngap-toi-tan-noc-nha-1a43ebae-1664606749.jpeg
Lực lượng chức năng vận chuyển trâu bò của người dân đến nơi an toàn. (Ảnh: Facebook)

Trong hôm nay lượng mưa tại các địa phương đã giảm, lũ đã rút song chưa đáng kể. Số hộ dân ngập lụt còn cao. Hiện, toàn tỉnh có gần 17.500 ngôi nhà tại 13/21 huyện, thị bị ngập. Trong đó, huyện Quỳnh Lưu ghi nhận số hộ ngập nhiều nhất là hơn 6.500 hộ dân, thị xã Hoàng Mai hơn 3.300 hộ. Ngoài ra, hơn 1.120 hộ dân vùng thấp trũng, nguy hiểm phải di dời.

Theo ông Nguyễn Xuân Dinh, Phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu, cho biết do nước thượng nguồn đổ, ngập lụt ven sông Giát, khiến hàng nghìn hộ dân trên địa bàn ngập sâu. Trong đó, xã Quỳnh Lâm ngập nặng nhất với khoảng 2.700 hộ nhưng có đến 700 hộ ngập sâu hơn 1 m.

anh-chup-man-hinh-2022-10-01-luc-134626-1664606838.jpg
Nhiều khu vực ở Nghệ An chìm trong biển nước. (Ảnh: Zing)

“Ngoài việc di dời người dân khu vực nguy hiểm, địa phương chỉ đạo lực lượng tại chỗ cung ứng nước sạch, nhu yếu phẩm cần thiết cho bà con. Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề, chưa thể đánh giá hết”, ông nói.

Thêm vào đó, còn hơn 83.000 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Hàng chục nghìn ha lúa, hoa màu, cây công nghiệp hư hỏng. Nhiều diện tích thủy sản bị thiệt hại nặng. Hàng chục công trình thủy lợi, đường giao thông bị hư hỏng, sạt lở.

307519372-3564752237145746-280143700190417952-n-1664606484.jpg
Một chủ trang trại gà có 4.000 con chết do lũ, người dân ở xã Diễn Đoài, Diễn Châu, Nghệ An đã đến giúp vặt lông gà để đem đến khu sinh thái cho thú ăn. (Ảnh: Facebook)

Theo Chi cục Thủy lợi Nghệ An, hiện nay toàn tỉnh đang có 8 hồ chứa nhà máy thủy điện, hồ thủy lợi xả lũ. Mực nước lúc 19h tối 30-9 trên sông Cả (sông Lam) tại Yên Thượng 9,02m, ở mức báo động 3; tại Nam Đàn 7,22m, trên báo động 2.

Dự báo, trong 12-24 giờ tới, lũ hạ lưu sông Cả tiếp tục xuống chậm, cảnh báo tình trạng ngập lụt tiếp tục diễn ra tại các huyện Quỳnh Lưu, Đô Lương, Thanh Chương, Con Cuông, Nam Đàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đã ban hành công điện khẩn yêu cầu các địa phương, đơn vị tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; tập trung khắc phục hậu quả bão số 4 và chủ động ứng phó thiên tai trong thời gian tới.

Nghiêm cấm người dân đánh bắt cá, vớt củi… trên sông, suối khi có mưa lũ hoặc di chuyển vào vùng ngập lũ, hạ du các hồ đập, khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, không để tiếp tục xảy ra những trường hợp thiệt hại đáng tiếc về người.

Các chủ hồ chứa thủy điện thực hiện nghiêm quy định về quản lý an toàn đập, quy trình vận hành hồ chứa, bảo đảm vận hành khoa học, an toàn, đồng thời góp phần cắt giảm lũ cho hạ du.

Thu Hằng