Ngành Y tế: Làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khoẻ cho nhân dân

Nguyễn Diệp Linh
Trong 3 năm qua ngành y tế đã phải đối mặt với vô vàn thách thức chưa từng có do đại dịch COVID-19. Tập trung kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh, không để dịch chồng dịch. Tăng cường quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích, nâng cao sức khoẻ người dân. Triển khai các chương trình, dự án đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng, hình thành thệ thống trung tâm kiểm soát dịch bệnh ở tất cả các tuyến… để có thể làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khoẻ cho nhân dân. Nhân kỷ niệm 68 nămngày Thầy thuốc Việt Nam 27/02, phóng viên Tạp chí Nhân đạo đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan.

PV: Thưa Bộ trưởng, ngành Y tế đã và đang nỗ lực cố gắng khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để hoàn thành tốt sứ mệnh của mình, xin Bộ trưởng cho biết những biện pháp chủ đạo trong thời gian tới để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trong các cơ sở y tế?

Bà Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế: Năm 2022, ngành Y tế gặp phải không ít khó khăn, tác động tiêu cực tới dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân, nhưng 2022 cũng là năm chúng ta khống chế hiệu quả dịch COVID-19 sau gần ba năm đại dịch.

bo-truong-bo-y-te-dao-hong-lan-1677290872.jpeg

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

Trong năm, lĩnh vực khám chữa bệnh cũng thu được nhiều kết quả quan trọng, số lượt khám bệnh ngoại trú bảo hiểm y tế đạt trên 52 triệu (tương đương 66% so với cùng kỳ năm 2019); số lượt điều trị nội trú bảo hiểm y tế đạt trên 5,5 triệu (tương đương 70% so với cùng kỳ năm 2019); số ngày điều trị nội trú tương đương gần 70% so với cùng kỳ năm 2019. Đây thực sự là sự cố gắng của các cơ sở khám, chữa bệnh trong điều kiện thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư tiêu hao, nhân lực biến động.

Lĩnh vực khám chữa bệnh, cũng ghi nhận nhiều thành tựu như Bệnh viện Trung ương Huế xác lập cùng lúc 2 kỷ lục trong lĩnh vực ghép tạng là ghép tim với thời gian mổ ngắn nhất và thời gian tim đập lại cũng ngắn nhất.

Thành tựu ghép tạng Việt Nam còn ghi nhận trường hợp hiếm có trên thế giới đó là ca ghép phổi thành công toàn diện, khỏe mạnh sau hơn 2 năm ghép. Ca ghép do Bệnh viện Phổi Trung ương phối hợp với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện. Chúng ta đã nuôi dưỡng thành công cặp song sinh non tháng nặng 500g…

Khắc phục những khó khăn và phát huy những kết quả đạt được từ năm 2022, năm 2023, toàn hệ thống tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trong các cơ sở khám chữa bệnh để góp phần phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội của đất nước sau đại dịch COVID-19.

Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện, nâng cao chất lượng dịch vụ các tuyến, thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm quá tải bệnh viện, xây dựng chính sách gắn kết quả đánh giá chất lượng với giá dịch vụ y tế, bảo hiểm y tế. Xây dựng và trình ban hành Đề án về Tổ chức kiểm định, đánh giá độc lập chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh”...

Bên cạnh đó, Bộ Y tế tập trung xây dựng hướng dẫn chuyển đổi số khám chữa bệnh, quy trình triển khai bệnh án điện tử, bảo mật, an ninh an toàn dữ liệu; sửa đổi tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện theo hướng chuyển đổi số; đồng thời xây dựng cơ chế tài chính hỗ trợ chuyển đổi số khám chữa bệnh, hướng dẫn lập dự án đầu tư công nghệ thông tin… Tiếp tục hoàn thiện các nền tảng số: Hồ sơ sức khoẻ điện tử, trạm y tế xã, khám chữa bệnh từ xa, kê đơn thuốc điện tử…

Đề án Khám chữa bệnh từ xa đã bước vào năm thứ 3 thực hiện và cần tiếp tục đẩy mạnh để người dân vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng. Bộ Y tế cũng xây dựng bổ sung các hướng dẫn chi tiết phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh từ xa, tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động khám chữa bệnh từ xa.

Năm 2023 Luật Khám chữa bệnh sửa đổi, các cơ sở khám chữa bệnh cùng với Bộ Y tế xây dựng và góp ý các văn bản dưới luật để đưa Luật Khám chữa bệnh đi vào cuộc sống, góp phần tạo ra những thay đổi tích cực cho hệ thống khám bệnh, chữa bệnh.

PV: Trong những năm tới, chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu, xin Bộ trưởng cho biết Bộ Y tế sẽ chỉ đạo ngành Y tế tiếp tục chuyển đổi số như thế nào để giữ vững thành quả đã có và còn tiếp tục phát triển, ứng dụng vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân? Xin Bộ trưởng cho biết những giải pháp và mục tiêu chính?

Bà Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế: Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, với sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của Chính phủ, của các Bộ ngành liên quan, cùng với sự nỗ lực cố gắng của toàn ngành Y tế, sự hợp tác, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, việc ứng dụng CNTT phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho người dân đã từng bước phát triển và bước đầu đạt được một số thành quả rất đáng khích lệ.

dong-chi-do-xuan-tuyen-thu-truong-phu-trach-dieu-hanh-bo-y-te-dong-chi-bui-thi-hoa-chu-tich-tu-hoi-chu-thap-do-viet-nam-ky-ket-chuong-trinh-hop-tac-giua-bo-y-te-va-hoi-chu-thap-do-viet-nam-giai-doan-2022-2027-1677290929.jpg

Đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Phụ trách Điều hành Bộ Y tế; đồng chí Bùi Thị Hoà, Chủ tịch T.Ư Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam ký kết Chương trình hợp tác giữa Bộ Y tế và Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam giai đoạn 2022-2027

Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, ngày 22/12/2020, Bộ Y tế đã có Quyết định số 5316/QĐ-BYT ban hành Chương trình chuyển đổi số y tế, với định hướng tới năm 2030 công nghệ số được ứng dụng trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ của ngành y tế, hình thành nền y tế thông minh với ba nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.

- Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo thuận lợi cho các đơn vị trong ngành y tế triển khai chuyển đổi số.

- Về ứng dụng: Tiếp tục những kết quả đạt được của những năm qua, năm 2023 nói riêng và cả giai đoạn 2023 - 2025 nói chung, Bộ Y tế sẽ thúc đẩy triển khai:

Hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy; Hệ thống lưu trữ và chẩn đoán hình ảnh y khoa tiến tới không sử dụng phim nhựa; Đăng ký và tư vấn, khám chữa bệnh từ xa; Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở để triển khai thực hiện khám chữa bệnh không giấy, trong đó hồ sơ bệnh án điện tử phải đáp ứng không sử dụng bệnh án giấy. Tất cả dữ liệu sức khỏe người dân được hình thành trong các đợt khám, chữa bệnh sẽ được kết nối và chia sẻ với các kho dữ liệu hồ sơ sức khỏe theo quy định của pháp luật.

PV: Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của bà!

Trong giai đoạn mới, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế tạo ra một hệ sinh thái chăm sóc người nghèo, người yếu thế trong xã hội.

Với dấu ấn đậm nét qua 11 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch là phong trào hiến máu tình nguyện trong dân nhân đáp ứng lượng máu phục vụ cho cấp cứu và chữa bệnh tại các bệnh viện. Các đoàn khám chữa bệnh lưu động tới tận vùng sâu, vùng xa, khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.

Trong giai đoạn 2022-2027, Bộ Y tế và Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiếp tục tập trung vào các nội dung: Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh cho cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ và nhân dân; tổ chức thực hiện các hoạt động sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng; công tác tuyên truyền, vận động hiến máu nhân đạo; tổ chức thực hiện các hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo và hỗ trợ bệnh nhân nghèo điều trị tại các cơ sở y tế; tăng cường công tác truyền thông bảo vệ biểu tượng Chữ thập đỏ…

Mạnh Linh – Lã Hằng