Ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 42-43 tỷ USD

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Tuy phải chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch CCOVID-19, giá cả nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển tăng cao nhưng 6 tháng đầu năm 2022, ngành dệt may Việt Nam vẫn bứt phá vươn lên với mức tăng trưởng tốt. Tại cuộc họp báo Đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2022 của ngành dệt may Việt Nam do Hiệp hội Dệt may Việt Nam tổ chức sáng nay (21/7), ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) khẳng định, dù đối mặt với không ít khó khăn trong nửa cuối năm, song toàn ngành dệt may vẫn hướng tới mục tiêu xuất khẩu đạt khoảng 20-21 tỷ USD trong nửa cuối năm, đưa trị giá xuất khẩu cả năm cán đích khoảng 42-43 tỷ USD. 
anh-t46-1658391541.png
Kim ngạch xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt khoảng 22,3 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Chia sẻ với phóng viên, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, năm 2022 là thời điểm các doanh nghiệp dệt may từng bước phục hồi sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 toàn cầu.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt khoảng 22,3 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực là hàng may mặc kim ngạch xuất khẩu đạt 16,94 tỷ USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu vải đạt 1,4 tỷ USD, tăng 20,8%; xuất khẩu xơ sợi đạt 2,76 tỷ USD, tăng 4,4%; xuất khẩu phụ liệu dệt may đạt 734 triệu USD, tăng 22,3%; xuất khẩu vải không dệt đạt 452 triệu USD, tăng 25,5%. Ở chiều ngược lại, tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên, phụ liệu dệt may 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 13,4 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ 2021. “Như vậy, ngành dệt may xuất siêu đạt 8,86 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, tăng 32% so với 6 tháng năm 2021. Đây là nỗ lực tuyệt vời của các doanh nghiệp dệt may trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn”, ông Vũ Đức Giang đánh giá.

Đánh giá về những thuận lợi, khó khăn của ngành dệt may trong 6 tháng cuối năm, ông Vũ Đức Giang cho rằng, ngành dệt may Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức trước mắt khi nguy cơ tái bùng phát bởi các biến chủng Covid-19 mới vẫn đang hiện hữu. Nhiều quốc gia là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản,… vẫn đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch và ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm dệt may của Việt Nam.

“Dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng toàn ngành dệt may Việt Nam vẫn đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 42-43 tỷ USD. Như vậy, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 còn gần 50%”, ông Vũ Đức Giang chia sẻ.

Để ổn định sản xuất, hướng tới mục tiêu bền vững trong thời gian tới, Chủ tịch Vitas cho rằng, bản thân các doanh nghiệp cần bắt kịp xu thế thị trường, đầu tư máy móc công nghệ, chuyển đổi xanh thích ứng với các yêu cầu của nhãn hàng, tăng cường giải pháp xây dựng đào tạo nguồn lực thích ứng với tình hình khó khăn của thị trường, đặc biệt chú trọng tới nguồn nhân lực thiết kế cho ngành công nghiệp thời trang.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cần phải phát huy vai trò là cầu nối hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước với khối DN dệt may, nâng cao nhận thức phát triển ngành theo hướng xanh - sạch - bền vững.

Đặc biệt, Hiệp hội Dệt May Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc phản ánh, đề xuất kiến nghị, kêu gọi sự hỗ trợ từ phía Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương về vấn đề phòng dịch và sản xuất, thông tin thị trường, chi phí cảng biển, bất cập về thuế, bảo hiểm xã hội, chi phí công đoàn, cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đào tạo phát triển nguồn nhân lực…

MP