.
Theo Bộ TT-TT, hành vi lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng trong thời gian qua trở nên phổ biến hơn. Bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp, đối tượng lừa đảo đã thu thập trái phép thông tin cá nhân của người dân hoặc giả mạo các tổ chức tài chính, ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tiền.
Thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) cho thấy, các hình thức lừa đảo trực tuyến chủ yếu là: giả mạo thương hiệu (72,6%), giả mạo chiếm đoạt tài khoản trực tuyến (11,4%), hình thức khác (16%) như lừa đảo trúng thưởng, việc làm online, app cho vay...
Các đối tượng thường lập website/blog giả mạo, thư điện tử giả mạo, giả mạo cá nhân qua tài khoản trực tuyến.
Theo Bộ TT-TT, người dân Việt Nam dùng Internet nhiều (trung bình 7 tiếng/ngày). Thời gian sử dụng Internet này khá nhiều. Trong khi đó, một số người nhẹ dạ, cả tin, nhận thức về an toàn thông tin còn hạn chế; Nhiều người ham trúng thưởng, khuyến mại nên mắc phải bẫy lừa đảo trực tuyến.
Trước thực trạng trên, Bộ TT-TT đã có nhiều giải pháp để bảo vệ người dân trên không gian mạng. Theo Cục An toàn thông tin, năm 2022, Cục đã điều phối ngăn chặn 2.328 website lừa đảo, vi phạm pháp luật. Trong đó, có 1.342 trang website lừa đảo trực tuyến, 986 trang web/blog vi phạm pháp luật; Bảo vệ 4,33 triệu người dân, tương đương 6,8% người dùng Internet Việt Nam không truy cập website lừa đảo.
Danh sách các website lừa đảo trực tuyến cũng được công khai trên Cổng khonggianmang.vn để người dân tra cứu, xác minh, phản ánh lừa đảo trực tuyến.
Theo An ninh thủ đô