Nếu dung hòa chính sách, vẫn còn dư địa giảm lãi suất

Nguyễn Thị Hải Hà
Một số chuyên gia kinh tế phân tích: Áp lực về tỷ giá thế giới giảm, thanh khoản ngân hàng của Việt Nam đã tốt hơn so với quý 4/2022, tín dụng tăng chậm… Nếu dung hoà được chính sách, vẫn có dư địa để giảm lãi suất ngay quý II/2023.
Chú thích ảnh Sản phẩm may mặc, xơ, sợi, vải... cũng là mặt hàng xuất khẩu giảm mạnh từ đầu năm 2023 đến nay. Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN

Kỳ vọng lãi suất điều hành giảm

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã nâng phạm vi mục tiêu cho lãi suất lên 5 - 5,25% và phát tín hiệu chu kỳ tăng lãi suất sắp kết thúc. Tại thị trường trong nước, chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục giảm lãi suất điều hành ít nhất là 50 điểm cơ bản từ nay tới cuối năm; đồng thời, giữ nguyên dự báo lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm thêm 50 điểm cơ bản xuống 7,0%/năm vào cuối năm 2023.

Hạ lãi suất điều hành để các ngân hàng giảm lãi suất huy động, từ đó, tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế đẩy nhanh tăng trưởng.

Theo chuyên gia của VNDIRECT, sau những tuyên bố có phần ôn hòa của FED về định hướng chính sách sắp tới, thị trường hiện kỳ vọng FED sẽ tạm dừng tăng lãi suất tại cuộc họp tháng 6/2023 và cắt giảm lãi suất sớm nhất là trong nửa cuối năm 2023 do nguy cơ xảy ra suy thoái gia tăng.

“Trong quý II/2023, chúng tôi nhận thấy áp lực tỷ giá USD/VND hạ nhiệt do FED có thể tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất ngay tại cuộc họp tiếp theo trong tháng 6/2023 và dự báo tỷ giá USD/VND dao động trong khoảng 23.400 - 23.700 VND/USD”. Thời gian qua, NHNN tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Mới đây nhất, ngày 23/4/2023, NHNN đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép các tổ chức tín dụng rà soát, cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc, lãi hoặc giữ nguyên nhóm nợ đối với các khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng”, ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Vĩ mô và chiến lược thị trường, Khối Phân tích của VNDIRECT dự báo.

Thị trường kỳ vọng FED sẽ dừng tăng lãi suất điều hành trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 6/2023. Nếu kịch bản này xảy ra, áp lực tỷ giá và lãi suất trong nước sẽ tiếp tục hạ nhiệt.

Bên cạnh đó, NHNN cũng công bố Thông tư 03/0223/TT-NHNN cho phép hoãn thực hiện Điều 11 Khoản 4 Thông tư 16/2021. Điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng vẫn có thể mua lại trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chưa niêm yết đã bán trước đó với một số điều kiện.

NHNN cũng đang nghiên cứu dự thảo sửa đổi Thông tư 41/2016/TT-NHNN để hướng tới việc giảm hệ số rủi ro tín dụng cho các dự án bất động sản khu công nghiệp và các khoản vay cho nhóm nhà ở xã hội nói chung, qua đó cho thấy định hướng khuyến khích cho vay đối với các phân khúc này.

Theo ông Đinh Quang Hinh, VNDIRECT kỳ vọng các chính sách hỗ trợ này cùng với lãi suất cho vay hạ nhiệt sẽ cải thiện triển vọng tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm 2023.

Chú thích ảnh Bà Dương Thị Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN).

Mặc dù các chuyên gia dự đoán NHNN sẽ giảm thêm lãi suất điều hành, song tại Diễn đàn toàn cảnh Ngân hàng năm 2023 với chủ đề “Điều hành chính sách tiền tệ trước biến số kinh tế toàn cầu” tổ chức mới đây, bà Dương Thị Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho rằng: Mặc dù FED đã tạm dừng tăng lãi suất, song mặt bằng lãi suất của FED vẫn sẽ ở mức cao. Hơn nữa, nguy cơ lạm phát tiềm ẩn trong nước và thế giới vẫn rất lớn. Chính vì vậy, NHNN phải thận trọng, linh hoạt để vừa đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Khơi thông sự luân chuyển của dòng vốn

Đề cập về việc liệu Việt Nam còn dư địa để hạ lãi suất. TS Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) cho biết: Từ năm 2011 - 2020, Việt Nam chủ yếu là thặng dư cán cân vãng lai, tức là Việt Nam là nước xuất khẩu vốn.

Trong 2 năm 2021 và 2022 do phải chi phí cho nhập khẩu thuốc và thiết bị phòng chống COVID-19 và chi phí vận tải tăng vọt nên cán cân vãng lai trở nên bị âm, nhưng về xu hướng dài hạn, Việt Nam sẽ vẫn thặng dư cán cân vãng lai và vẫn là nước xuất khẩu vốn. Như vậy, Việt Nam hoàn toàn có dư địa để giảm lãi suất khi ở vị thế một nước xuất khẩu vốn.

Còn TS Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định: Năm 2023 lạm phát của Việt Nam sẽ tăng cao hơn năm 2022. Tuy nhiên, năm nay không nên lo lắng về lạm phát vì năm nay chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn cầu cao, mức lạm phát dự báo 4,5% của Việt Nam là hoàn toàn chấp nhận được.

Vì áp lực lạm phát ở mức chấp nhận được, áp lực về tỷ giá thế giới đã giảm, thanh khoản ngân hàng của Việt Nam đã tốt hơn so với quý IV/2022… Lãi suất tại Việt Nam năm 2023 hiện còn cao vì năm 2022 nguồn cung tiền còn thấp, nhiều tổ chức tín dụng còn yếu kém. Tuy nhiên, nếu dung hoà được chính sách, vẫn có dư địa để giảm lãi suất ngay quý II/2023. “Từ nay tới cuối năm, nếu làm tốt, khéo thu xếp, mặt bằng lãi suất có thể giảm 1 - 2%. Nếu giảm sâu quá, thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ khó khăn do người dân thấy tiền gửi lãi suất thấp sẽ đầu tư vào các lĩnh vực khác như bất động sản…” - TS. Cấn Văn Lực nhận định.

Theo TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), trong bối cảnh khó khăn của kinh tế từ cuối năm 2022, cho đến quý I/2023 có rất nhiều dấu hiệu suy giảm kinh tế, Chính phủ có thể gia tăng hỗ trợ cho nền kinh tế, mở rộng chi tiêu để ưu tiên cho tăng trưởng.
Trong đó, chính sách tài khóa vẫn phải đóng vai trò chủ đạo. Đặc biệt phải chú trọng các giải pháp liên quan tới giãn, hoãn, giảm phí, thuế, để khoan sức dân, giúp cho người dân và doanh nghiệp tạo lại niềm tin và hứng khởi với thị trường. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ cần duy trì trạng thái “thích ứng” với hiện trạng của nền kinh tế có nhiều rủi ro, tiếp tục cân bằng giữa rủi ro tài chính với hỗ trợ phục hồi kinh tế, khơi thông sự luân chuyển của dòng vốn.

"Đã đến lúc cần có những chính sách quyết liệt phối hợp giữa ngành ngân hàng, ngành tài chính, thị trường vốn đề làm sao về ngắn hạn cho tới trung hạn phải đưa mặt bằng lãi suất giảm xuống thì mới nâng được năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Qua đó mới đạt được mục tiêu duy trì tốc độ tăng kinh tế đạt 6 - 7%, để đạt mục tiêu thành nước thu nhập trung bình cao vào những năm sắp tới" - TS Nguyễn Tú Anh nêu ý kiến.

Đánh giá về môi trường lãi suất cao tác động tới kinh tế vĩ mô năm 2023, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, lãi suất bắt đầu tăng từ tháng 7/2022 và đến tháng 2/2023 lãi suất vẫn tiếp tục được neo ở mức cao. Mức lãi suất cho vay bình quân khoảng 9 - 10,7% đã làm xói mòn năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt. Tính riêng năm 2022, chi phí lãi vay các doanh nghiệp và người dân Việt Nam phải chịu ít nhất là 1,13 triệu tỷ đồng, tương đương với 12% GDP cả nước.

Không nên dồn hết khó khăn về phía ngân hàng
Chú thích ảnh Phó Tổng giám đốc phụ trách Khối Kinh doanh tiền tệ và đầu tư của OCB, ông Bùi Thành Trung

Ông Bùi Thành Trung, Phó Tổng giám đốc phụ trách Khối Kinh doanh tiền tệ và đầu tư thuộc OCB cho biết: Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn, ngân hàng cũng khó, ngược lại ngân hàng khó, doanh nghiệp càng khó.

Chú thích ảnh Ông Lê Thanh Tùng, Thành viên HĐQT VietinBank (hình giữa)

Còn theo ông Lê Thanh Tùng, thành viên HĐQT VietinBank, tín dụng những tháng đầu năm tăng chậm chứng tỏ sức hấp thụ của nền kinh tế đang chững lại, doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, thiếu vắng đơn hàng, thu nhập người dân sụt giảm… Tất cả đang tác động trực tiếp đến sức khỏe các ngân hàng, bởi ngân hàng là “hàn thử biểu” của nền kinh tế nên khi doanh nghiệp khó khăn thì ngân hàng không thể “khỏe” được.

“Báo cáo tài chính quý 1/2023 của 27 ngân hàng niêm yết cho thấy lợi nhuận giảm 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Từ năm ngoái tới nay, các ngân hàng thương mại đối mặt với nhiều rủi ro. Nếu năm 2022, rủi ro lớn nhất của hệ thống ngân hàng là thanh khoản, lãi suất và cả rủi ro danh tiếng do liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm nhân thọ thì năm 2023, rủi ro lớn nhất của các ngân hàng là rủi ro tín dụng. Khi doanh nghiệp khó khăn, các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng, thoái lãi dự thu. Chưa kể, nền kinh tế khó khăn cũng khiến các rủi ro khác gia tăng với lĩnh vực ngân hàng như rủi ro an ninh các phòng giao dịch, rủi ro gian lận nội bộ, tấn công mạng”, lãnh đạo VietinBank cho biết.

Chú thích ảnh Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA)

"NHNN 'đang đi trên dây” khi vừa điều hành vĩ mô, vừa phải kiểm soát lạm phát và hỗ trợ doanh nghiệp. “Nếu doanh nghiệp dồn hết khó khăn vào ngân hàng, thời gian tới ngân hàng khó khăn, doanh nghiệp cũng gặp khó. Thông tư 02/2023 về giãn hoãn nợ là tin vui với cả ngân hàng và doanh nghiệp, song nếu không cẩn thận thì khó khăn của nền kinh tế sẽ dồn hết vào ngân hàng thương mại”, Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) dự báo.

*Clip chia sẻ của ông Bùi Thành Trung, Phó Tổng giám đốc phụ trách Khối Kinh doanh tiền tệ và đầu tư thuộc ngân hàng OCB và đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam về các gói vay và mục tiêu hạ lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp: