Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh NATO đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ chính trong nội bộ khối trước thềm kỷ niệm 70 năm.
Theo Đức, tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO năm nay, các nước thành viên sẽ phê chuẩn cam kết đảm bảo phòng thủ tập thể của liên minh quân sự này. Cam kết nêu trên dự kiến sẽ có trong tuyên bố chung của hội nghị.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ trước đó đã ra tối hậu thư với cảnh báo sẽ phủ quyết mọi kế hoạch của NATO nếu không nhận được sự ủng hộ chính trị mạnh mẽ trong lập trường đối với lực lượng người Kurd tại Syria. Không dừng lại ở đó, còn có một sức ép lớn nữa của NATO đến từ Mỹ.
Cách đây 3 tuần, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng chỉ trích gay gắt rằng NATO đang bị tê liệt vì thiếu sự phối hợp cấp cao, thiếu các mục tiêu chiến lược cũng như việc không trừng phạt các hành động vô kỷ luật của Thổ Nhĩ Kỳ.
Đáp trả lại, Tổng thống Erdogan không chỉ nổi giận với Pháp, ông còn yêu cầu tất cả các nước NATO ủng hộ cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria và coi đó là một cuộc chiến chính đáng mà Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành cho tất cả các thành viên của tổ chức. Cụ thể, ông muốn các nước NATO chỉ định lực lượng người Kurd là khủng bố.
Điều này không chỉ xuất phát bởi lý do các nước thành viên cùng chia sẻ quan điểm của Mỹ khi cho rằng người Kurd là lực lượng chiến đấu hiệu quả nhất trong cuộc chiến chống IS, mà NATO còn muốn gửi thông điệp cảnh báo tới Tổng thống Erdogan - người đã phớt lờ yêu cầu của liên minh trong việc dừng mua bán hệ thống tên lửa phòng không S400 của Nga.