NASA đã sẵn sàng phóng con tàu vũ trụ có kích cỡ bằng máy rửa bát trị giá 337 triệu USD với mục đích mở rộng khám phá các hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời, đặc biệt là những hành tinh gần có kích thước tương tự Trái Đất và có thể chứa sự sống.
Vệ tinh Thăm dò Ngoại hành tinh Đi qua của NASA (TESS) dự kiến được phóng ngày 16/4 vào lúc 22h32 GMT trên một tên lửa SpaceX Falcon 9 từ trạm Cape Canaveral, Florida.
Mục tiêu chính của nó trong hai năm tới là quét hơn 200.000 ngôi sao sáng nhất để tìm kiếm dấu hiệu các hành tinh quay quanh chúng.
NASA dự đoán TESS sẽ khám phá 20.000 hành tinh nằm ngoài Hệ Mặt Trời, bao gồm hơn 50 hành tinh cỡ Trái Đất và khoảng 500 hành tinh có kích thước ít nhất gấp đôi Trái đất.
"Nó sẽ quay quanh những ngôi sao gần nhất, sáng nhất", AFP dẫn lời nhà khoa học Elisa Quintana từ Trung tâm bay vũ trụ Goddard của NASA.
"Thậm chí chúng ta có thể tìm thấy các hành tinh quay quanh những ngôi sao nhìn thấy được bằng mắt thường", bà nói thêm. "Trong vài năm tới chúng ta có thể nhìn và biết được ngôi sao nào trên trời có hành tinh quay quanh. Đây chính là tương lai".
TESS được thiết kế để tiếp nối kính viễn vọng không gian Kepler, sứ mệnh đầu tiên của NASA trong hành trình săn hành tinh được phóng đi năm 2009. Kepler giờ đã già cỗi, còn ít nhiên liệu và sắp ngừng hoạt động. Trong 4 năm, Kepler đã theo dõi 150000 ngôi sao trong một vùng trên bầu trời.
Được trang bị 4 camera tân tiến, TESS sẽ quét một khu vực lớn gấp 350 lần, bao gồm 85% bầu trời chỉ trong hai năm đầu tiên thực hiện sứ mệnh.
"Trung bình, các ngôi sao mà TESS quan sát sáng hơn 30-100 lần và gần hơn 10 lần so với các ngôi sao mà Kepler theo dõi", Jenn Burt từ Đại học Massachusetts cho biết.
Theo Jeff Volosin, người chỉ đạo dự án TESS từ Trung tâm Vũ trụ Goddard của NASA, bằng cách tập trung vào các hành tinh cách Trái Đất hàng chục đến hàng trăm năm ánh sáng, TESS sẽ là bước đệm cho đột phá trong khám phá không gian.
"Hy vọng rằng một ngày nào đó, trong những thập kỷ tới, chúng ta có thể xác định được tiềm năng tồn tại của cuộc sống bên ngoài Hệ Mặt Trời", Volosin nói.