Nâng cao kiến thức, kinh nghiệm cho người dân trước nạn lừa đảo, tấn công mạng

Đặng Thu Hằng
Trước tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng vẫn diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và một số đơn vị liên quan đã liên tục phát ra cảnh báo người dân cẩn trọng, nâng cao kiến thức bản thân để không mắc bẫy lừa đảo hay nhiễm mã độc tống tiền (ramsomware).

Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 5/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông diễn ra chiều 13/5, tại Hà Nội, Trung tá Vũ Trọng Nghĩa, Phó trưởng phòng 5, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết, để ngăn ngừa, phòng chống lừa đảo trên mạng, Bộ Công an đã tổng hợp 24 phương thức lừa đảo và phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tuyên truyền rộng rãi vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, hiện tại, đối tượng lừa đảo liên tục nghiên cứu, tích hợp và phát triển các hình thức lừa đảo mới khiến người dân cũng như các cơ quan chức năng không dễ phát hiện.

193149-quang-canh-hop-bao-bo-1715624313.jpg
Cuộc họp thường kỳ tháng 5/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trước tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng vẫn diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và một số đơn vị liên quan đã liên tục phát ra cảnh báo người dân cẩn trọng, nâng cao kiến thức bản thân để không mắc bẫy lừa đảo hay nhiễm mã độc tống tiền (ramsomware).

Mới đây, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã xây dựng fanpage của đơn vị để tuyên truyền tới người dân. Nội dung tuyên truyền về các kịch bản, hình thức lừa đảo, cách thức xử lý khi bị lừa đảo được thiết kế đơn giản, dễ hiểu để người dân dễ tiếp cận và tiến hành phòng ngừa tội phạm.

Hiệp hội An ninh mạng quốc gia Việt Nam đã phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ xây dựng phần mềm nhận diện các hình thức lừa đảo. Dự kiến, phần mềm sẽ tích hợp được dữ liệu của nhiều đơn vị (Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng nhà nước) và được triển khai, cài đặt lên các thiết bị thông minh của các đơn vị bộ, ngành, cơ quan nhà nước, người dân để có thể nhận diện được các hình thức, nguy cơ lừa đảo.

Về tấn công mã hóa tống tiền (ransomware), ông Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong quý I/2024, Trung tâm đã ghi nhận hơn 150 triệu cảnh báo về các nguy cơ bảo mật, phân tích và phát hiện 13.000 sự kiện liên quan đến mã độc ransomware trên các hệ thống thông tin.

Phân tích những thông tin thu thập, các chuyên gia của NCSC nhận định, tấn công ransomware, đánh cắp dữ liệu, tấn công có chủ đích (APT) sẽ là các xu hướng tấn công vào các cơ quan, tổ chức trong thời gian tới. Để phát hiện và cảnh báo sớm về tấn công mạng bằng mã độc, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và truyền thông sẽ tăng cường rà soát, đánh giá, phát hiện các lỗ hổng bảo mật trên các hệ thống thông tin của các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp, gửi văn bản yêu cầu các đơn vị thực hiện vá lỗi, đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống theo đúng quy phạm pháp luật.

Không chỉ nhắm vào các tổ chức tài chính, tập đoàn lớn, tội phạm mạng tấn công cả những cá nhân với nhiều mục đích khác nhau như đánh cắp thông tin, lừa đảo trực tuyến. Bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của một cuộc tấn công mạng.

Ông Phạm Thái Sơn nhấn mạnh, người dùng cuối cần thường xuyên cập nhật phần mềm của điện thoại, không tải xuống các ứng dụng không rõ nguồn gốc, các ứng dụng độc hại. Mọi người không nhấn (click) vào các đường dẫn (link) lạ, đặc biệt các đường link được gửi kèm trong các tin nhắn từ tài khoản người lạ gửi đến để tránh mắc bẫy lừa đảo.

Bên cạnh đó, theo số liệu về công tác giám sát tỷ lệ thông tin trên báo chí của Bộ Thông tin và Truyền thông, tháng 4/2024, tỷ lệ thông tin tiêu cực trên báo chí là 19,03%, tăng 0,92% so với tháng trước (giảm 7,69% so với cùng kỳ). Tỷ lệ thông tin tích cực trên báo chí là 60,23%, giảm 2,17% so với tháng trước (giảm 2,48% so với cùng kỳ).

Đối với công tác xử lý vi phạm hành chính, tháng 4/2024, Bộ đã ban hành 26 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt 818 triệu đồng.

TH