Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, chủ động thích ứng linh hoạt

Lã Thị Thúy Hằng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững” do Bộ Y tế tổ chức ngày 21/8. Hội nghị được thực hiện kết hợp hình thức trực tiếp tại Trụ sở Bộ Y tế với điểm cầu UBND 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

a3-1661154039.jpg

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Hàng loạt những vướng mắc, khó khăn, bất cập của ngành Y tế được nêu ra tại hội nghị “Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững”.

Cụ thể, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu ra 14 vấn đề tồn tại, hạn chế của ngành Y, điển hình là tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế; liên kết công - tư; giá dịch vụ chưa tính đúng, tính đủ... Đặc biệt, với áp lực rất lớn cùng với đồng lương ít ỏi, chế độ đãi ngộ chưa phù hợp đã làm lung lay nhiệt huyết lòng yêu nghề khiến nhiều cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc trong thời gian qua. Bên cạnh đó, hệ thống y tế dự phòng còn bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là tại tuyến y tế cơ sở, nguồn lực đầu tư hạn chế; tình trạng quá tải vẫn chưa được giải quyết triệt để ở các bệnh viện tuyến cuối.

Theo bà Đào Hồng Lan, trước mắt, ngành Y tế cần được tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh cấp phép thuốc, trang thiết bị y tế ….; song song với đó là giải quyết các vấn đề mang tính lâu dài như hoàn thiện thể chế, chính sách; đổi mới tài chính y tế; đầu tư phát triển y tế dự phòng, y tế cơ sở. Đặc biệt, vấn đề khó khăn về tài chính ở các đơn vị y tế hiện nay, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ cho phép thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, kể cả giá dịch vụ khám chữa bệnh có BHYT phù hợp với mức đóng BHYT và khả năng cân đối Quỹ BHYT.

Có thể nói, những khó khăn, giải pháp trên đã được nêu ra tại nhiều cuộc họp, hội nghị lớn nhỏ trước đây nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, mà ngược lại, những bất ổn nội tại của ngành Y ngày càng bộc lộ gay gắt hơn, đặc biệt kể từ khi bùng phát dịch Covid-19 đến nay, đòi hỏi phải có giải pháp căn cơ. Nhiều người đã công hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe Nhân dân, đã chờ đợi sự thay đổi của ngành Y, cho đến tận lúc về hưu, họ vẫn đau đáu trước những bất cập đó.

Tại hội nghị quan trọng này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, đây là thời cơ lớn để đổi mới, tạo ra đột phá nhằm phát triển ngành Y tế bền vững. Trong 11 nhóm giải pháp được nêu ra, Thủ tướng đặc biệt lưu ý đến việc rà soát, kịp thời hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách y tế cho cả trước mắt và lâu dài; ưu tiên đầu tư nguồn lực, thời gian nhiều hơn nữa cho hoạt động này. “Phải mạnh dạn làm, cần thì thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện dần, không cầu toàn, không nóng vội” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp, xử lý dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện. Bộ Y tế cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính rà soát và chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tạo cơ chế đầu thầu thuốc, trang thiết bị y tế đảm bảo nguyên tắc minh bạch, khả thi và tạo sự yên tâm cho cán bộ, công chức thực thi công vụ, tránh tâm lý sợ việc đấu thầu, ảnh hưởng đến sức khỏe Nhân dân. Ngoài ra, khẩn trương rà soát các quy định về xã hội hóa, hợp tác công - tư, phát triển y tế tư nhân; sớm hoàn thành phương án thực hiện chủ trương tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế…

Mong rằng, những khó khăn, vướng mắc của ngành Y tế sẽ dần được tháo gỡ, để cán bộ, nhân viên y tế yên tâm công tác và thực hiện tốt hơn nhiệm vụ cao cả là chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, đưa ngành Y tế phát triển hơn nữa, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng.

L.Hằng