Không xấu hổ vì nhặt ve chai
Bố bỏ mẹ Duy đi theo người phụ nữ khác khi bà mang thai Duy được 2 tháng. Mẹ Duy vốn là trẻ mồ côi, được một gia đình nghèo nhận nuôi dưỡng. Vì thế, khi bị chồng ruồng bỏ, mẹ Duy không muốn trở về nhà bố nuôi vì sợ trở thành gánh nặng cho gia đình vốn đã cùng cực vì nghèo. Đau khổ, tuyệt vọng, đã có lúc mẹ Duy muốn tìm đến cái chết, nhưng nghĩ tới mầm sống trong bụng, bà lại gắng gượng vượt qua nỗi đau bị chồng phụ bạc, tìm đủ việc làm để kiếm tiền, tự tay chuẩn bị cho ngày lâm bồn.
Sau khi sinh Duy, những đồng tiền chắt chiu, dành dụm của người phụ nữ cô đơn còn lại chẳng bao nhiêu. Lụi cụi đi qua đủ thứ việc làm, cuối cùng, bà phải chọn cách đi nhặt ve chai để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống của hai mẹ con, khi những đồng vốn dành dụm “đầu tư” đi bán vé số bị những kẻ vô lương lừa gạt mất cả.
Không nhà, không tiền, mẹ Duy thuê căn nhà nhỏ để bắt đầu những chuỗi ngày đằng đẵng com cóp nhặt ve chai khắp hang cùng ngõ hẻm nuôi con trai ăn học. Sống với mẹ cùng những đống ve chai từ nhỏ, Duy đã quen với mùi phế thải, quen với việc bới thùng rác, nhặt nhạnh những chai, lọ, thùng giấy, nhựa đổi lấy bát cơm trắng, quyển sách giúp em ăn học.
Trong khi các bạn đồng trang lứa vui vẻ chơi đùa, vô tư uống nước, uống sữa, thì Duy lại mon men gần những thùng rác trong trường học, tìm nhặt những thứ các bạn bỏ đi, gom lại một chỗ, chờ cuối giờ học đưa cho mẹ. Hồi học tiểu học, Duy đã từng bị các bạn trêu - giằng lấy túi đựng ve chai của em vứt lung tung, rồi đấm đá Duy túi bụi. Duy chỉ biết ôm mặt khóc, chờ các bạn bỏ đi rồi lặng lẽ gom lại chỗ ve chai tung tóe. Sau này, khi lớn hơn, các bạn của Duy đã thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn và nghị lực phi thường của Duy, nên thường tự gom ve chai ở nhà, thi thoảng lại mang đến trường cho Duy. Điều đó càng tiếp thêm nghị lực cho cậu bé chăm ngoan, học giỏi.
Có những lúc, thấy Duy đã lớn mà vẫn không nề hà nhặt ve chai giúp mẹ, mẹ Duy thương con, nói Duy thôi việc nhặt ve chai, kẻo ngại với bạn bè. Nhưng Duy một mực gạt phắt đi. Em nói, em nhặt những thứ người khác bỏ đi, không phải đi ăn cắp, ăn trộm của ai, nên không việc gì phải xấu hổ. Em muốn mẹ bớt nhọc nhằn trên con đường mưu sinh. Em muốn san sẻ gánh nặng cuộc đời với mẹ…
Và thành tích học tập đáng nể
Vì nhà có hai mẹ con, nên mẹ Duy thường phải đưa, đón Duy đi học. Ngày nào cũng thế, đón Duy ở trường xong, mẹ Duy lại tranh thủ đi nhặt ve chai, bởi đó là khung giờ mọi người thường vứt rác sau mỗi ngày sinh hoạt. Ngày nào cũng như ngày nào, hai mẹ con về đến nhà cũng đã 10 giờ khuya. Ăn quấy quá cho xong bữa, Duy lại giúp mẹ phân loại ve chai để hôm sau mẹ đi bán. Em bắt đầu việc học bài hôm nào cũng rất muộn.
Duy luôn cố gắng tranh thủ tiếp thu kiến thức thầy cô giảng bài ngay tại lớp để có thời gian giúp mẹ lượm ve chai. Trong lúc lượm ve chai, em cũng vẫn tư duy về những bài học mà thầy, cô giáo đã giảng trên lớp. Vì vậy, em không phải đầu tư quá nhiều thời gian ở nhà cho việc học.
Nhờ chăm chỉ và biết vượt qua khó khăn, năm nào, Duy cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Đáng nể hơn, Duy còn đoạt Huy chương Đồng Toán học kỳ thi Olympic 30/4, đạt Giải thưởng Credit Hóa học Hoàng gia Australia và thường xuyên đoạt giải học sinh giỏi các môn học ở cấp trường. Năm học lớp 11, Duy còn được Trường THPT Gia Định tuyên dương là Gương sáng học đường, được nhà trường phóng ảnh cỡ lớn đặt trang trọng ở trường để nêu gương với toàn thể học sinh.
Tại kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Duy đạt được 27,7 điểm với điểm số môn Toán là 9,6, môn Tiếng Anh là 9,6 và môn Lý là 8,5. Điểm số ấy là món quà quý giá nhất mà em dành tặng người mẹ nghèo khó về tiền bạc nhưng lại cực kỳ giàu có về tình thương dành cho con.
Điểm số rất cao, cơ hội học lên đại học đang rộng mở phía trước đón Duy. Tuy vậy, cậu học trò chăm ngoan, học giỏi và rất mực hiếu thảo ấy lại cũng đang rất lo lắng. Học đại học, chi phí đắt đỏ hơn rất nhiều so với 12 năm học cơ bản. Mẹ Duy vẫn nói “cứng” với Duy là bà có thể lo được cho Duy học hành đến nơi đến chốn, nhưng Duy biết, mẹ nói vậy chỉ để Duy yên lòng mà thôi. Với mức thu nhập chỉ khoảng 100.000đ mỗi ngày từ công việc nhặt ve chai, riêng tiền thuê nhà của hai mẹ con đã mất đi một nửa. Chỉ còn hơn 1 triệu đồng, đâu dễ để hai mẹ con xoay sở khi Duy học đại học?
Con đường phía trước của mẹ con Duy vẫn còn nhiều chông gai. Tuy nhiên, với những ai đã từng biết về Duy, cậu học trò siêng năng, hiếu thảo và có nghị lực phi thường, hẳn không ai không tin rằng, Duy sẽ cùng mẹ vượt qua hết mọi khó khăn để đi đến thành công…