Thông báo của Văn phòng Phủ Tổng thống cho biết hiện 2 tỉnh Mpumalanga và Eastern Cape là những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của lũ lụt do mưa lớn kéo dài nhiều ngày - là một trong những hệ quả của hiện tượng thời tiết La Niña. Ngoài ra, còn có 5 tỉnh khác cũng trong tình trạng tương tự là Gauteng (có thủ đô hành chính Pretoria và trung tâm kinh tế lớn Johannesburg), KwaZulu-Natal, Limpopo, Northern Cape và North West. Việc ban bố tình trạng thảm họa quốc gia nhằm mang lại cho chính phủ thêm quyền hạn, bao gồm cả việc mua sắm và cung cấp hàng hóa và dịch vụ cũng như khả năng bỏ qua các hạn chế theo luật hiện hành.
Tuyên bố của Phủ Tổng thống Nam Phi cho biết lũ lụt đã gây tác động trên diện rộng, từ nhấn chìm nhiều ngôi nhà và phương tiện giao thông đến gây hư hại hệ thống cơ sở hạ tầng cơ bản. Cảnh sát quốc gia và lực lượng quốc phòng có thể được huy động để giúp người dân ứng phó với thiên tai.
Người phát ngôn của tổng thống - ông Vincent Magwenya - cho biết Trung tâm Quản lý thảm họa quốc gia đã nhận được nhiều báo cáo về việc nhà cửa của người dân bị ngập lụt, các phương tiện bị nước lũ cuốn trôi, đập tràn và các cơ sở thoát nước, đường, cầu và bệnh viện tại tỉnh Limpopo đã bị hư hỏng. Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân đã bị thiệt hại về mùa màng và vật nuôi, đồng thời dự đoán sẽ còn thiệt hại nhiều hơn nữa khi Cơ quan Khí tượng Nam Phi dự báo mưa lớn sẽ kéo dài.
Theo Cơ quan Khí tượng Nam Phi, mưa lớn gây lũ lụt dự kiến sẽ tiếp diễn trong tuần này. Tỉnh Gauteng và một phần của tỉnh North West được dự đoán sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do thời tiết xấu.
Ông Magwenya cho biết với hiện tượng La Niña tiếp tục mạnh lên, Nam Phi có thể có lượng mưa trên mức bình thường và nhiệt độ dưới mức bình thường tại các khu vực có mưa vào mùa Hè. Điều này có nghĩa là các hộ gia đình, cá nhân sẽ cần nơi trú ẩn tạm thời, dự trữ thực phẩm và chăn màn cũng như việc khôi phục cơ sở hạ tầng quy mô lớn và tốn kém.
Trong khi đó, Trung tâm Quản lý thảm họa quốc gia (NDMC) sẽ tiếp tục theo dõi và điều phối các biện pháp ứng phó và phục hồi. Điều này bao gồm việc đưa ra các cảnh báo sớm về dự báo thời tiết.
Ngày 9/2 vừa qua, Tổng thống Ramaphosa đã ban bố tình trạng thảm họa quốc gia trong bài phát biểu Thông điệp quốc gia hằng năm liên quan cuộc khủng hoảng điện ở Nam Phi trước tình trạng việc cắt điện hàng ngày đang làm tê liệt các doanh nghiệp.
Tình trạng thảm họa quốc gia cũng được ban bố vào tháng 3/2020 để đối phó với đại dịch COVID-19 và vào tháng 4/2022 nhằm ứng phó với lũ lụt ở tỉnh phía Đông KwaZulu-Natal.
Theo báo Tin tức