Năm 2021, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam lãi 287 tỷ đồng nhờ phát hành sách

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam - đơn vị nắm phần lớn thị phần phát hành sách trên thị trường mới đây đã công bố "Báo cáo đánh giá tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021" với tất cả các chỉ tiêu kinh doanh đều tăng trưởng mạnh. 

sach-giao-khoa-1656827374.jpeg

Năm 2021, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã phát hành hơn 164 triệu quyển sách, tổng doanh thu đạt 1.828 tỷ đồng

Theo báo cáo, năm 2021, Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam đã phát hành hơn 164 triệu quyển sách, vượt 40% so với kế hoạch. Tổng doanh thu đạt 1.828 tỷ đồng, lãi sau thuế 287 tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần so với kế hoạch được cơ quan chủ quản là Bộ Giáo dục và Đào tạo giao. Trong đó trên 97% đến từ hoạt động phát hành sách và phần thiểu số là nguồn thu tài chính.

Đây là mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của đơn vị này. Những năm trước, lợi nhuận chỉ bằng khoảng phân nửa con số này, tức dao động quanh 120-150 tỷ đồng.

Về khả năng sinh lời, NXB này có tỉ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) là 39,9% và tỉ suất lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản (ROA) đạt 17,9%. Với kết quả này, NXB Giáo dục Việt Nam nhận định việc kinh doanh đạt hiệu quả. Nhờ vậy, doanh nghiệp này đặt chỉ tiêu nộp thuế 124,6 tỷ đồng song đã thực nộp 208,5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, 7 công ty con hoạt động trong lĩnh vực tương tự do NXB Giáo dục Việt Nam nắm quyền chi phối cũng đều báo lãi, với tổng cộng 46 tỉ đồng.

Dù đạt được mức lợi nhuận cao, NXB Giáo dục Việt Nam cho biết năm 2021 đã phải triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức. Theo đó, NXB này nhận định tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh nhiều đợt liên tiếp, nhiều địa phương giãn cách trong thời gian dài gây trở ngại trong việc triển khai công tác giới thiệu sách, tập huấn giáo viên theo kế hoạch, tiến độ của Bộ Giáo dục và Đào tạo…

Bên cạnh đó, NXB này cũng chỉ ra kế hoạch triển khai in SGK mới lớp 2, lớp 6 bị động do Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt sách mẫu chậm 3 tháng so với kế hoạch, dẫn đến phải triển khai in gấp trong điều kiện ứng phó dịch bệnh. “Khó khăn chồng khó khăn, rất vất vả để đảm bảo đáp ứng yêu cầu về tiến độ và số lượng phục vụ nhu cầu phát hành", báo cáo của NXB Giáo dục Việt Nam nêu.

Đơn vị này cũng gặp thách thức và ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh khi nạn in lậu, làm giả sách ngày càng phát triển về quy mô, số lượng dưới nhiều hình thức tinh vi.

Phía NXB cũng chia sẻ: "Tình hình cạnh tranh trong xuất bản sách giáo khoa ngày càng gia tăng, những thông tin báo chí, dư luận xã hội bất lợi về bản quyền sách giáo khoa, về hoạt động đấu thầu mua sắm vật tư giấy in… cũng tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất - kinh doanh".

Trước đó, vào tháng 5 vừa qua, dư luận xôn xao trước việc giá sách giáo khoa mới tăng 2-3 lần so với sách giáo khoa cũ. Lý giả về vấn đề này, lãnh đạo NXB giải thích rằng giá cao bởi chi phí tăng ở cả bốn yếu tố cấu thành giá bán là số lượng cuốn sách trong một bộ sách, chi phí tổ chức bản thảo, chi phí vật tư và chi phí tiếp thị. Trước đây, chi phí biên soạn, in ấn do Nhà nước cấp, nay thực hiện xã hội hóa, các nhà xuất bản bỏ tiền ra để biên soạn, in ấn, nên giá thành cao hơn.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cũng cho biết, hiện giá sách giáo khoa được quản lý giá theo quy định tại Luật giáo dục, Luật giá. Theo đó, giá sách giáo khoa thuộc danh mục mặt hàng thực hiện kê khai giá, không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, bình ổn giá.

Sau những tranh luận, vào giữa tháng 6 vừa qua, Quốc hội khóa XV đã thông qua nghị quyết kỳ họp thứ 3, trong đó sách giáo khoa sẽ được bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật giá.

Theo thông tin trên Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện Nhà nước sở hữu 100% vốn. Đơn vị này được thành lập ngày 19/1/2004, vốn điều lệ là 596 tỷ đồng, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nhằm tổ chức biên soạn, biên tập, in ấn, phát hành sách giáo khoa và các ấn phẩm phục vụ giảng dạy, học tập.


PL