Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong công tác xây dựng thể chế, ngành Giáo dục sẽ chú trọng hơn tới tính thực tiễn của từng chính sách. Việc phân cấp cho địa phương, cơ sở cũng sẽ được thực hiện triệt để hơn nữa để các vụ, cục, đơn vị chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ tập trung cho nhiệm vụ quản lý nhà nước, xây dựng văn bản, chính sách của ngành.
Năm 2017, ngành Giáo dục sẽ tập trung rà soát, đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp theo chuẩn, tiêu chuẩn ban hành. Để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, năm 2017 sẽ là năm đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học, công khai, minh bạch các điều kiện đảm bảo chất lượng và kết quả kiểm định, xếp hạng. Từ đó quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học phù hợp với nhu cầu nhân lực của đất nước.
"Toàn ngành Giáo dục sẽ phải nỗ lực, đồng lòng hơn nữa. Niềm tin của xã hội chính là động lực quan trọng để ngành có thể hoàn thành được những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra" - Bộ trưởng Nhạ bày tỏ.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, giáo dục là lâu dài nên không thể nóng vội, các vấn đề đặt ra cho giáo dục cũng không thể giải quyết ngay trong ngày một ngày hai, có những vấn đề sẽ không bao giờ kết thúc, bởi hoàn thành ở mức độ này sẽ đặt ra đòi hỏi ở mức độ cao hơn. Vì thế, ngành Giáo dục cần sự đồng hành kiên trì và niềm tin vững vàng của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, các bậc phụ huynh và của toàn xã hội.
"Năm 2017 sẽ tiếp tục là một năm lắng nghe, đổi mới và hành động của toàn ngành Giáo dục" - Bộ trưởng Nhạ khẳng định.
Nhân dịp chuẩn bị đón xuân Đinh Dậu, thay mặt lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi xin gửi lời cảm ơn và lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất tới các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, những người đã luôn dành sự quan tâm, đồng hành cùng với ngành Giáo dục trong suốt một năm qua. Chúc các em học sinh, sinh viên trong cả nước có một năm mới với những tiến bộ và thành công mới!.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm 2017, ngành giáo dục quyết tâm thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu:
1. Rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trong cả nước: Ban hành các chuẩn, quy chuẩn bảo đảm chất lượng giáo dục để các địa phương tổ chức rà soát, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trung cấp, cao đẳng và giáo dục thường xuyên phù hợp với điều kiện của từng vùng, địa phương; Triển khai kiểm định các cơ sở giáo dục đại học để có căn cứ xếp hạng, phân tầng và sắp xếp lại mạng lưới một cách tổng thể, phù hợp với nhu cầu nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế.
2. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp: Rà soát, hoàn thiện để ban hành các chuẩn giáo viên, chuẩn/tiêu chuẩn cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp theo chuẩn/tiêu chuẩn ban hành, theo đó xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn; xây dựng lộ trình tinh giản biên chế những giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục không có khả năng đạt chuẩn.
3. Đẩy mạnh công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông: Tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh ở trong và ngoài nhà trường; Xây dựng chính sách, cơ chế phát triển đội ngũ giáo viên giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông; thí điểm mô hình giáo dục nhà trường gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh của địa phương. Tăng cường huy động các nguồn lực tài chính và các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo giáo dục cơ bản ở trung học cơ sở, phục vụ cho giáo dục hướng nghiệp và phân luồng đạt hiệu quả.
4. Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo: Chuẩn hóa đội ngũ giáo viên ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình ngoại ngữ 10 năm đối với giáo dục phổ thông. Hỗ trợ các trường đại học sư phạm và cao đẳng sư phạm triển khai đào tạo, bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ theo chương trình ngoại ngữ mới; xây dựng chương trình và triển khai bồi dưỡng giáo viên giảng dạy ngoại ngữ chuyên ngành, giảng dạy chuyên ngành bằng ngoại ngữ. Xây dựng, hoàn thiện chương trình, sách giáo khoa, hệ thống học liệu ngoại ngữ trực tiếp và trực tuyến đáp ứng mục tiêu đào tạo chung.
5. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục: Phát triển hệ thống hạ tầng và thiết bị công nghệ thông tin toàn ngành theo hướng đồng bộ, hiện đại. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo điều hành và triển khai Chính phủ điện tử ở các cơ quan quản lý giáo dục các cấp và các cơ sở giáo dục theo hướng đồng bộ, kết nối liên thông trong toàn ngành. Xây dựng kho bài giảng e-Learning trực tuyến đáp ứng nhu cầu tự học và học tập suốt đời của người học, thu hẹp khoảng cách tiếp cận các dịch vụ giáo dục và đào tạo có chất lượng của người học giữa các vùng, miền.
6 .Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục đại học: Chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học chủ động thực hiện tốt quyền tự chủ, nhất là về tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính và học thuật để nâng cao chất lượng đào tạo. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chủ động giải trình kết quả thực hiện quyền tự chủ. Tổng kết, nhân rộng các mô hình tự chủ thành công trong hệ thống. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về quyền tự chủ.
7. Mở rộng hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo: Tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình xây dựng, đổi mới chương trình và tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học chủ động mở rộng hợp tác quốc tế, phát triển các chương trình hợp tác trao đổi sinh viên, giảng viên với các trường đại học nước ngoài. Đẩy mạnh hợp tác trong nghiên cứu khoa học, liên kết đào tạo, công nhận tín chỉ, đồng cấp bằng với các trường đại học được kiểm định của nước ngoài.
8. Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo: Tổ chức thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, nghiên cứu.
9. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao: Nghiên cứu dự báo nhu cầu thị trường lao động. Điều chỉnh cơ cấu đào tạo theo hướng giảm dần các ngành nghề đào tạo đang dư thừa trên thị trường lao động; kiểm soát quy mô đào tạo theo hướng giảm chỉ tiêu các ngành ít có nhu cầu tuyển dụng và chất lượng thấp; tăng dần quy mô đào tạo các ngành có nhu cầu tuyển dụng cao và chất lượng cao.