Năm 2023, trong điều kiện tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, khó lường. Trong nước nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức do chịu tác động kép từ yếu tố bên ngoài và những hạn chế bất cập nội tại của nền kinh tế, chi phí sản xuất kinh doanh cao, trong khi đó dịch bệnh, thiên tai diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Tuy nhiên dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, của Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy và sự chỉ đạo thường xuyên của Thường trực Huyên ủy, giám sát chặt chẽ của Hội đồng nhân dân huyện, Ủy ban nhân dân huyện đã tập trung quyết liệt, điều hành linh hoạt, hiệu quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra và đạt và vượt 18/18 nhóm chỉ tiêu chủ yếu đề ra.
Nhìn chung trong năm vừa qua tình hình kinh tế - xã hội của huyện tiếp tục phát triển và đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực; sản xuất nông, lâm nghiệp được tập trung chỉ đạo, từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, địa phương. Trong đó, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 36,7 triệu đồng/người/năm, đạt 101,7% kế hoạch.
Giá trị sản xuất công nghiệp, sản lượng một số sản phẩm công nghiệp, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt kế hoạch đề ra; hoạt động du lịch diễn ra sôi động, hấp dẫn. Theo đó, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) đạt 1.044,5 tỷ đồng, đạt 115,7% kế hoạch, giảm 26,6% so với cùng kỳ.
Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp thuỷ sản tăng trên 4%/năm. Sản lượng lương thực đạt trên 19.319,7 tấn, đạt 100,4% kế hoạch, tương đương so với cùng kỳ năm 2022.
Các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng thường xuyên được kiểm tra đôn đốc tiến độ; thu hút, mời gọi một số nhà đầu tư đến khảo sát, tìm hiểu môi trường đầu tư, kinh doanh của huyện; cải cách hành chính được quyết liệt triển khai thực hiện; các hoạt động về chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ được quan tâm và thúc đẩy.
Công tác quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng tài nguyên được tăng cường quản lý. Chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng lên, các hoạt động tuyên truyền, văn hoá diễn ra sôi nổi, có nhiều đổi mới; triển khai kịp thời công tác phòng chống dịch và chăm sóc sức khoẻ nhân dân; các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, công tác giảm nghèo được thực hiện đầy đủ, kịp thời; làm tốt công tác thanh tra, tư pháp; tình hình tôn giáo thực hiện theo quy định của pháp luật; quốc phòng, an ninh được giữ vững, hoạt động đối ngoại đạt được nhiều kết quả tích cực.
Nổi bật, huyện Na Hang đã chủ động, tích cực triển khai các hoạt động kích cầu du lịch trên địa bàn và hưởng ứng khai mạc năm du lịch tỉnh Tuyên Quang năm 2023 như Lễ hội Hương sắc Na Hang và các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội như: Công bố chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Rượu Ngô men lá Na Hang và kỷ lục cho tuyến đường hoa Lê dài nhất Việt Nam; khai trương thử nghiệm tuyến trải nghiệm đường rừng (Bó Kim - Nà Niếng) và các hoạt động hưởng ứng chương trình du lịch qua những miền di sản lần thứ XIV và Lễ hội Thành Tuyên năm 2023… thực hiện đến ngày 10/12/2023 đã thu hút được 243.135/180.000 lượt khách du lịch, đạt 135,1% kế hoạch, doanh thu xã hội từ du lịch đạt 291,7/225 tỷ đồng, đạt 129,6% kế hoạch, tăng 47,1% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, UBND huyện cũng chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025; kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo năm 2023; hỗ trợ làm nhà ở cho 325 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Nhờ vậy, huyện đã giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều trên 8,15%/năm, vượt kế hoạch giao.
Các giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được triển khai đồng bộ. Năm 2023, huyện Na Hang đã giải quyết việc làm cho 1.920 lao động, đạt 107,6% kế hoạch, tăng 1,5% so với cùng kỳ; tỷ lệ lao động qua đào tạo 57,3%, trong đó có văn bằng, chứng chỉ là 22,7%; tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội 23,8%.
Các chính sách chăm lo cho người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo được quan tâm thực hiện đầy đủ theo quy định ; công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới; công tác phòng, chống tệ nạn xã hội được triển khai thực hiện đồng bộ, mang lại hiệu quả cao.
Năm 2024 sẽ là năm tăng tốc bứt phá để hoàn thành Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, chính vì vậy Na Hang sẽ tiếp tục chú trọng, tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản.
Bên cạnh đó tăng cường huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị động lực, công nghệ thông tin đồng bộ, theo hướng hiện đại.
Đặc biệt tập trung phát triển mạnh du lịch và các ngành dịch vụ; phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao.
Phát triển kinh tế đồng bộ với phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp. Chú trọng phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Chủ động hội nhập quốc tế, hợp tác và phát triển.