Bộ Thương mại Mỹ đang đề xuất đánh thuế mạnh đối với thép và nhôm nhập khẩu. Bản đề xuất được Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross đưa ra cho thấy, các cuộc thương thảo của tổng thống Donald Trump đang dần thành hiện thực. Tuy nhiên, điều này đồng thời cũng tạo nên rủi ro lớn về chiến tranh thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc và một số quốc gia khác.
Ông Ross đề xuất 3 lựa chọn cho tổng thống Trump là: áp thuế đồng loạt đối với thép và nhôm nhập khẩu; tập trung vào một số nước chính với mức thuế cao; hoặc hạn chế tổng lượng thép hoặc nhôm nhập khẩu vào Mỹ.
Ông Trump có thể chọn bất cứ đề xuất nào trong số những đề xuất trên hoặc kết hợp chúng với nhau. Người phát ngôn Nhà Trắng cho hay, bản đề xuất là một trong số những tài liệu mà ông Trump đang xem xét để đưa ra quyết định cuối cùng. Ông Trump có thể đưa ra một số phán quyết hoặc không có bất cứ động thái nào cả.
Đối với mặt hàng thép, Bộ trưởng Ross đưa ra 3 lựa chọn là áp dụng đồng loạt mức thuế 24% đối với toàn bộ các nước xuất khẩu thép sang Mỹ; Áp dụng mức thuế thấp nhất là 53% đối với thép nhập khẩu từ 12 quốc gia là Brazil, Trung Quốc, Costa Rica, Ai Cập, Ấn Độ, Malaysia, Hàn Quốc, Nga, Nam Phi, Thái Lan, Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ. Những quốc gia có thể không được phép xuất khẩu nhiều thép hơn năm 2017; Cắt giảm thép nhập khẩu vào Mỹ- quốc gia nhập khẩu thép lớn nhất thế giới- khoảng 37% từ tất cả các nước.
Đối với mặt hàng nhôm, Bộ trưởng Ross đề xuất áp dụng mức thuế 7,7% đối với nhôm nhập khẩu từ tất cả các nước; Áp dụng mức thuế 23,6% đối với nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc, Hồng Kông, Việt Nam, Nga và Venezuela. Cũng giống như thép, các quốc gia này không được phép xuất khẩu nhiều nhôm hơn năm 2017; Cắt giảm 13% lượng nhôm nhập khẩu từ tất cả các nước.
Tổ chức doanh nghiệp Business Roundtable cảnh báo nếu ông Trump thông qua những đề xuất trên có thể dẫn đến một cuộc trả đũa chống lại các công ty xuất khẩu của Mỹ từ đó gây tổn hại đến nền kinh tế nước này.
Động thái đối với nhôm và thép nhập khẩu một lần nữa cho thấy lập trường của chính quyền ông Trump về bảo vệ mậu dịch. Bản đề xuất được đưa ra chưa đầy 1 tháng sau khi ông Trump áp thuế đối với mặt hàng pin năng lượng mặt trời và máy giặt nhập khẩu.
Năm ngoái, chính phủ Mỹ khởi động một cuộc điều tra xem liệu rằng thép và nhôm nhập khẩu có đe dọa tới an ninh nước Mỹ. Ông Trump căn cứ vào đạo luật ít khi được sử dụng từ năm 1962 để bắt đầu cuộc điều tra. Bằng việc dựa vào an ninh quốc gia, ông Trump có thể áp dụng bất cứ mức thuế và hạn nhập khẩu mà ông muốn mà không cần đến sự đồng ý của các cơ quan thương mại độc lập.
Một cố vấn viên thương mại chính quyền Clinton năm ngoái cho rằng, đạo luật năm 1962 như một nhát búa đối với thương mại.
Cùng lúc đó, các chuyên gia cho rằng cuộc điều tra của ông Ross không đưa ra đầy đủ chứng cứ chứng minh rằng thép và nhôm nhập khẩu gây tổn hại đến an ninh quốc gia. Đồng thời họ cũng cho rằng bản đề xuất của Bộ Thương mại tạo ra mối nguy hiểm: Tất cả nước khác cũng có thể tuyên bố rằng hàng hóa, dịch vụ từ Mỹ cũng gây tổn hại đến an ninh quốc gia của họ.
Chuyên gia kinh tế Phil Levy nói: "Điều này có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thương mại".
Hôm thứ tư ông Trump cho biết "Chúng tôi đang thảo luận vấn đề thuế và hạn ngạch. Ngành thép trong nước đang bị tổn hại bởi thép nhập khẩu".
Thép nhập khẩu từ Trung Quốc thường được bán với giá rẻ hơn bởi có thể được sản xuất với chi phí thấp. Mỹ đã áp dụng hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm giảm lượng thép nhập khẩu Trung Quốc nhưng không bắt quốc gia xuất khẩu thép lớn nhất thế giới này "chơi theo đúng luật".
Trung Quốc không còn là 1 trong 10 quốc gia xuất khẩu thép lớn nhất tới thị trường Mỹ. Tuy nhiên, các nhà chức trách Mỹ bày tỏ quan ngại Trung Quốc đang xuất khẩu thép sang Mỹ thông qua Việt Nam.
Hiện tại vẫn chưa rõ khi nào ông Trump đưa ra quyết định cuối cùng mặc dù Bộ Thương mại đã gửi báo cáo từ nhiều tuần trước. Theo luật, hạn chót để ông Trump đưa ra phán quyết là vào giữa tháng 4.