Mưa lớn và dông lốc làm 10 tàu chìm, 2 người mất tích

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Ảnh hưởng từ vùng áp thấp giữa Biển Đông trong những ngày qua, khiến vùng biển phía Tây Nam có sóng lớn và dông lốc làm sạt lở bờ biển, khiến 10 tàu bị chìm, 2 người mất tích, hàng trăm ngôi nhà bị hư hại.

667-205112101am170110134am-a1-1657704448.jpg

Cán bộ Đồn Biên phòng Thổ Châu, BĐBP Kiên Giang giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai. Ảnh: VOV

Sáng 13/7, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang cho biết, từ ngày 10/7/2022 đến nay, khu vực thành phố Phú Quốc chịu nhiều ảnh hưởng của vùng áp thấp giữa Biển Đông, nên một số địa phương trên địa bàn thành phố xảy ra mưa lớn kèm theo dông, lốc gây nhiều thiệt hại về tài sản của nhân dân trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, mưa lớn kèm theo dông lốc đã làm sập 7 căn nhà và tốc mái 34 căn nhà (phường An Thới: 5; xã Thổ Châu: 29). Trong đó, có 10 nhà kho bị tốc mái tại xã Thổ Châu.

Ngoài ra, dông lốc đã làm 3 tàu cá bị chìm tại bến, 1 tàu bị lật khiến 2 người mất tích.

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, phòng thủ dân sự thành phố Phú Quốc, khoảng 14 giờ ngày 12-7, 1 tàu cá (không số) do ông Đặng Văn Nhiều làm thuyền trưởng di chuyển từ ngoài biển vào trong cửa sông Dương Đông bị sóng lớn đánh lật trên tàu có 7 người.

Lực lượng Biên phòng và người dân địa phương đã tiến hành cứu hộ được 5 người. Hiện còn 2 người mất tích (cả 2 đều thường trú tại xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, Cà Mau).

Ước tính, tổng giá trị thiệt hại về tài sản do mưa dông gây ra tại thành phố Phú Quốc khoảng hơn 1 tỉ đồng.

Tại tỉnh Cà Mau, ngày 11/7, do gió mạnh, sóng lớn kết hợp triều cường dâng cao, mực nước đỉnh điểm là 1,75m (tương đương với thời điểm sạt lở xảy ra vào ngày 3/8/2019) đã gây tràn cục bộ và sạt lở đê biển Tây.

Trong đó, có 3 vị trí sạt lở thuộc đoạn Đá Bạc - Kênh Mới, đê biển Tây, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời; chiều dài 110m, mặt đê bằng bê tông rộng 5,5m. Địa phương đang huy động lực lượng 145 người để xử lý sự cố bằng giải pháp xếp 2 lớp rọ đá và bố trí 40 cán bộ thường xuyên túc trực, theo dõi, tuần tra.

Sóng lớn và triều cường cũng đã gây tràn cục bộ tại 3 vị trí thuộc địa bàn xã Khánh Tiến, huyện U Minh với tổng chiều dài khoảng 75m; mặt đê bằng đất, rộng 6,5m. Tại vị trí tràn không gây ảnh hưởng đến sản xuất của người dân.

Ngày 12/7, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã trực tiếp đến kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả tại khu vực sạt lở trên tuyến đê biển Tây thuộc huyện Trần Văn Thời.

Tổng hợp của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cho thấy, mưa lớn kèm giông lốc từ ngày 10/7-12/7/2022 đã làm 2 người mất tích (trên tàu lưới ghẹ bị chìm tại khu vực cửa sông Dương Đông, thành phố Phú Quốc).

Ngoài ra, 321 ngôi nhà (Vĩnh Long 25 nhà, Sóc Trăng 7 nhà, Cà Mau 106 nhà, Kiên Giang 148 nhà, Bạc Liêu 28 nhà, Hậu Giang 7 nhà) bị hư hỏng, tốc mái. 10 tàu neo đậu và đánh bắt thủy sản ven bờ bị chìm (Cà Mau 2, Kiên Giang 8); 40m đê bao sông Măng Thít thuộc ấp Tân An, xã Chánh An, tỉnh Vĩnh Long bị sạt lở.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã có văn bản số 367/VPTT ngày 12/7/2022 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang về chủ động ứng phó với gió mạnh, sóng lớn, triều cường trên biển.

Đồng thời, thành lập đoàn kiểm tra do Phó Chánh văn phòng thường trực Nguyễn Văn Tiến làm trưởng đoàn đi kiểm tra công tác khắc phục sự cố sạt lở tại đê biển Tây (Cà Mau).

Hiện, các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Sóc Trăng đã triển khai công tác thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại do dông lốc khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.