Cụ thể, do ảnh hưởng của đợt mưa lớn xảy ra từ ngày 10 đến sáng 11/10 nên mực nước sông An Lão và sông Kim Sơn dâng cao. Tính đến trưa 11/10, huyện Hoài Ân ghi nhận có 250 nhà bị ngập, chủ yếu ở các xã Ân Hảo Tây, Ân Hảo Đông, Ân Mỹ, Ân Nghĩa và xã Ân Tường Đông. Các lực lượng xung kích địa phương tập trung hỗ trợ người dân di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn.
Ngoài ra, mưa lũ đã khiến 220 giếng của người dân Hoài Ân bị ngập; 42 ha chuối, đu đủ, rau dưa các loại bị hư hại; 150 ha cây dâu tằm bị thiệt hại; 9 ha dừa xiêm, bưởi, 12 ha rừng keo bị đổ ngã; 5,5 ha diện tích đất nông nghiệp bị sa bồi thủy phá; 550 con gà, vịt, 3 con trâu và 2,5 tấn cá nuôi trong ao bị cuốn trôi. Tại huyện Hoài Ân còn có nhiều thiệt hại khác về công trình thủy lợi, giao thông, hệ thống nước tự chảy…
Khu vực suối Tình Cảm, xã An Quang (huyện An Lão) tiếp tục bị sạt lở. Tại đây, ta-luy âm bị sạt, làm hở làm ếch, ăn sâu vào đường bê tông, đất đá ở ta-luy dương tràn xuống mặt đường, xe ô tô không thể đi lại được.
Theo ông Đinh Văn Tý - Phó Chủ tịch UBND xã An Vinh (huyện An Lão), mưa lớn cũng đã gây sạt lở đất tại 5 hộ dân ở 4 thôn thuộc xã An Vinh. Riêng hộ ông Đinh Văn Vinh và hộ ông La nằm phía dưới nhà ông Vinh ở thôn 5 (xã An Vinh) bị sạt lở ở cấp độ nguy hiểm; địa phương đang di dời người và tài sản của hộ dân này đến nơi an toàn.
Tại huyện Vĩnh Thạnh, mưa lớn trong ngày 10 và sáng 11/10 đã gây lũ ở xã Vĩnh Kim. Ở thôn O5, nước lũ cuốn trôi 200m ống nước sinh hoạt, đoạn đường thôn từ làng O5 đến làng Kon Trú có hàng chục mét khối đất đá sạt lở bồi lấp đường giao thông.
Mưa lũ cũng làm sạt lở tuyến đường đi vào xã Nhơn Hải (thị xã An Nhơn) gây nguy hiểm và khó khăn cho người tham gia giao thông.
Để phòng chống mưa lũ, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Bình Định đã có công điện số 09/CĐ-PCTT ngày 10/10/2022 yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ trên địa bàn, thông tin, cảnh báo kịp thời đến người dân trong khu vực nhằm chủ động các biện pháp phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại. Các đơn vị, địa phương kiểm tra, rà soát và kịp thời huy động lực lượng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt và bị chia cắt đến nơi an toàn; bố trí lực lượng canh gác 24/24 giờ, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo tại các khu vực nguy hiểm; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông trên các trục chính khi xảy ra mưa lớn, ngập lụt. Cùng với đó, kiểm tra, rà soát và triển khai phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và vùng hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra; triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, phòng chống ngập úng các khu vực đô thị, khu công nghiệp.
Các địa phương chỉ đạo chủ đầu tư các công trình đang thi công, đặc biệt là các công trình trên sông, suối, vùng ven biển chủ động tổ chức các biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình, người lao động và thu dọn các vật cản trên sông, suối để thông thoáng dòng chảy, bảo đảm thoát lũ; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống.
Theo báo Tin tức