“Mùa hoa cải” - bản tình ca của người lính đi cùng năm tháng

Nguyễn Hồng Hạnh
Tìm mộ liệt sĩ là một chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” đền ơn đáp nghĩa những người đã hy sinh vì nước. Đạo lý này hợp với lòng dân. Nhưng hành trình tìm mộ liệt sĩ của các gia đình thân nhân liệt sĩ cũng đầy gian nan vất vả, tôi có may mắn đã giúp gia đình anh Trần Văn Khiêm ở thôn Kim Xa, xã Vĩnh Ninh, tìm được em trai là liệt sĩ Trần Văn Đính sau 43 năm hy sinh.

Trong hành trình tìm mộ liệt sĩ Trần Văn Đính, câu chuyện tình của anh người con trai làng bãi ven sông, chia tay người yêu là chị Phùng Thị Thức, giữa mùa hoa cải nở vàng ở làng bãi quê tôi, đã trở thành nguyên mẫu bước vào bài thơ “Mùa hoa cải” tôi sáng tác từ năm 1983.

image001-1661438693.png
Nhà thơ Nghiêm Thị Hằng và nhạc sĩ Lê Vinh

Câu chuyện tình của anh Đính, cũng là câu chuyện tình của tôi, cùng nhiều người trang lứa chúng tôi, những tháng năm đất nước còn chiến tranh. Bài thơ được nhạc sĩ Lê Vinh phỏng thơ phổ nhạc thành ca khúc cùng tên trở thành“Bài ca đi cũng năm tháng”. Bạn yêu thơ cũng chép vào sổ tay bài thơ này, nhiều nhạc sĩ phổ nguyên gốc bài thơ “Mùa hoa cải”, nhiều ca sĩ, thành danh, được giải trong các hội diễn khi hát ca khúc “Mùa hoa cải” và từ mùa hoa cải trở thành trào lưu chụp khắp các vùng quê. Đó là phần thưởng cho tôi người làm thơ và nhạc sĩ Lê Vinh.

Tôi nhớ đầu năm 2013 khi tôi về quê thì anh Trần Văn Khiêm cựu chiến binh, anh trai của liệt sĩ Trần Văn Đính, gặp tôi và nhờ tôi đi tìm mộ liệt sĩ Đính. Anh Đính sinh năm 1952, đang học lớp 10 trường cấp 3 Lê Xoay, nhập ngũ năm 8/1971, hy sinh ngày 21/6/1972, khi vừa tròn 20 tuổi, để lại mối tình đầu vì chiến tranh dang dở. Đơn vị mai táng tại nghĩa trang tỉnh Đồng Tháp. Đó là những thông tin đau buồn gia đình cụ Trần Thị Mỡ nhận được theo giấy báo tử số 387 BĐ/VP ngày 10/12/1976, của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Vĩnh Phú.

Anh Đính hy sinh 42 năm trời, gia đình anh Khiêm chưa biết thông tin phần mộ ở đâu để đón hài cốt về quê, nên nhờ tôi đi tìm mộ giúp.

Ngày ở làng tôi học lớp 8 còn anh Đính học lớp 10 trên em 2 lớp. Nhà tôi không có xe đạp nên phải ở trọ ở xã Thượng Trưng, những lần về nhà và đến trường, tôi thường đi nhờ xe đạp của bạn bè, anh Đính cũng hay cho tôi đi nhờ. Ấy là chuyện đi học, còn những ngày về nhà nghỉ, tôi trở thành giao liên đưa thư tình của anh Đính cho chị Thức hàng xóm (con ông Thuyết) cạnh nhà tôi. Tiếc là họ yêu nhau chưa được bao lâu, thì anh Đính lên đường nhập ngũ vào tháng 8, khi ấy vạt bãi ven sông quê tôi rực vàng mùa hoa cải. Năm 1973 tôi cũng lên đường nhập ngũ, sau chiến tranh về quê mới hay tin anh Đính đã hy sinh. Bây giờ thì cả anh Đính, chị Thức và mối tình giang dở của họ đã đi vào thiên cổ.

image005-1661438693.jpg
Mộ liệt sĩ Trần Văn Đính ở nghĩa trang huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp

Nhưng đằng sau bài thơ và ca khúc “Mùa hoa cải” không phải ai cũng biết tôi cô bé năm xưa đưa thư tình cho anh Đính, chị Thức, cô bé năm xưa đi học, đi nhờ xe đạp của anh Đính đến trường, lại chính là người giúp gia đình ông Trần Văn Khiêm tìm được mộ liệt sĩ Trần Văn Đính. Và chính tôi, vai đeo ba lô hài cốt liệt sĩ Đính trở về quê mẹ làng bãi ven sông, cuối mùa Đông còn rực vàng hoa cải, tháng 12/2014.

Thoát đấy mà đã 8 năm từ ngày hài cốt liệt sĩ được đưa về quê, tôi vẫn nhớ hành trình đi tìm mộ anh Đính.

Giữa tháng 5/2013, thông tin ban đầu tôi tiếp nhận được qua những người có khả năng đặc biệt thì phần mộ liệt sĩ Đính đã được quy tập mộ cùng ô chôn cất với 5 người, chỉ có tên, không có đơn vị. Mộ liệt sĩ Đính ô số 388, khu số 6 tại nghĩa trang huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Như vậy, chiếc chìa khóa dẫn đến phần mộ liệt đã được mở ra.

Giữa tháng 6/2013 gia đình anh Khiêm vào nghĩa trang huyện Tam Nông, tìm đúng ngôi số 388 khu số 6, nhưng trên mộ chỉ có tên Trần Văn Đính không có quê quán, đơn vị, nên không đủ thủ tục đưa hài cốt về quê.

Tháng 9/2013 tôi đi công tác ở phía Nam, lần này tôi về huyện Tam Nông, thắp hương tìm mộ liệt sĩ Trần Văn Đính, bên cạnh là 4 ngôi mộ liệt sĩ cùng đơn vị ô 20 là liệt sĩ Tám Công- D phó, quê ở tỉnh Bến Tre mộ số 385, liệt sĩ bảy Nghị- B phó, quê tỉnh Tiền Giang mộ số 386, liệt sĩ Bình- mộ số 387, liệt sĩ Lưu mộ số 389. Tôi biết thông tin thêm về liệt sĩ Trần Văn Đính, được đội K91 đội quy tập của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Tháp quy tập trong đợt 1 đưa về nghĩa trang ngày 25/6/2002 tổng số 72 hài cốt (chỉ có 19 hài cốt có tên, 53 bộ không tên). Quy tập tại ô 20 xã Prây So Luás, huyện Bim Cho (Cam Phu chia) có 5 liệt sĩ trong đó có anh Đính.

Trở về Hà Nội, tôi tiếp tục thay mặt gia đình liệt sĩ có đơn bổ sung thông tin theo giấy báo tử, quê quán, đơn vị trước lúc đi B, đơn vị trước khi hy sinh của liệt sĩ Trần Văn Đính. Tôi trực tiếp về huyện Vĩnh Tường xuống các xã Cao Đại, Phú Thịnh gặp các cựu chiến binh Đỗ Văn Đang, Ngô Xuân Quý, Bùi Văn học và Anh hùng quân đội Nguyễn Văn Thoa… tìm hiểu thêm thông tin. Các cựu chiến binh đều xác nhận họ cùng nhập ngũ, cùng đơn vị chiến đấu với liệt sĩ Trần Văn Đính tại C4, D172, F77. Năm 1972 mũi chiến đấu của anh Đính có 6 chiến sĩ đi phối hợp với Sư Đoàn 5 ở mặt trận Đồng Tháp Mười. Sau cuộc chiến đấu được tin anh Đính hy sinh.

Khi đã có đủ các dữ liệu cho hồ sơ liệt sĩ, đầu tháng 10/2014 nhân dịp có chuyến đi công tác ở TP Hồ Chí Minh, tôi dành thời gian làm việc với Sở LĐTB&XH tỉnh Đồng Tháp hoàn tất hồ sơ liệt sĩ Trần Văn Đính. Ngày 9/10/2013 gia đình cử người vào nghĩa trang liệt sĩ huyện Tam Nông cùng tôi làm thủ tục khai quật mộ lấy mẫu hài cốt liệt sĩ.

Sau hơn 1 tháng Cục người có công gọi điện thông tin cho tôi, kết quả xét nghiệm AND kiểm định mẫu răng lấy tại phần mộ của liệt sĩ Trần Văn Đính, đối chứng với mẫu tóc của cụ Trần Thị Mỡ (mẹ liệt sĩ) ngày nhận mẫu 15/10/2014. Ngày 1/11/2014, Trung tâm giám định công nghệ cao Gen Việt có phiếu trả kết quả xét nghiệm số ID 10.511.014, kết quả Mẫu 1051 –LS và 1051-NT có cùng quan hệ huyết thống theo dòng mẹ. Tin vui theo điện thoại vỡ òa từ Hà Nội về làng tôi.

image007-1661438693.jpg
Lễ Truy điệu đón hài cốt liệt sĩ Trần Văn Đính về quê hương

Sáng 10/12/2014 cùng gia đình anh Khiêm, tôi làm lễ tạ tại nghĩa trang liệt sĩ Tam Nông, xin đưa hài cốt liệt sĩ Trần Văn Đính về quê. Tôi đeo ba lô bên trong có hài cốt anh Đính, tạm biệt những người đồng đội còn an nghỉ nơi đây, để đi tiếp hành trình đưa hài cốt liệt sĩ trở về quê hương. Tôi thì thầm với vong linh liệt sĩ “Thời học sinh cấp III, thỉnh thoảng em vẫn nhờ anh trở bằng xe đạp đến trường. Giờ em cõng hài cốt anh trở về quê mẹ, thế là đã trả nghĩa cho những tháng ngày anh trở em đi học. Chuyện của anh em mình, cùng đáng kể cho mọi người biết về người liệt sĩ nguyên mẫu trong bài thơ “Mùa hoa cải” của em”

image003-1661438662.jpg
Mùa hoa cải bên sông

Tối 10/12/2014 hài cốt liệt sĩ Đính về tới quê nhà. Cụ Nguyễn Thị Mỡ mẹ liệt sĩ 95 tuổi, đã cạn dòng nước mắt khóc con, sau trận ốm nặng mấy tháng trước, giờ cụ khỏe hẳn, cụ mừng vui vì đứa con thân yêu sau 42 năm hy sinh nằm ở phương Nam đất khách quê người, giờ đây được trở về quê. Cụ vòng tay ôm lấy chiếc quách phủ cờ đỏ, có hài cốt người con cụ dứt ruột đẻ ra, đã dâng hiến cho đất nước. Cụ mừng vì ở tuổi 95, đã gắng sống để được đón con về, trong khi đó ở làng ở xã này, còn bao nhiêu bà mẹ chưa đón được những người con liệt sĩ trở về.

Lễ đón hài cốt liệt sĩ Trần Văn Đính được tổ chức chiều ngày 11/12/2014 tại nghĩ trang liệt sĩ xã Vĩnh Ninh, là lễ đón hài cốt liệt sĩ trang trọng nhất ở quê tôi từ trước tới nay, làm ấm lòng bao bà mẹ liệt sĩ và bao gia đình thân nhân liệt sĩ đang từng ngày mong ngóng tin tức tìm hài cốt liệt sĩ chưa có may mắn được trở về quê hương. Hài cốt liệt sĩ Trần Văn Đính được chuyển về ngôi mộ trống có tên anh trong nghĩa trang liệt sĩ xã Vĩnh Ninh.

Liệt sĩ Trần Văn Đính người con trai làng bãi, từ cuộc đời thực đã bước vào thơ. Cũng chưa có bài thơ nào có hậu như bài thơ “Mùa hoa cải” bởi chính tôi là cô em hàng xóm, bạn học cùng trường, đồng đội thời chống Mỹ trở về, sau 43 năm đã tìm được phần mộ và đưa được hài cốt liệt sĩ Trần Văn Đính về quê mẹ làng bãi ven sông.

Tháng 11/2021, tôi lại về làng bãi, cùng với các phóng viên đài truyền hình tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện phim truyền hình Mùa hoa cải- Bản tình ca người lính. Chợt nghe ca khúc “Mùa hoa cải” do ca sĩ Tuyết Lê thể hiện ngân vang nơi bến sông hoa cải lại nở vàng, như dành cho những mối tình đẹp như thơ, nhưng giang dở vì chiến tranh, trở thành bản tình ca của người lính chúng tôi, bài ca đi cùng năm tháng…Bản tình ca trong chiến tranh vang vọng mãi mai sau.

Nhà thơ: Nghiêm Thị Hằng