'Một sức khỏe' để phòng chống bệnh dại 

Lã Thị Thúy hằng
Mặc dù bệnh dại hoàn toàn có thể phòng tránh được nhưng mỗi năm trên thế giới vẫn có gần 60.000 người tử vong do bệnh này.

Năm 2022 đánh dấu lần thứ 16 Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại (28/9) được tổ chức, một lần nữa nhắc nhở cộng đồng quốc tế rằng cuộc chiến chống bệnh dại chưa kết thúc. Năm nay, chủ đề "Một sức khỏe, không ca tử vong" (One Health, Zero Death) nêu bật mối quan hệ giữa môi trường với con người và động vật.

Chú thích ảnh Ảnh minh họa: AFP

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do virus dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người. Người đã bị bệnh dại gần như tử vong 100% do hiện chưa có thuốc đặc trị căn bệnh này. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trung bình mỗi năm có 59.000 người tử vong vì bệnh này tại 100 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Trong số các nạn nhân, có tới 99% trường hợp người tử vong do nhiễm virus dại từ chó; 40% là trẻ em dưới 15 tuổi; 95% ca tử vong ở châu Á và châu Phi. Châu Á có gần 35.000 người tử vong mỗi năm, chiếm 59% số ca tử vong trên toàn cầu. Trong khi đó, châu Phi báo cáo 22.000 ca tử vong. Mỗi năm thế giới có khoảng 29 triệu người bị phơi nhiễm với bệnh dại và phải điều trị dự phòng, gây tổn thất kinh tế ước tính khoảng 8,6 tỷ USD.

Trọng tâm của chủ đề năm nay xoay quanh cách tiếp cận "Một sức khỏe" và mục tiêu không có người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030. Khái niệm "Một sức khỏe" ngày càng được đề cập nhiều trong các chương trình kiểm soát bệnh tật, các hội nghị, diễn đàn như lộ trình của WHO về các bệnh nhiệt đới bị lãng quên (NTD), hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm 2020, các tài liệu về phòng chống bệnh dại.

Đại dịch COVID-19, vấn đề kháng kháng sinh... đã chứng tỏ sức khỏe của con người, động vật và môi trường đều có mối quan hệ chặt chẽ và phụ thuộc lẫn nhau. "Một sức khỏe" được hiểu là việc dự phòng các bệnh lây truyền từ động vật sang người bằng cách kiểm soát lây nhiễm bệnh ở các quần thể động vật trong hệ sinh thái. Mục tiêu cuối cùng là làm thế nào để đem lại một sức khỏe tốt nhất cho con người. Hay nói cách khác, sức khỏe con người được coi là trung tâm và được đặt trong mối quan hệ với sức khỏe động vật và môi trường.

Công tác kiểm soát bệnh dại là ví dụ điển hình cho cách tiếp cận "Một sức khỏe" khi có sự tham gia và phối hợp của các ngành y tế, thú y và bảo vệ môi trường. Vế thứ nhất trong chủ đề khuyến khích sự phối hợp và cách tiếp cận chung hướng tới mục tiêu không có người tử vong do bệnh dại vào năm 2030 theo Kế hoạch chiến lược toàn cầu mang tên "Zero by 30". Vế còn lại đề cập trực tiếp đến kế hoạch trên, nhấn mạnh thực tế rằng bệnh dại có thể phòng ngừa cũng như có thể bị đẩy lùi. Theo đó, “Zero Death” nhắc nhở thế giới cần tiếp tục chung tay hành động để đạt được mục tiêu này. Với ý nghĩa như vậy, chủ đề "Một sức khỏe, không tử vong" đem đến một thông điệp tích cực sau một giai đoạn tồi tệ nhất do đại dịch.

Để loại trừ bệnh dại trên người, có 3 giải pháp chính, trong đó quan trọng nhất là tiêm phòng cho đàn chó mèo và tỷ lệ tiêm liên tục trong nhiều năm phải đạt trên 70%. Tiếp đến là tiêm vaccine phòng bệnh cho người có nguy cơ cao nhiễm bệnh và tiêm huyết thanh kháng bệnh dại cho người bị chó mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh dại cắn. Hiện vaccine dại đã được sản xuất theo công nghệ mới nên rất an toàn, đáp ứng miễn dịch cao khi tiêm đủ liều. Vaccine dại thế hệ mới không chứa các tế bào thần kinh nên không gây hại và không ảnh hưởng đến sức khỏe và trí nhớ của người tiêm.

WHO, Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO), Tổ chức Thú y quốc tế (OIE) và Tổ chức Liên minh Kiểm soát bệnh dại quốc tế (GARC) đã phối hợp thông qua chiến lược chung nhằm đạt mục tiêu "Không có ca tử vong do bệnh dại ở người vào năm 2030". Sáng kiến này đánh dấu lần đầu tiên cả ngành y tế và thú y cùng phối hợp để vận động, ưu tiên đầu tư vào việc kiểm soát bệnh dại và phối hợp hoạt động trong nỗ lực loại trừ bệnh dại toàn cầu. Kế hoạch chiến lược toàn cầu "Zero by 30" hướng dẫn và hỗ trợ các nước khi phát triển và thực hiện kế hoạch loại trừ bệnh dại quốc gia. “Zero by 30” tập trung vào việc cải thiện khả năng tiếp cận tiêm phòng ngừa cho các nạn nhân khi bị chó cắn; truyền thông giáo dục về phòng chống chó cắn và mở rộng phạm vi tiêm phòng cho chó để giảm nguy cơ mắc bệnh dại trên người.

Tại Mỹ, số người tử vong do bệnh dại giảm từ hơn 100 ca/năm vào đầu thế kỷ 20 xuống chỉ còn 1-2 ca/năm kể từ năm 1960 khi nước này bắt đầu tiêm vaccine phòng dại cho chó. Khu vực Tây Âu và mới đây là Mỹ Latinh và Caribbe cũng đạt được thành công tương tự với số ca giảm 95% kể từ năm 1983 và trở thành khu vực gần như đã loại trừ được bệnh dại.

Việt Nam, với vai trò là quốc gia dẫn đầu trong công tác phòng, chống bệnh dại trong khu vực ASEAN, đã đạt kết quả nhất định, số tử vong do bệnh dại giảm xuống dưới 100 người/năm từ năm 2010 trở lại đây. Từ năm 2017 đến tháng 8/2021, số ca bệnh dại trên người hằng năm giảm trung bình 12 ca so với giai đoạn 2011-2016. Có 23/63 tỉnh, thành phố không ghi nhận ca mắc bệnh dại trên người liên tiếp trong 2 năm gần đây. Tuy nhiên, mỗi năm vẫn có hơn 500.000 người bị chó, mèo cắn. Trung bình mỗi năm có 75 người tử vong, giảm 15% so với giai đoạn 2012 - 2016.

Các nghiên cứu gần đây kết luận rằng đa số những người nhiễm virus dại là do thiếu hiểu biết, bất cẩn và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu kém hoặc không sẵn có. Tỷ lệ mắc bệnh dại cao ở trẻ em sinh sống tại các khu vực kém phát triển. Những nguyên nhân khác bao gồm sự phối hợp yếu kém giữa các ngành, các chiến lược phòng chống không hiệu quả, khả năng tiếp cận vaccine phòng bệnh hạn chế, nhận thức và hợp tác của cộng đồng kém, quan niệm sai lầm về bệnh dại...

Theo một nghiên cứu năm 2018 của WHO về bệnh dại, ước tính hơn 1 triệu người sẽ tử vong do bệnh dại trong giai đoạn từ năm 2020 - 2035 nếu những nước chưa kiểm soát được bệnh dại không khẩn trương hành động. Trong 2 năm rưỡi COVID-19 hoành hành, toàn thế giới đã nhanh chóng ứng phó với đại dịch. Thế nhưng, dù cũng được xem là một căn bệnh truyền nhiễm trong hơn 1.000 năm qua và gây tử vong cho người, nhưng bệnh dại vẫn chưa nhận được sự quan tâm đầy đủ để có thể kiểm soát sự lây lan và hậu quả của bệnh. Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại được tổ chức nhằm nâng cao hiểu biết, vận động và đoàn kết tất cả cá nhân, tổ chức và các bên liên quan cùng chung tay chống lại bệnh dại với thông điệp mạnh mẽ "Một sức khỏe, không tử vong".