Bộ Công thương dự báo, mức tiêu thụ này sẽ còn tiếp tục gia tăng vì theo quy hoạch đến năm 2035, cả nước sản xuất khoảng 5,5 tỉ lít bia và dự kiến với dân số khi đó ở mức 105 triệu người thì trung bình mỗi người dân Việt sẽ uống 52 lít bia/năm.
Còn tính riêng trong năm 2017, số này đã sát mục tiêu đạt 4,1 tỉ lít bia vào năm 2020 trong quy hoạch phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát Việt Nam do Bộ Công thương phê duyệt.
Thống kê cho thấy, năm 2008 Việt Nam mới đứng thứ 8 châu Á về tiêu thụ bia, nhưng 8 năm sau (2016) đã trở thành quốc gia tiêu thụ nhiều thứ 3 trong khu vực, sau Nhật Bản và Trung Quốc.
Đáng chú ý, lượng rượu bia trung bình sử dụng trên thế giới không tăng trong vòng một thập niên qua, trong khi ở Việt Nam lại tăng trưởng theo chiều "thẳng đứng".
Theo đánh giá, mặc dù nhiều doanh nghiệp vẫn than khó khi mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia đã tăng lên 60% từ năm 2017 và tiếp tục tăng lên 65% từ đầu năm 2018 nhưng với lượng tiêu thụ liên tục gia tăng, doanh số và lợi nhuận của các công ty ngành bia vẫn tăng.
Chỉ riêng Tổng công ty bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã bán ra thị trường gần 1,73 tỉ lít bia, tăng 8% và lợi nhuận sau thuế đạt 4.824 tỉ đồng, tăng 4% so với năm 2016. Đơn vị này đặt mục tiêu bán được hơn 1,8 tỉ lít bia trong năm nay và sẽ phấn đấu lên mức 2 tỉ lít trong những năm sau.
Trên đây cũng chính là những lý do khiến thị trường bia nói riêng, đồ uống nói chung của Việt Nam luôn được đánh giá tiềm năng trong mắt các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tập đoàn Thaibev đã thể hiện rõ mục tiêu này khi chi ra gần 5 tỉ USD để mua hơn 53% cổ phần tại Sabeco khi nhà nước thoái vốn vào cuối năm 2017. Tập đoàn này giải thích về lý do mua với giá cao vì đây là doanh nghiệp sản xuất bia lâu đời với hơn 140 năm kinh nghiệm, sở hữu những thương hiệu bia nổi tiếng và chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam.
Vụ thâu tóm này sẽ giúp Tập đoàn Thaibev đa dạng hóa thị trường về mặt địa lý, giúp hãng mở rộng khu vực và có được mạng lưới phân phối lớn ở Việt Nam.