Thông tin này vừa được TS Lâm Việt Trung - phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đưa ra tại Hội nghị phẫu thuật ung thư đại trực tràng khu vực Đông Nam Á (ASEAN) tổ chức ngày 2-12 tại TP.HCM.
Hội nghị có sự tham dự của 300 bác sĩ phẫu thuật trong khu vực ASEAN, bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Philippines, Myanmar, Malaysia và các báo cáo viên đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Đây là hội nghị phẫu thuật đại trực tràng Đông Nam Á lần đầu được tổ chức tại Việt Nam do Bệnh viện Chợ Rẫy đăng cai tổ chức.
Theo TS Lâm Việt Trung, ung thư đại trực tràng đang là ung thư có số ca mắc mới và gây tử vong đứng thứ 5, sau ung thư gan, phổi, vú và dạ dày.
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 16.000 trường hợp ung thư đại trực tràng mới. Riêng Bệnh viện Chợ Rẫy trung bình mỗi năm thực hiện khoảng 1.200 ca phẫu thuật ung thư đại trực tràng. Đa số người bệnh đều ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn, tốn kém. Trong khi đó hiện nay Việt Nam vẫn chưa có chương trình tầm soát quốc gia về ung thư đại trực tràng.
Về điều trị, theo bác sĩ Trung, hiện phẫu thuật ung thư đại trực tràng ở Việt Nam đã trở thành phẫu thuật tiêu chuẩn với các phương tiện, dụng cụ tiên tiến, cùng đội ngũ nhân sự có tay nghề, chuyên môn cao.
Để đạt được điều này, theo ông, từ năm 2001, các cơ sở y tế tại Việt Nam bắt đầu triển khai phẫu thuật ung thư đại trực tràng bằng phương pháp nội soi ít xâm lấn. Và đến nay hầu hết các bệnh viện tuyến tỉnh đều đã có thể tự thực hiện được phẫu thuật ung thư đại trực tràng bằng phương pháp nội soi nhờ sự chuyển giao kỹ thuật của tuyến trên.
Đặc biệt từ năm 2015 đến nay, một số bệnh viện tuyến cuối đã thực hiện phẫu thuật ung thư đại trực tràng bằng robot thế hệ mới. Đây là phương pháp phẫu thuật mang lại hiệu quả cao, đảm bảo an toàn cho người bệnh.
"Những tiến bộ này cộng với việc chỉ định phù hợp, bệnh nhân ung thư đại trực tràng sẽ được điều trị bằng thủ thuật ít xâm lấn giúp rút ngắn thời gian phẫu thuật, tăng hiệu quả và độ an toàn", ông Trung nói.
Hạnh (T/h)