Theo bà Alice Stollmeyer, cựu chuyên gia chính sách khí hậu và năng lượng của EU, và ông Lukas Trakimavičius, chuyên gia nghiên cứu tại trung tâm về an ninh năng lượng NATO, ít ai biết rằng Groningen - một tỉnh ở phía Bắc Hà Lan - có thể giúp châu Âu giảm phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Tỉnh này là nơi có mỏ Groningen, một trong những nơi có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, có khoảng 450 tỷ mét khối (bcm). Trong bối cảnh hiện nay, mỏ này có giá trị bằng gần ba năm nhập khẩu khí đốt của châu Âu từ Nga.
Mỏ khí Groningen là một trong những nguồn cung cấp khí đốt nội địa chính của châu Âu kể từ khi được phát hiện vào năm 1959. Tuy nhiên, sau các trận động đất liên tục và tác động của các hoạt động địa chấn, Chính phủ Hà Lan đã quyết định giới hạn sản lượng khí đốt tự nhiên từ mỏ này.
Giới hạn đầu tiên được thiết lập vào năm 2014 và kể từ đó, sản lượng mỏ Groningen và tỷ trọng trong tổng sản lượng khí đốt của Hà Lan đã giảm dần. Sau đó, vào tháng 9/2019, Bộ Kinh tế và Chính sách Khí hậu của Hà Lan thông báo rằng sản lượng khai thác từ mỏ khí Groningen sẽ chỉ được thực hiện trong những ngày mùa Đông đặc biệt lạnh, từ năm 2022 trở đi. Mục tiêu cuối cùng là đóng cửa hoàn toàn vào năm 2026.
Kể từ khi áp đặt giới hạn đối với sản lượng khí đốt ở Groningen vào năm 2014, sản lượng khai thác từ mỏ này đã giảm 73%, từ 42 Bcm năm 2014 xuống 11 Bcm vào năm 2019. Ngoài ra, tỷ trọng của mỏ khí Groningen trong tổng sản lượng của Hà Lan giảm từ 62% năm 2014 xuống 38% vào năm 2019.
Cho đến nay, việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine và cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu hầu như không ảnh hưởng đến tính toán của Hà Lan. Viện dẫn những lo ngại về an toàn, các nhà chức trách Hà Lan khẳng định rằng chỉ khi tất cả các quốc gia ở Bắc Tây Âu kích hoạt giai đoạn ba của kế hoạch khẩn cấp về khí đốt (về cơ bản là phân bổ khí đốt) thì họ mới xem xét tăng cường sản xuất khí đốt ở Groningen.
Mặc dù sự thận trọng của Hà Lan là điều dễ hiểu, nhưng xét đến mức độ nghiêm trọng của tình hình, có những lý do thuyết phục khiến việc tăng sản xuất khí đốt ở Groningen sớm hơn là hợp lý.
Thứ nhất, nếu Groningen không tăng sản lượng trong những tháng tiếp theo, châu Âu có thể phải đối mặt với một mùa Đông rất khó khăn. Để có thể vượt qua mùa Đông đầu tiên mà không có khí đốt của Nga, các nước EU cần bổ sung lượng khí dự trữ càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, điều này sẽ không dễ thực hiện khi Nga bắt đầu hạn chế xuất khẩu khí đốt sang châu Âu và các nhà cung cấp thay thế có ít công suất dự phòng.
Hơn nữa, có thể cho rằng chỉ riêng việc nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) là khó có thể lấp đầy khoảng trống do thiếu khí đốt của Nga. Về nguồn cung, thị trường LNG đang rất khan hiếm. Về mặt tiếp nhận, tình hình cũng căng thẳng không kém vì khả năng phân bổ LNG của châu Âu vốn không đủ thời gian và kinh phí để đáp ứng nhu cầu hiện tại.
Thứ hai, có rất ít lý do để tin rằng Nga sẽ không cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt cho châu Âu một cách đột ngột. Vì vậy, châu Âu cần chuẩn bị những phương án cần thiết để ứng phó với tình huống này khi vẫn còn thời gian. Nếu không, có nguy cơ là một khi mùa nóng đến, việc bị cắt đột ngột phần còn lại nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu sẽ đẩy giá năng lượng thậm chí còn cao hơn, lạm phát sẽ tăng vọt và lo ngại về một cuộc suy thoái sắp xảy ra sẽ bùng phát.
Tất nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là Groningen không phải là giải pháp hoàn hảo đối với những thảm họa năng lượng của châu Âu. Bất chấp quy mô của mỏ khí, vì lý do kỹ thuật và an toàn, việc tăng nhanh sản lượng khai thác sẽ là thách thức. Điều tốt nhất có thể hy vọng trên thực tế là tăng dần sản lượng khí đốt khai thác tại Groningen đạt khoảng 8 - 17 bcm khí mỗi năm trong vòng 3 - 4 năm.
Vấn đề quan trọng nhất mà Groningen giúp cho châu Âu là lục địa này sẽ có thêm thời gian nhằm đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng của Nga thông qua phát triển cơ sở hạ tầng nhập khẩu LNG mới. Đồng thời, mỏ cũng giúp các nhà hoạch định chính sách có cơ hội để giảm nhu cầu khí đốt tự nhiên của châu Âu thông qua các sáng kiến sử dụng hiệu quả năng lượng và tăng tốc triển khai các nguồn năng lượng tái tạo.