Đây là sự cụ thể hóa việc ứng dụng phần mềm iNhandao trong việc hỗ trợ các địa chỉ nhân đạo tập thể (các trường học), các địa chỉ nhân đạo cá nhân( học sinh, giáo viên) và một cách thiết thực thông qua kết nối giữa các trường. Các đơn vị tham gia sẽ phối hợp khảo sát các trường học, hoàn cảnh khó khăn và nhu cầu cần trợ giúp, sau đó đưa lên hệ thống iNhandao. Tiếp đó, vận động các trường có điều kiện kết nghĩa và hỗ trợ các trường học còn khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện dạy học, dinh dưỡng cho học sinh…
Mô hình có sự khảo sát, giám sát của các cấp Hội Chữ thập đỏ, Phòng Giáo dục địa phương về các địa chỉ nhân đạo được đăng tải, đồng thời các thông tin, hình ảnh về những địa chỉ cần trợ giúp trên phần mềm iNhandao được cập nhập thường xuyên…tất cả những biện pháp đó đã làm cho Mô hình “Trường tới Trường – Kết nối yêu thương” lan toả tới cộng đồng sâu rộng hơn.
Từ ngày 20/11 - 5/12, hưởng ứng Mô hình “Trường tới Trường – Kết nối yêu thương”, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đồng Nai cùng các mạnh thường quân đã tổ chức nhiều chuyến công tác thăm, trao hỗ trợ tới giáo viên, học sinh gặp khó khăn sau thiên tai ở các tỉnh Khánh Hoà, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh. Đồng thời, hỗ trợ các nhà trường sửa chữa, mua sắm thêm thiết bị dạy học. Tổng trị giá hỗ trợ đạt 1,064 tỷ đồng.
Cô Trần Thị Phượng là Hiệu trưởng trường mầm non Cẩm Thạch (Hà Tĩnh), mưa lũ thời gian vừa qua khiến nhà trường nơi cô công tác bị ảnh hưởng nặng nề, do vị trí trường nằm ở hạ lưu Hồ Kẻ Gỗ nên sau mưa lũ kéo dài hầu hết tài sản, thiết bị dạy học, sách vở của nhà trường đều bị hỏng hóc. Nhờ có sự hỗ trợ kịp thời của các mạnh thường quân thông qua Hội CTĐ Đồng Nai, trường mầm non Cẩm Thạch đã sửa sang, mua sắm thêm thiết bị dạy học, sẵn sàng đón học sinh đến trường trở lại.
Cô Phượng cho biết: Cảm ơn cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và Hội CTĐ, các mạnh thường quân đã quan tâm, hỗ trợ trường chúng tôi. Nhờ có món quà quý của CTĐ và các nhà hảo tâm trao tặng nhà trường đã phân bổ hợp lý, mua sắm thêm các thiết bị dạy học như tivi, tủ để đồ, bàn ghế…
Tiếp đó, trong các ngày 5/12 - 8/12, Đoàn công tác của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam do Phó chủ tịch Trần Quốc Hùng làm Trưởng đoàn phối hợp cùng Phòng khám Chữ thập đỏ Đông Anh tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, truyền thông nước sạch, trao quà cho 2.800 người dân; Trao hàng trăm xe đạp cho các em học sinh nghèo vượt khó trong học tập tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.
Em Phan Thị Như Ý, học sinh lớp sinh lớp 6B, Tiểu học và THCS Hải Ba (Quảng Trị), chia sẻ: "Hôm nay được nhận xe đạp từ Hội Chữ thập đỏ em thấy vui lắm, nhà em cách trường hơn 4km, hàng ngày em đều đi bộ hoặc nhờ bạn cho đi cùng, giờ có xe rồi em sẽ chủ động đi lại hơn, em sẽ bảo quản xe thật tốt''.
Em Võ Hoàng Việt Hùng, học sinh lớp sinh lớp 8A, Trường THCS Hải Vĩnh (Quảng Trị), xúc động cho biết: "Bố em mất sớm, gia đình em là hộ cận nghèo nên được chính quyền địa phương và nhà trường hỗ trợ rất nhiều. Nhưng sau cơn lũ vừa rồi mẹ em cũng lao đao vì gà vịt, hoa màu mất hết, học phí, sách vở cũng nhờ các thầy cô hỗ trợ em mới đến trường được. Hôm nay được nhận quà từ Hội Chữ thập đỏ và nhà tài trợ em vui lắm, thấy có thêm nhiều hoài bão để đến trường".
Chia sẻ niềm vui với thầy cô giáo và các em học sinh, ông Trần Quốc Hùng – Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết: “Thông qua Mô hình “Trường đến trường” – Kết nối yêu thương Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam mong muốn kêu gọi cộng đồng, đặc biệt là các trường ở khu vực có điều kiện thuận lợi hơn sẽ hỗ trợ cho các trường còn khó khăn về cơ sở vật chất như phòng học, nước sạch vệ sinh; Trang thiết bị, đồ dùng học tập; Tổ chức trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm học tập… Hiện nay chiến dịch đang tập trung hỗ trợ các trường bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, thời gian tới đây cương trình sẽ hỗ trợ cho trẻ em vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa… để các em có thể vui Tết đón Xuân”.
Đánh giá về Mô hình “Trường đến trường”, cô Đặng Thị Thanh Hoa - Hiệu trưởng trường Tiểu học Cẩm Duệ (Hà Tĩnh) cho biết: “Trường tới Trường – Kết nối yêu thương” là mô hình mới lạ, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mô hình đã kết nối trực tiếp các mạnh thường quân với giáo viên, học sinh gặp khó khăn cần hỗ trợ. Tôi mong muốn mô hình này được lan toả nhiều hơn đến cộng đồng nhằm giúp cho các giáo viên, học sinh và nhà trường nơi khó khăn được hỗ trợ nhiều hơn nữa.