Mô hình kết nghĩa bản-bản tô thắm tình nghĩa hai nước Việt Nam, Lào

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Quảng Trị có đường biên giới đất liền với nước bạn Lào dài trên 187 km, bao gồm 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông. Trong những năm qua, mô hình kết nghĩa bản - bản được triển khai với nhiều kết quả thiết thực, giữ bình yên vùng biên giới Việt Nam-Lào.
a-16602093192461478982391-1660258782.jpg
Các bản giữa 2 nước thường xuyên có những cuộc trao đổi, gắn kết tình cảm đồng bào 2 bên - Ảnh: VGP/Minh Trang

Mô hình kết nghĩa bản-bản giữa hai bản Ka Tiêng (xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) và bản A Via (cụm bản La Cồ, huyện Sepon, tỉnh Savannakhet, Lào) được triển khai từ năm 2007, với 12 nội dung ghi nhớ, có 100% hộ gia đình tham gia.

Đến nay, qua 15 năm kết nghĩa, hai bản Ka Tiêng và A Via đã tổ chức tốt hoạt động giao lưu nhân dân hai bên biên giới góp phần củng cố tình hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt Nam, Lào. Hai bản đã phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cư dân hai bản được 50 đợt/2.020 lượt người về chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, mốc quốc giới; các quy định của pháp luật của mỗi nước.

Đồng thời đã tổ chức 52 đợt với 780 lượt người dân tham gia cùng lực lượng chuyên trách của mỗi bên tuần tra bảo vệ đường biên, mốc quốc giới. Nhân dân 2 bản đã giúp đỡ lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn cách phòng trừ dịch bệnh, kinh nghiệm làm ăn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tạo điều kiện thông thoáng cho việc lưu thông hàng hóa, góp phần nâng cao đời sống người dân hai bên biên giới.

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, qua mô hình kết nghĩa bản-bản, người dân hai bên đã cung cấp hàng nghìn có giá trị liên quan đến tội phạm, buôn bán ma túy. Mô hình cũng góp phần giúp đỡ người dân hai bên phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đồng thời, kịp thời giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn, trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai; giúp nhau cấp cứu, khám chữa bệnh, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền và các tổ chức quần chúng ở cơ sở…

Các hoạt động đối ngoại biên giới, đối ngoại nhân dân được tăng cường và mở rộng cả về hình thức và nội dung; thường xuyên tổ chức thăm hỏi, giao lưu văn hóa, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc hai bên biên giới.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện tốt việc kết nghĩa với các bản của nước bạn Lào. Tích cực trao đổi thông tin, hỗ trợ, giúp nhau phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tham gia bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới và đường biên mốc giới của mỗi nước. Xây dựng được nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong giúp nhau xóa đói giảm nghèo.

Hằng năm tổ chức sơ kết, đánh giá tình hình và rút ra những kinh nghiệm trong công tác kết nghĩa bản - bản, từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện ngày càng có hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân hai bên biên giới chấp hành tốt pháp luật an ninh – biên giới cũng như nâng cao ý thức trong việc bảo vệ chủ quyền đất nước, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Phát huy kết quả đó, thời gian tới, hai bản Ka Tiêng - A Via nói riêng và các bản vùng biên giới 2 nước nói chung tiếp tục phấn đấu giữ vững bản chất, truyền thống tốt đẹp, tinh thần đoàn kết gắn bó thủy chung giữa người dân hai nước, thường xuyên thông báo cho nhau về tình hình hai bên biên giới, cùng nhau giải quyết các vụ việc dứt điểm ngay từ đầu, đưa phong trào kết nghĩa lên tầm cao mới. Duy trì và nhân rộng mô hình gia đình cam kết tự quản đường biên, mốc giới; tăng cường hỗ trợ lẫn nhau về phát triển kinh tế, khám chữa bệnh, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.

Mô hình kết nghĩa bản - bản được triển khai từ năm 2005, đến nay đã có 25/25 cặp bản kết nghĩa giữa tỉnh Quảng Trị (Việt Nam) với 2 tỉnh Savanakhet và Salavan (Lào). Thông qua hoạt động kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới, các cấp, các ngành tổ chức tuyên truyền cho đồng bào các dân tộc sống hai bên biên giới về các nội dung như: Chủ quyền lãnh thổ, ý thức quốc gia, mốc quốc giới, việc chấp hành các quy định của Hiệp định về quy chế biên giới Việt Nam - Lào; các quy định pháp luật của mỗi nước về lấy vợ, lấy chồng hai bên biên giới; tuyên truyền về ý nghĩa của công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới… Qua đó, góp phần tạo chuyển biến quan trọng trong nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân hai bên biên giới về chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, phát huy sức mạnh quần chúng trong quản lý, bảo vệ, xây dựng biên giới hòa bĩnh, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.