Tại Quảng Trị, thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hải Lăng, do ảnh hưởng của mưa lũ, nhiều khu vực bị ngập, một số trường học trên địa bàn đã cho học sinh nghỉ để đảm bảo an toàn.
Theo đó có 75 điểm trường, thuộc các trường học tại địa bàn huyện Hải Lăng bị ảnh hưởng, một số điểm trường bị ngập 20-60cm, hiện có hơn 2.000 học sinh phải tạm nghỉ vì mưa lũ.
Các trường học sẽ chủ động theo dõi diễn biến của thời tiết và sẽ cho học sinh học bù khi thời tiết thuận lợi trở lại. Mưa lớn cũng khiến nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện Hải Lăng bị ngập 0,5-0,8m.
Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cũng cắt cử lực lượng túc trực, cắm biển cảnh báo tại những nơi bị ngập nước để người dân biết và phòng tránh.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Trị đã có công điện khẩn yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai để chỉ đạo triển khai biện pháp ứng phó kịp thời nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Chủ động triển khai công tác sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu…
Tại Quảng Bình, tối qua đến sáng nay (13/10), đã có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa trung bình trên 100mm, mực nước các sông đang ở dưới báo động 1.
Mực nước trung bình 153 hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đạt 58%. Theo dự báo, từ hôm nay đến ngày 19/10, tỉnh Quảng Bình sẽ xuất hiện mưa lớn, kéo dài, phổ biến 200-400mm.
Hiện tại, tỉnh Quảng Bình chưa xuất hiện ngập lụt cục bộ. Tuy nhiên, mưa lớn diện rộng làm nước dâng cao gây chia cắt cục bộ tại các ngầm tràn vùng biên giới xã Dân Hóa, Trọng Hóa (huyện Minh Hóa).
Các địa phương đã triển khai lực lượng túc trực tại vị trí xảy ra ngập lụt, đặt biển cảnh báo nguy hiểm, ngăn không để người dân qua lại các ngầm tràn.
Tỉnh Quảng Bình đã triển khai lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, ven suối, hạ lưu hồ, đập, khu vực thấp trũng. Đặc biệt, các địa phương đã chuẩn bị phương án di dời người dân ở khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở đất.
Tại Thừa Thiên - Huế, mưa lớn trong nhiều giờ qua đã khiến nhiều đoạn đường trên Quốc lộ 49B, một số đoạn thuộc tuyến tỉnh lộ của Thừa Thiên - Huế ngập sâu. Cơ quan chức năng đã dựng biển báo cấm đường, bố trí lực lượng đảm bảo giao thông.
Quốc lộ 49B ở Km3 - Km8 (từ xã Phong Hòa đến xã Điền Hương, huyện Phong Điền) ngập sâu từ 0,4 - 0,6m. Tại Km95 - Km96 (xã Lộc Bình, Phú Lộc), nhiều đất đá tràn mặt đường, nước chảy xiết, sâu 0,2 - 0,4m. Xe buýt Phương Trang tuyến đi Điền Hương, Phong Hòa của huyện Phong Điền ngừng hoạt động. Nhiều đoạn đường trên tỉnh lộ 4, tỉnh lộ 6, tỉnh lộ 6B, 8A, 10C, 17B,19, 25B có vị trí ngập sâu nhất đến 1m, lực lượng chức năng đã dựng biển báo cấm người và phương tiện qua lại.
Theo Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Thừa Thiên - Huế, từ ngày 13 - 17/10, địa bàn tỉnh có mưa to, mưa rất to. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 300 - 500mm, có nơi trên 700mm.
Trước tình hình mưa lũ, UBND huyện Phong Điền đã yêu cầu các trường THCS, Tiểu học, mầm non ở xã Phong Hòa, Phong Bình, Phong Hiền cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.
Tại Đà Nẵng, trưa 13/10, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố có công văn khẩn cho học sinh các cấp trên toàn thành phố nghỉ học do mưa lớn.
Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng thông báo cho học sinh, học viên THPT, THCS và tiểu học không học bán trú trên toàn thành phố nghỉ học chiều 13/10 do một số đoạn đường ngập sâu, đi lại khó khăn, nguy hiểm.
Riêng đối với các trường có học bán trú, trẻ mầm non và học sinh vẫn học buổi chiều, nhà trường chủ động sắp xếp thời gian, thông báo phụ huynh đón con vào cuối buổi học chiều nay đảm bảo an toàn (dự kiến sau 15h sẽ ngớt mưa).
"Trong trường hợp diễn biến tình hình thời tiết còn phức tạp, kéo dài, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ có thông báo khẩn tiếp theo cho học sinh, học viên, sinh viên nghỉ học để đảm bảo an toàn cho con em" - công văn nêu rõ.
Sáng cùng ngày, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng cũng đã có công điện ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất trên địa bàn thành phố.
Ban chỉ huy yêu cầu lãnh đạo quận/huyện chỉ đạo triển khai phương án phòng chống mưa lớn, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất, đặc biệt là sẵn sàng phương án sơ tán dân.