Lưu lượng phương tiện giao thông tăng cao, gây ùn tắc cục bộ trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9

Lã Thị Thúy Hằng
Theo đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 kéo dài 4 ngày, lượng người đi du lịch, về quê thăm thân khá đông, gây ùn tắc giao thông tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh kéo dài từ chiều 31/8 đến 1/9 và ùn ứ một số thời điểm trong ngày 4/9.

a111-1701681095.jpg

Chiều 4/9, lượng người và phương tiện đổ về Thủ đô Hà Nội rất đông.

Nhiều trường hợp vi phạm giao thông

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Bộ Công an, trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh, cả nước xảy ra 127 vụ tai nạn giao thông, làm chết 76 người, bị thương 95 người. So với kỳ nghỉ lễ năm trước, tai nạn giao thông tăng 48 vụ (61%), tăng 28 người chết (58%) và tăng 44 người bị thương (86%); trong đó, đường bộ xảy ra 125 vụ tai nạn giao thông, làm chết 73 người, bị thương 95 người; đường sắt xảy ra 2 vụ, làm chết 3 người.

Bộ Công an cũng cho biết, lực lượng cảnh sát giao thông trên cả nước đã xử lý hơn 34.800 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền hơn 72,25 tỷ đồng; tạm giữ 523 xe ô-tô, hơn 12 nghìn xe máy và phương tiện khác, tước 7.166 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn các loại; trong đó, xử lý vi phạm nồng độ cồn gần 9.400 trường hợp, ma túy 20 trường hợp, chở hàng quá tải trọng 332 trường hợp, quá khổ giới hạn 69 trường hợp, vi phạm tốc độ 6.233 trường hợp,...

Chiều 4/9, mới khoảng 14 giờ, bến xe Giáp Bát đã đông nghịt hành khách. Chị Mai Thị Thu (quê Thanh Hóa) tỏ vẻ mệt mỏi sau hành trình hơn 4 tiếng đồng hồ trên xe. Chị chờ bắt xe dọc đường, nhưng xe nào cũng chật cứng người, phải cả tiếng sau mới có xe dừng. Lúc chị lên, xe đã hết chỗ ngồi, nhà xe bố trí ghế nhựa giữa lối đi để "nhồi" thêm khách. Chị Thu than thở: Giá vé bình thường chỉ khoảng 100 nghìn đồng nhưng hôm nay nhà xe thu tới 150 nghìn đồng, thậm chí dọc đường họ bắt khách ở Hà Nam lên Hà Nội vẫn thu tới 100 nghìn đồng. Hành khách thắc mắc thì nhà xe thản nhiên lý giải do ngày lễ nên giá tăng.

Từ ngày 1 đến 4/9, đã có 11 cuộc gọi và tin nhắn của người dân phản ánh đến đường dây nóng của Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia. Sau khi nhận được điện thoại và tin nhắn qua đường dây nóng, Văn phòng Ủy ban đã chuyển nội dung thông tin và yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, xử lý theo nội dung các thông tin được phản ánh.

Khoảng 6 giờ 34 phút sáng 2/9, tại khu vực đèn tín hiệu giao thông giữa Quốc lộ 1 với đường dẫn vào cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, xe ô tô biển kiểm soát 60A-668.00 do Nguyễn Chí Hào (trú huyện Vĩnh Cửu, Ðồng Nai) điều khiển, đã đâm vào 5 xe máy đang dừng chờ đèn đỏ cùng chiều phía trước, khiến 5 người đi xe máy bị thương. Theo điều tra sơ bộ, Nguyễn Chí Hào mới 16 tuổi, chưa đủ tuổi và chưa có giấy phép lái xe ô-tô, xe cơ giới, nhưng đã được bố là ông Nguyễn Chơn Tiên giao điều khiển xe.

Trong ngày đầu nghỉ lễ, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Cuối giờ chiều 31/8, trên cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, tổ công tác Ðội tuần tra kiểm soát số 3 kiểm tra xe khách biển kiểm soát 38F-007.33 do lái xe Lê Văn Bình điều khiển, phát hiện xe chở 53 người, trong khi thiết kế chỉ được chở tối đa 46 người. Tổ công tác đã xử phạt lái xe, tước giấy phép lái xe hạng E, FC; đồng thời lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính chủ xe là Hợp tác xã vận tải Phú Thành Tuyên Minh, tước phù hiệu xe tuyến cố định.

Tổ công tác cũng kiểm tra xe khách biển kiểm soát 74F-000.30 do lái xe Lê Văn Thắng (trú tại Quảng Bình) điều khiển, chở khách từ Bắc Ninh về Thừa Thiên Huế, phát hiện xe 34 chỗ nhưng chở tới 40 người, hành khách phải ngồi cả ở lối đi. Tổ công tác đã lập biên bản xử phạt, tước giấy phép lái xe, xử phạt vi phạm hành chính chủ xe là Hợp tác xã vận tải ô-tô huyện Phú Lộc, thu hồi phù hiệu tuyến cố định xe khách này.

Chiều 3/9, một vụ tai nạn giao thông xảy ra trên cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45 khiến giao thông ùn tắc cục bộ đoạn qua xã Ðông Hòa, huyện Ðông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, Ðỗ Văn Lực (sinh năm 1976, trú huyện Ý Yên, tỉnh Nam Ðịnh) điều khiển xe đi ngược chiều trên cao tốc, đã va chạm với ô-tô tải do Bùi Như Ý (sinh năm 1999, trú huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) điều khiển. Vụ va chạm khiến anh Lực bị thương nhẹ, hai phương tiện hư hỏng,...

Ùn tắc cục bộ một số tuyến cửa ngõ

Từ chiều 31/8, tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tuyến đường chính đến các địa phương có khu du lịch, lưu lượng phương tiện giao thông tăng cao do người dân di chuyển về quê, du lịch, gây ùn tắc cục bộ. Lực lượng cảnh sát giao thông, công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức phối hợp, phân luồng, điều tiết giao thông theo đúng các phương án phân luồng giao thông nên không xảy ra ùn tắc nghiêm trọng kéo dài tại các cửa ngõ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ 17 giờ đến khoảng 20 giờ ngày 31/8 và trong buổi sáng 1/9, khu vực cửa ngõ Hà Nội; các tuyến Quốc lộ 1, Ðại lộ Thăng Long; các tuyến cao tốc; Vành đai 3 trên cao; các bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm, Mỹ Ðình và địa phương giáp ranh Hà Nội, mật độ phương tiện lưu thông tăng cao, xảy ra ùn tắc cục bộ. Tại Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương giáp ranh, trên một số tuyến cao tốc, tuyến cửa ngõ đi miền Ðông; tuyến Quốc lộ 1, khu vực cầu Rạch Miễu (thuộc Tiền Giang và Bến Tre) lưu lượng phương tiện tăng cao, tuy nhiên không xảy ra ùn tắc nghiêm trọng, kéo dài.

Từ khoảng 15 giờ ngày 3/9 và ngày 4/9, tại Hà Nội, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên một số tuyến cửa ngõ vào thành phố tăng cao trở lại; một số điểm như nút giao Cổ Linh, nút giao khu đô thị Time City dẫn lên cầu Vĩnh Tuy, cầu vượt Mai Dịch, Vành đai 2, Vành đai 3 trên cao có hiện tượng ùn tắc cục bộ. Ðại diện lãnh đạo Ðội Cảnh sát giao thông số 14 (Công an Hà Nội) cho biết, lưu lượng phương tiện đổ về Hà Nội tăng cao, nhưng xe vẫn có thể di chuyển chậm trên đường Vành đai 3 trên cao. "Ðơn vị đã bố trí 100% lực lượng trên tuyến, sẵn sàng phân luồng điều tiết giao thông để người dân trở lại Hà Nội được thuận lợi nhất". Tuyến cao tốc Pháp Vân-Ninh Bình và Quốc lộ 1, lực lượng cảnh sát giao thông phải triển khai phân luồng theo phương án nhằm giảm tải trên các tuyến chính và cửa ngõ ra vào Thủ đô.

Tại các bến xe Giáp Bát, Mỹ Ðình, Nước Ngầm, từ đầu giờ chiều 4/9, lượng xe khách đổ dồn về bến, tuy nhiên không quá căng thẳng. Theo lãnh đạo bến xe Giáp Bát, do lo ngại tắc đường, một số người đã lựa chọn lên Thủ đô sớm, giúp các bến xe bớt căng thẳng trong ngày cuối kỳ nghỉ lễ. Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Tổ trưởng bảo vệ bến xe Giáp Bát, chiều 4/9, bình quân 3-5 phút có 1 xe về bến, càng về cuối giờ chiều, xe dồn về càng đông.

Tại bến xe Mỹ Ðình, xe khách từ các tỉnh phía bắc cũng ùn ùn về bến mỗi lúc một đông. Khu vực trước cổng bến, hàng trăm xe ôm túc trực đón khách đi xe. Lãnh đạo bến xe Mỹ Ðình cho hay, chiều 4/9 là cao điểm đợt khách đi lại của kỳ nghỉ lễ 2/9. Lượng xe tăng cao so với ngày thường nhưng dàn đều ở nhiều khung giờ nên bến không bị ùn tắc.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, trên các tuyến cao tốc; cửa ngõ ra vào thành phố, mật độ phương tiện tăng cao, đoạn cầu Rạch Miễu bị ùn tắc kéo dài, trạm thu phí BOT phải liên tiếp xả trạm mới giúp dòng xe lưu thoát nhanh hơn. Tại Quốc lộ 60 đoạn qua Mỹ Tho cũng xảy ra tắc, lực lượng chức năng phải điều tiết xe vào các tuyến đường nhánh để giảm áp lực.

Nhìn chung, trong dịp nghỉ lễ, tuy có xảy ra ùn tắc cục bộ tại một số tuyến đường cửa ngõ và các bến xe, nhà ga, sân bay ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên mức độ giảm nhiều so với dịp nghỉ lễ các năm trước khi xảy ra dịch Covid-19, do các tuyến đường đã triển khai thu phí không dừng và sự nỗ lực của các lực lượng chức năng như cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, công an các đơn vị, địa phương,… đã phối hợp chặt chẽ, phân luồng, điều tiết giao thông theo đúng các phương án nên không xảy ra ùn tắc nghiêm trọng, kéo dài.

Tai nạn giao thông tăng cao một phần do người dân đi du lịch, về quê, lượng phương tiện tăng đột biến, hạ tầng chưa đáp ứng kịp, đồng thời còn do ý thức tham gia giao thông của một số người dân còn hạn chế, vi phạm các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Hồng Ninh