Lương hưu - chỗ dựa ở tuổi xế chiều của người dân vùng “đất lửa” Quảng Trị

Nguyễn Thị Hương
Chế độ hưu trí là cốt lõi của chính sách BHXH, giúp đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người dân khi họ hết tuổi lao động. Ở vào độ tuổi xế chiều, lương hưu đã và đang mang lại niềm vui, là chỗ dựa vững chắc giúp ổn định cuộc sống, an hưởng tuổi già cho nhiều người dân vùng “đất lửa” Quảng Trị.

Được nhận lương hưu trong suốt 9 năm qua, bà Nguyễn Thị Liên ở xã Cam Thành, huyện Cam Lộ luôn cảm thấy may mắn vì đã có lương hưu hằng tháng giúp ổn định cuộc sống. “Sau khi công ty đầu tiên nơi tôi làm việc giải thể, thâm niên công tác chưa đủ nhận lương hưu, tôi đã xin làm công việc kế toán ở một đơn vị tư nhân khác để được đóng BHXH. Nhờ đóng đủ BHXH theo thời gian quy định nên bây giờ tôi đã có khoản lương hưu trang trải cuộc sống. Càng ở độ tuổi xế chiều, tôi càng cảm nhận được giá trị của việc nhận lương hưu hàng tháng” - bà Nguyễn Thị Liên chia sẻ.

chi-tra-luong-huu-tro-cap-bhxh-tren-dia-ban-thanh-pho-dong-ha-quang-tri-1700745256.jpg
Chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH trên địa bàn thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị

Để lan tỏa giá trị nhân văn và lợi ích từ việc tham gia chính sách BHXH của Đảng và Nhà nước mang lại, bà Nguyễn Thị Liên đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con Nhân dân trên địa bàn tham gia BHXH tự nguyện tại các buổi hội nghị truyền thông do cơ quan BHXH tổ chức tại địa phương. “Tôi thường nói với mọi người rằng, khi tham gia BHXH tự nguyện và được hưởng lương hưu, Nhà nước luôn có chính sách điều chỉnh để người hưởng lương hưu được ổn định cuộc sống, đảm bảo chi trả sinh hoạt phí, sống an nhàn và không phải phụ thuộc vào con cháu khi về già” - bà Nguyễn Thị Liên cho biết thêm.

Năm 2022, ông Nguyễn Cửu Nghiêm ở xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong nhận quyết định nghỉ hưu và được hưởng lương hưu với mức trên 5 triệu đồng/tháng. “Chế độ lương hưu của Đảng và Nhà nước đã giúp tôi ổn định cuộc sống, có điều kiện hỗ trợ thêm cho con cháu đi học. Tôi cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình, không phải sống phụ thuộc vào con cháu hay trợ cấp của xã hội” - ông Nguyễn Cửu Nghiêm phấn khởi cho biết.

Chính sách BHXH tự nguyện được thực hiện đã đem lại lợi ích rất rõ, đó là cơ hội cho tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được chính sách hưu trí, lương hưu khi về già. Đối với những người tham gia BHXH bắt buộc, khi đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng thì thay vì nhận chế độ BHXH một lần như trước đây, họ có thể tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện và lựa chọn phương thức đóng một lần cho những năm còn thiếu để được hưởng lương hưu khi đủ điều kiện theo quy định.

Dù ở độ tuổi còn trẻ nhưng chị Lê Thị Thủy ở xã Cam Thành, huyện Cam Lộ đã và đang tích lũy cho tương lai của mình bằng việc lựa chọn đăng ký tham gia BHXH tự nguyện. Chị Thủy cho biết: Chính sách BHXH tự nguyện là của Đảng và Nhà nước nên khi tham gia, người dân chúng tôi rất yên tâm. Hiện tại, tôi lựa chọn phương thức đóng BHXH tự nguyện hàng tháng, tích lũy dần để mai sau khi về già có tiền lương hưu và có tấm thẻ BHYT để chăm lo sức khỏe”.

lh-16896708022651090797829-1700745334.jpg
 

Để ngày càng có thêm nhiều người dân được tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH tự nguyện của Đảng và Nhà nước, bên cạnh sự nỗ lực của ngành BHXH còn có sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người có uy tín ở cơ sở, giúp người dân yên tâm để đăng ký tham gia.

Chị Phạm Thị Duyên, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Chính, huyện Cam Lộ cho biết: “Bất kỳ một chính sách nào để đến được với người dân cần có sự tuyên truyền, vận động phù hợp. UBND xã đã phối hợp với BHXH huyện Cam Lộ triển khai mô hình “Sân khấu hóa” trong công tác truyền thông về chính sách BHXH tự nguyện. So với các buổi hội nghị truyền thông trước đây, hình thức “sân khấu hóa” đã giúp chính sách BHXH tự nguyện dễ đi vào lòng người hơn, người dân thấy được bản thân mình thông qua các nhân vật trên sân khấu, từ đó cảm nhận rõ được giá trị của lương hưu để tham gia BHXH tự nguyện.”

Từng được mệnh danh là “tọa độ lửa” trong chiến tranh, mảnh đất Quảng Trị đã và đang từng bước thay da đổi thịt, các chính sách an sinh xã hội cho người dân luôn được quan tâm chú trọng thực hiện. Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 25,4 ngàn người hưởng chế độ BHXH thường xuyên với số tiền chi trả hàng tháng hơn 127,4 tỷ đồng. Trong đó, có trên 19 ngàn người hưởng lương hưu với số tiền chi trả hằng tháng hơn 118,9 tỷ đồng. Thực tế cho thấy, cuộc sống của phần lớn người hưởng lương hưu luôn an nhàn, không phải tất bật lo toan. Đồng thời, được chăm sóc sức khỏe tốt hơn vì được cấp thẻ BHYT miễn phí.

Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Trị Mai Thanh Bình cho biết, các chế độ, quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh luôn được đảm bảo. Lương hưu được giải quyết và chi trả kịp thời, đúng quy định, người hưởng lương hưu có thể nhận lương hưu hằng tháng bằng tiền mặt hoặc qua tài khoản ngân hàng, tạo thuận lợi cho người thụ hưởng. Việc cấp thẻ BHYT cho người hưởng lương hưu cũng được thực hiện đầy đủ, đảm bảo kịp thời ngay khi người tham gia BHXH có quyết định hưởng lương hưu.

Trong thời gian tới, để nâng cao tỷ lệ người hưởng lương hưu, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, BHXH tỉnh Quảng Trị tiếp tục chú trọng công tác truyền thông với sự đổi mới mạnh mẽ về hình thức, mô hình và phương pháp thực hiện, giúp nâng cao hiểu biết của người dân về quyền và lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện. Đồng thời, tiếp tục mở rộng hệ thống Tổ chức dịch vụ thu và mạng lưới nhân viên thu BHXH, BHYT, giúp người dân dễ dàng tiếp cận và đăng ký tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH tự nguyện của Đảng và Nhà nước.

Mai Chi