Thời gian qua, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã có nhiều hoạt động đồng hành với ngư dân các tỉnh, thành phố ven biển phát triển kinh tế-xã hội và trở thành một điểm sáng trong công tác dân vận thời kỳ mới.
Với vai trò là lực lượng thực thi pháp luật trên biển, Cảnh sát biển Việt Nam cùng với các Bộ, ngành, địa phương trên cả nước thực hiện nhiều giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU) để gỡ thẻ vàng của EC.
Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên khóa XV cho biết tính đến tháng 4/2023, Cảnh sát biển Việt Nam đã ký kết, triển khai chương trình phối hợp thực hiện công tác dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” với 22 tỉnh, thành phố ven biển.
Chương trình này xác định thực hiện 5 nội dung chính gồm: phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, giáo dục pháp luật cho nhân dân, trong đó có ngư dân; phối hợp tham gia xây dựng địa bàn an toàn, hệ thống chính trị vững mạnh; hỗ trợ địa phương phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng nông thôn mới, thực hiện các hoạt động an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân vươn khơi, bám biển, góp phần giữ vững an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; phối hợp thực hiện huy động nhân lực, phương tiện, tàu thuyền tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Qua chương trình này, cơ chế phối hợp giữa Cảnh sát biển Việt Nam với cấp ủy, chính quyền các địa phương ngày càng hoàn thiện; phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng; đảm bảo tính bền chặt và có những quan tâm thiết thực đến cuộc sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh, thành phố có biển.
Từ năm 2022 đến nay, các đơn vị Cảnh sát biển Việt Nam đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp cho gần 50.000 lượt nhân dân, ngư dân; phát hơn 110.000 tờ rơi tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về biển, đảo, chống IUU. Riêng tại Phú Yên, Cảnh sát biển Việt Nam đã phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức 3 cuộc thi “Em yêu biển đảo, quê hương” nhằm giáo dục cho thanh, thiếu niên, học sinh về tình yêu và trách nhiệm bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc.
Cảnh sát biển Việt Nam đã tặng gần 55.000 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân. Từ đó khẳng định được chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia trên biển và khẳng định đây là các vùng biển truyền thống của Việt Nam.
Cảnh sát biển Việt Nam đã huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ khoảng 18 tỷ đồng cho hoạt động an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo; tặng hàng trăm xe đạp làm phương tiện đi học cho học sinh nghèo vượt khó; khám và cấp phát thuốc chữa bệnh miễn phí cho ngư dân tại các địa phương.
Những kết quả đã đạt được có thể khẳng định: Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” là một điểm sáng nổi bật trong việc thực hiện Nghị quyết của Quân ủy Trung ương về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong tình hình mới.”
Theo Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Cảnh sát biển Việt Nam là một trong những lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện các quy định về chống IUU.
Trong quý 1/2023, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã tuyên truyền cho 1.435 tàu cá Việt Nam (trực tiếp trên biển là 335 tàu, qua máy liên lạc nghề cá là 671 tàu, tại bến là 430 tàu); trao đổi 255 lượt tin liên quan đến công tác phòng, chống khai thác IUU và xác minh các vụ việc tàu cá Việt Nam mất tín hiệu giám sát hành trình (VMS).
Lực lượng Cảnh sát biển triển khai 30 lượt tàu thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát chống khai thác IUU.
Trong khi tuần tra, kiểm soát tại khu vực biển giáp ranh Việt Nam-Thái Lan-Malaysia, Cảnh sát biển Việt Nam đã phát hiện và lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính về IUU 57 vụ/57 tàu cá/57 đối tượng chủ phương tiện, thuyền trưởng với tổng số tiền 696 triệu đồng.
Các lỗi vi phạm chủ yếu của các tàu cá là: thuyền viên không mang theo giấy tờ tùy thân, không có tên trong sổ danh bạ thuyền viên; không thực hiện quy định trong trường hợp thiết bị VMS bị hỏng; không có nhật ký thu mua hải sản đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 24m.
Công tác hợp tác quốc tế cũng được Cảnh sát biển Việt Nam chú trọng thực hiện thông qua việc thường xuyên trao đổi nhằm tiến tới ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Malaysia và Trung tâm Chỉ huy hàng hải Thái Lan; nâng cấp Quy chế hoạt động đường dây nóng với Cảnh sát biển Philippines thành Bản Ghi nhớ hợp tác.
Bên cạnh đó, Cảnh sát biển Việt Nam duy trì đường dây nóng trao đổi thông tin với cơ quan thực thi pháp luật các nước trong khu vực (Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Campuchia…) về tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài và tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam.
Nhờ đó, trong quý 1/2023, tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép đã giảm.
Để duy trì kết quả này tiến tới chấm dứt hoàn toàn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, Cảnh sát sát biển Việt Nam chủ động rà soát, bố trí, sử dụng lực lượng, phương tiện cho phù hợp theo Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 13/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động chống khai thác IUU đến ngày 31/5/2023; chuẩn bị tốt các nội dung liên quan, sẵn sàng phục vụ khi Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4 đến làm việc tại Việt Nam.
Cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với Quân chủng Hải quân khi sử dụng máy bay trinh sát nắm tình hình trên biển, theo dõi, giám sát tàu cá hoạt động khu vực biển giáp ranh Việt Nam-Thái Lan-Malaysia-Indonesia; triển khai lực lượng, phương triện tuần tra kiểm soát chống khai thác IUU khu vực Vịnh Bắc Bộ.
Các đơn vị của Cảnh sát biển Việt Nam theo dõi, nắm chắc tình hình, kịp thời xử lý các tình huống trên thực địa (va chạm, mất an ninh an toàn…); kiên quyết không để lực lượng chức năng nước ngoài truy đuổi, bắt giữ tàu cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam./.
(TTXVN/Vietnam+)