Luật Cảnh sát biển Việt Nam: Bước phát triển về cơ sở pháp lý, có ý nghĩa quan trọng trong thực thi pháp luật trên biển

Nguyễn Hồng Hạnh
Việc xây dựng Luật Cảnh sát biển Việt Nam là một bước cần thiết và quan trọng để thể chế hóa các chủ trương, quan điểm về tăng cường năng lực quốc phòng, an ninh trên biển. Chủ trương lớn nhất và xuyên suốt là quản lý, bảo vệ vững chắc vùng biển Việt Nam nhưng phải giữ gìn môi trường hòa bình ổn định trên cơ sở tôn trọng pháp luật quốc tế.

Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Âu - châu Á, Trung Đông - châu Á. Đây được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới. Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua Biển Đông.

Biển Việt Nam là một bộ phận quan trọng của Biển Đông, bao gồm vùng nội thuỷ, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa (theo quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982).

Biển Đông đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cả trong lịch sử, hiện tại và tương lai. Không chỉ cung cấp nguồn thức ăn cho cư dân ven bờ từ hàng nghìn năm nay, Biển Đông còn tạo điều kiện để phát triển các ngành kinh tế và là cửa ngõ để Việt Nam có quan hệ trực tiếp với các vùng miền của đất nước, giao thương với thị trường khu vực và quốc tế, là nơi trao đổi và hội nhập của nhiều nền văn hoá.

Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam ra đời năm 1998 đã thể hiện rõ chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc quản lý, bảo vệ vững chắc vùng biển Việt Nam. Theo đó, Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm chấp hành pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trên các vùng biển, thềm lục địa của Việt Nam.

Cơ sở pháp lý được lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện là Pháp lệnh 1998.

Đến năm 2008, trên cơ sở của Pháp lệnh 1998 và tình hình thực tiễn, Pháp lệnh 2008 ra đời.

Theo đó, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã thường xuyên sử dụng các chức năng, quyền hạn được quy định trong Pháp lệnh 2008 để đấu tranh, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật trên biển như hành vi: xâm phạm vùng biển Việt Nam; khai thác thủy sản bất hợp pháp; nghiên cứu, thăm dò dầu khí, khoáng sản; buôn lậu, buôn bán, vận chuyển hàng hóa trái phép; buôn lậu ma túy trên biển; trấn áp cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền …

image002-1659329066.jpg
Biên đội tàu tuần tra của lực lượng Cảnh sát biển (Ảnh: canhsatbien.vn)

Thực hiện định hướng của Đảng, Nhà nước, năm 2015, Bộ Quốc phòng đã giao cho Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tổng kết 17 năm thực hiện Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (1998 - 2015) qua đây cho thấy một số quy định của Pháp lệnh hiện hành đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế cần được khắc phục để phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, đảm bảo tính thống nhất với hệ thống pháp luật và tương xứng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam trong

tình hình mới.

Hiện nay, Biển Đông được đánh giá là một trong những vùng biển có nhiều tranh chấp phức tạp nhất thế giới, không chỉ liên quan đến lợi ích của nhiều nước ven Biển Đông, mà còn liên quan đến lợi ích chính trị của nhiều cường quốc hải dương trên thế giới. Tình hình vùng biển Việt Nam diễn biến ngày một khó lường, các tình huống liên quan tới quốc phòng - an ninh trên biển liên tiếp xảy ra, do chiến lược, tham vọng kiểm soát biển của các nướctrong khu vực các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia về ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại; vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn trên biển. Vì vậy, nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam ngày một đa dạng, nặng nề hơn trong giai đoạn hiện nay.

Đối với hợp tác quốc tế, đặc thù hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam mang tính quốc tế cao, có tác động trực tiếp tới hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Hiện nay, đa số các quốc gia lớn trên thế giới như (Mỹ, Nhật, Thụy Điển, Ấn Độ…) đều quy định về lực lượng Cảnh sát biển/lực lượng thực thi pháp luật trên biển của quốc gia mình bằng văn bản luật. Cảnh sát biển Việt Nam đang hoạt động trên cơ sở pháp lý của Pháp lệnh, là văn bản dưới luật, chưa đảm bảo tính tương đồng với thực tiễn lập pháp các nước trên thế giới.

image003-1659329127.jpg
Lực lượng chức năng BTL Vùng Cảnh sát biển 3 kiểm tra hàng hóa vi phạm (Ảnh: canhsatbien.vn)

Với đòi hỏi của thực tiễn, các cơ quan chức năng tiến hành nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam thông qua Thường vụ Quân ủy Trung ương. Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 34/2017/QH14, ngày 08-6-2017; Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1183/QĐ-TTg, ngày 11-8-2017, Bộ Quốc phòng đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục về soạn thảo dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức xin ý kiến các bộ, ngành liên quan và lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Trên cơ sở đó, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã tham mưu, giúp Bộ Quốc phòng hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, gửi Bộ Tư pháp thẩm định và tiếp thu, chỉnh lý, trình Chính phủ, trình Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua.

Việc xây dựng Luật Cảnh sát biển Việt Nam là một bước cần thiết và quan trọng để thể chế hóa các chủ trương, quan điểm về tăng cường năng lực quốc phòng, an ninh trên biển. Chủ trương lớn nhất và xuyên suốt là quản lý, bảo vệ vững chắc vùng biển Việt Nam nhưng phải giữ gìn môi trường hòa bình ổn định trên cơ sở tôn trọng pháp luật quốc tế.

Ngày 19/11/2018, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Đây là dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự phát triển, trưởng thành của Lực lượng Cảnh sát biển, đồng thời là cơ sở pháp lý vững chắc để Lực lượng Cảnh sát biển thực thi pháp luật trên biển, góp phần quản lý, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn trên các vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Luật Cảnh sát biển Việt Nam ra đời là bước phát triển về cơ sở pháp lý, có ý nghĩa rất quan trọng trong thực thi pháp luật trên biển; thể hiện sự tập trung ý chí của Đảng, Nhà nước, nguyện vọng của nhân dân, là tuyên bố mạnh mẽ về quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Luật đã kế thừa, phát triển Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; cập nhật, bổ sung nhiều quy định mới và thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, tư duy chiến lược của Đảng về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, trực tiếp là quản lý, bảo vệ biển, đảo trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thực thi tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Phương Nguyễn