Lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi, chuyên gia chỉ cách tránh ‘sập bẫy’ mất tiền oan

Nguyễn Diệp Linh
Những chiêu thức lừa đảo ngày càng tinh vi như giả danh cô giáo, người thân… khiến không ít người dễ dàng “sập bẫy”. Để tránh bị lừa, mỗi người cần tỉnh táo trước những thông tin bất thường.

Giả làm cô giáo, người thân để lừa đảo

Bằng thủ đoạn giả danh giáo viên, gọi điện thoại thông báo cho phụ huynh về tình trạng nguy kịch của con do tai nạn và đề nghị chuyển khoản gấp để đóng tiền mổ. Chỉ trong 2 ngày nhiều người tại TPHCM đã bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn.

Sáng 6/3, gia đình anh N.Đ.N (ngụ tại quận Tân Bình, có con đang theo học tại trường Quốc tế Canada) vội vã chuyển đến người tự xưng là "thầy giáo" số tiền 200 triệu đồng để thầy đóng tiền phẫu thuật gấp cho con vì nhận được tin bé bị chấn thương sọ não phải nhập viện Chợ Rẫy cấp cứu. Tuy nhiên, khi đến bệnh viện anh mới biết mình đã bị lừa.

Lừa đảo trực tuyến gia tăng, làm gì để phòng tránh? - Ảnh 2.

Tỉnh táo trước những thông tin bất ngờ là điều cần thiết để tránh bị lừa đảo trực tuyến.

Một trường hợp khác bị lừa 50 triệu đồng là gia đình chị N.T.P (ngụ tại quận Tân Phú, TPHCM). Trao đổi với phóng viên, chị P. cho biết: "Đối tượng lừa đảo đã gọi điện cho bà ngoại của con tôi và xưng là thầy giáo dạy tại trường Hoàng Diệu, quận Tân Phú. "Thầy giáo" nói bé bị té chấn thương sọ não, đang nguy kịch tính mạng cấp cứu tại Chợ Rẫy và yêu cầu bà chuyển 50 triệu đồng để thầy đóng viện phí cho bé. Sẵn tiền trong tài khoản bà ngoại đã chuyển luôn để cứu cháu".

Trước tình trạng này, đồng loạt các trường học đã cảnh báo chiêu thức lừa đảo đến phụ huynh để đề cao cảnh giác, tránh mất tiền oan cho những kẻ lừa đảo.

Nắm bắt được tâm lý người dùng mạng xã hội hiện nay đã cảnh giác với chiêu trò lừa đảo bằng tin nhắn nhờ chuyển tiền, các đối tượng đã sử dụng chiêu lừa đảo tinh vi hơn để vay tiền thông qua hình thức giả cuộc gọi video.

Hình thức lừa đảo bằng Deepfake để giả giọng, mặt người thân gần đây cũng được các đối tượng liên tục áp dụng. Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là lấy những video cũ của người dùng, cắt ghép hoặc dùng công nghệ deepfake để khi thực hiện hành vi lừa đảo sẽ phát lại video dưới hình thức mờ ảo, chập chờn như đang ở nơi sóng yếu.

Trường hợp chị V.T.M, (26 tuổi, đang sinh sống tại Long Biên - Hà Nội) nhận được tin nhắn mượn tiền từ tài khoản Facebook của một người thân bên nước ngoài nhắn đến Facebook với nội dung nhờ chuyển tiền vào một số tài khoản 75 triệu đồng. Lúc này, chị M nghĩ đây là người thân trong nhà nên không chần chừ chuyển tiền. Đến tối, thấy trên trang cá nhân của người thân đăng bài thông báo việc bị kẻ gian hack nick facebook để hỏi vay tiền một số bạn bè và người thân. Chị M gọi điện lại cho bạn thì bạn mình xác nhận đấy chính là kẻ xấu lừa đảo.

Cơ quan chức năng đã nhiều lần có những cảnh báo với người dân về các thủ đoạn lừa đảo này, song số nạn nhân mắc bẫy các chiêu thức lừa này vẫn cứ gia tăng.

Làm gì tránh bị lừa đảo?

Công an các địa phương liên tục đưa ra những khuyến cáo với người dân, khi nhận bất kỳ tin nhắn vay mượn tiền thông qua mạng xã hội, người dân cần điện thoại trực tiếp cho người thân để xác minh. Trường hợp nghi vấn đối tượng giả mạo người thân trên mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ, xử lý kịp thời.

Ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần An toàn thông tin CyRadar cho biết, người dùng nên cẩn thận và tuyệt đối không để lộ các thông tin cá nhân quan trọng như ảnh chụp chứng minh thư, căn cước công dân, mật khẩu tài khoản trực tuyến/ngân hàng.

Khi chúng ta tiếp nhận bất cứ thông tin nào qua chat hay qua email thì chúng ta phải kiểm chứng lại xem cái đường link đấy họ gửi với ý đồ là gì? Trong quá trình sử dụng, thì người sử dụng cũng cần trang bị cho mình phần mềm phòng chống virus sẽ giúp chúng ta ngăn chặn tải các virus độc hại, vào các website độc hại, để tránh nguy cơ mất thông tin.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, người sử dụng có thể tự tra cứu thông tin về các trang web được gửi trong đường link đính kèm theo tin nhắn trên các mạng xã hội, hoặc tin nhắn sms, để tránh bị gặp phải những trang web mạo danh, lừa đảo. Cụ thể, người sử dụng có thể kiểm chứng thông tin thông qua trang web tinnhiemmang.vn. Người sử dụng có thể tham khảo các thông tin hướng dẫn trên trang web này, để nhận biết chi tiết về các dấu hiệu lừa đảo trên môi trường mạng hoặc gửi phản ánh về những nghi ngờ khi gặp phải các trang web có dấu hiệu lừa đảo.

Đưa ra khuyến cáo, trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học Bộ Công an, nhấn mạnh người sử dụng Internet cần chú ý đọc các thông báo phòng ngừa của cơ quan chức năng về các thủ đoạn lừa đảo đang diễn ra. Tuyệt đối không cung cấp thông tin ngân hàng điện tử như tên đăng nhập, mật khẩu hay mã OTP hoặc truy cập vào đường link lạ trong tin nhắn, thư điện tử (email).

Chủ tài khoản cần thường xuyên thay đổi mật khẩu đăng nhập ứng dụng Internet banking, smartbanking để tăng mức độ bảo mật thông tin cá nhân. Ngoài ra, khi phát hiện nghi vấn cần thông báo ngay đến số điện thoại chăm sóc khách hàng của ngân hàng để được hướng dẫn, ngăn chặn việc chuyển tiền.

Khi nghe các cuộc gọi của người lạ hỏi về thông tin cá nhân hay ngân hàng hoặc nhận được tin nhắn nghi vấn, người dân cần từ chối tiết lộ thông tin hoặc trình báo cơ quan công an nơi gần nhất.

Theo ghi nhận từ cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam (tại địa chỉ canhbao.khonggianmang.vn), năm 2022 đã ghi nhận hơn 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến, với 2 loại hình lừa đảo chính: lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân (chiếm 24.4%) và lừa đảo tài chính (chiếm 75,6%). Việc lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân cũng là bước đệm để tiếp nối cho việc lên kịch bản thực hiện lừa đảo tài chính.

Theo Sức khỏe Đời sống