Nặng lòng với trẻ nghèo khó
Cơn mưa chiều khiến một số đoạn đường dẫn vào lớp học tình thương của Phật đường Pháp Tuyền trở nên khó đi hơn vì những “ổ voi”, “ổ gà”. Khó khăn này không thể ngăn được bước chân của các em nhỏ đến với lớp học. Một số em phải tự đạp xe hoặc đi bộ để đến lớp vì bố mẹ bận tăng ca, không có thời gian đưa đón.
Trảng Dài là “siêu phường” với khoảng 120 ngàn dân, trong đó nhiều gia đình từ miền Trung, miền Tây Nam bộ đến đây ở trọ để đi làm thuê, làm mướn. Họ dẫn theo cả con cái đi cùng. Nghỉ hè, nhiều trẻ em phải ở trong những phòng trọ chật chội, nóng nực, không có chỗ vui chơi. Một số em phải theo chân cha mẹ đến nơi làm việc, đợi khi nào hết giờ làm thì theo cha mẹ về nhà.
“Những hình ảnh đó thôi thúc tôi mở lớp học tình thương để các em vừa được học tập, vừa có điều kiện gặp gỡ bạn bè để vui chơi” - đại đức Thích An Thuận chia sẻ.
Mùa hè năm 2019, lớp học tình thương bắt đầu mở nhưng chỉ hoạt động trong vài tháng thì buộc phải ngưng vì đại dịch Covid-19. Đến hè 2022, tình hình dịch bệnh đã ổn định, lớp học mở cửa trở lại.
Em Võ Quỳnh Anh (10 tuổi, ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho biết: “Em rất vui khi học ở lớp học tình thương. Thầy cô ở đây rất nhiệt tình, dạy bài dễ hiểu. Đặc biệt, em rất thích học môn Tiếng Anh vì các cô đã dạy cho kỹ năng nói chuyện trước đám đông. Em mong lớp học duy trì ổn định để chúng em tiếp tục được học nhiều kiến thức bổ ích”.
Đại đức Thích An Thuận chia sẻ thông tin về việc “khai trương” lớp học tình thương trên trang Facebook, Zalo cá nhân và nhận được sự đồng tình ủng hộ của rất nhiều người. Trong đó, hơn 20 cán bộ, công chức, cựu cán bộ Đoàn, giáo viên, giảng viên (hiện đang sinh sống và làm việc tại TP.Biên Hòa) tham gia làm tình nguyện viên.
“Hơn 10 thành viên nằm trong Ban tổ chức tự nguyện trích một phần tiền lương ra để đóng góp mua sách, vở, dụng cụ học tập, bánh kẹo… nhằm hỗ trợ cho học sinh khi đến với lớp học. Còn hơn 10 thành viên khác thì tham gia vào nhóm giáo viên dạy học miễn phí cho các em” - đại đức Thích An Thuận bộc bạch.
Lớp học tình thương được tổ chức bài bản với đội ngũ giáo viên tâm huyết, tận tụy. Tiếng lành đồn xa, nhiều phụ huynh biết và đưa con em đến với lớp học ngày càng đông. Hiện có trên 40 em (từ mầm non cho đến lớp 7) đang theo học tại đây.
Đại đức Thích An Thuận cho hay, lớp học diễn ra chiều tối mỗi ngày trong tuần. Cụ thể, thứ 2, 4 và 6, các thầy cô bên Trung tâm ngoại ngữ The Bear Kids (thuộc P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) phụ trách dạy tiếng Anh; còn thứ 3, 5 và 7, các thầy cô sẽ dạy môn Toán cho các em. Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn mở riêng lớp tập đọc, luyện chữ cho các em nhỏ từ mẫu giáo đến lớp 1. Riêng ngày chủ nhật, các em được các cựu cán bộ Đoàn tổ chức trò chơi và dạy về kỹ năng sống.
Để tạo hứng thú cho các em đến lớp, đại đức Thích An Thuận đã có nhiều chương trình “ưu đãi” cho các em. Chẳng hạn, trong lúc học, em nào chăm chỉ và siêng năng phát biểu thì Ban tổ chức sẽ thưởng viết, vở. Ngày cuối tuần, các em còn được ăn kẹo bánh, tham gia các trò chơi, ca hát và lồng ghép bài học về đạo đức, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông… Nhờ vậy, các em cảm thấy thích thú khi đến với lớp học này.
Nghĩa cử cao đẹp
Ngồi chờ ở bên ngoài để đến giờ đón con trai 7 tuổi, anh Nguyễn Văn Hân (quê tỉnh Hậu Giang) chia sẻ, cuộc sống ở quê quá khó khăn nên 4 năm trước anh dẫn vợ con lên Đồng Nai tìm việc. Anh thuê phòng trọ tại KP.4B, P.Trảng Dài ở để đi làm thợ hồ, còn vợ theo anh phụ việc.
Công việc có thường xuyên thì thu nhập của 2 vợ chồng mới đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 xảy ra liên tiếp trong 2 năm 2020-2021, khiến vợ chồng anh Hân thất nghiệp, cuộc sống khó khăn.
“Đáng lẽ con trai tôi đã lên lớp 1 từ hè năm ngoái, nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên con đã chậm 1 năm. Nghe tin tại Phật đường Pháp Tuyền có lớp học tình thương không mất tiền, chúng tôi mới cho con đến đây để con nắm những kiến thúc căn bản mà theo kịp bạn bè” - anh Hân tâm sự.
Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền (công tác tại Trung tâm Ngoại ngữ The Bear Kids) là một trong những tình nguyện viên dạy môn Tiếng Anh tại lớp học tình thương từ đầu mùa hè đến nay. Chị Tuyền chia sẻ, thời gian đầu, một số em còn rất nhút nhát, không dám đứng lên phát biểu. Tuy nhiên, với kinh nghiệm nhiều năm đứng lớp, chị đã giúp cho bé tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh trước đám đông.
Chị Tuyền cho biết: “Trước khi vào tiết học, tôi sẽ dùng cách tương tác bằng tiếng Anh, tổ chức các hoạt động thông qua bài hát để kéo khoảng cách giữa cô và trò lại gần hơn. Tôi còn kèm theo những trò chơi lồng ghép vào bài học hay giới thiệu những hình ảnh và mời các em lên thuyết trình bằng tiếng Anh. Nhờ đó, các em trở nên dạn dĩ và có kỹ năng thuyết trình tiếng Anh ngày càng tốt hơn”.
Chị Bùi Thị Hạ Phi (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cũng tham gia giảng dạy từ những ngày đầu mở lớp. Ngoài làm công việc văn phòng, chị còn nhận dạy kèm nên cũng có nhiều kinh nghiệm về nghiệp vụ sư phạm. Tham gia lớp học tình thương, chị nhận dạy môn Toán và luyện chữ, tập đọc cho các em.
Chị Phi cho hay, vì cuộc sống mưu sinh nên nhiều cha mẹ có phần lơ là, chưa quan tâm việc học tập của con. Nhiều em đến đây học rất chậm, thậm chí có em không theo kịp chương trình. Do vậy, chị phải dành nhiều thời gian để giúp các em nắm vững kiến thức.
“Tôi tham gia dạy học cũng xuất phát từ tình thương dành cho trẻ, muốn giúp đỡ cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Công việc nhiều lúc cũng mệt nhưng tôi vẫn cảm thấy vui vì mình đã làm điều có ích cho xã hội” - chị Phi tâm sự.
Đại đức Thích An Thuận vui mừng chia sẻ, sau gần 1 tháng đưa lớp học tình thương đi vào hoạt động, nhiều phụ huynh đã gọi điện đến để nói lời cảm ơn, vì con cháu của họ đã có nhiều thay đổi tiến bộ.
“Phụ huynh khoe rằng con của mình đã học được đức tính lễ phép, biết chào hỏi và nói lời cảm ơn khi được giúp đỡ. Ngoài ra, các bé ở nhà còn thường tập luyện nói tiếng Anh… Khi nghe những điều chia sẻ từ phía phụ huynh, mọi mệt nhọc, lo lắng trong tôi đều tan biến, thay vào đó là niềm vui, hạnh phúc. Niềm vui đó cũng thôi thúc tôi sẽ cố gắng duy trì lớp học dù có khó khăn” - đại đức Thích An Thuận bộc bạch.
Để lớp học tình thương duy trình hoạt động lâu dài, ổn định, đại đức Thích An Thuận mong muốn các phụ huynh cùng phối hợp để đưa con em đến lớp đều đặn. Dù trời mưa thì phụ huynh cũng phải cố gắng cho con đi học đầy đủ, giúp các em theo học chương trình liền mạch, hiệu quả.
Gần 10 năm nay, đại đức Thích An Thuận còn là người làm công tác thiện nguyện. Ông thường phối hợp với các cấp Hội Chữ thập đỏ Đồng Nai đi thăm và tặng quà cho người nghèo, những hoàn cảnh bất hạnh ở trên địa bàn tỉnh nói riêng, cả nước nói chung.