Lớp học đặc biệt dưới ánh đèn pin đội đầu

Nguyễn Thị Hải Hà
Thứ Sáu hàng tuần, hàng chục người dân người H'Mông ở vùng lõi rừng phòng hộ xã Đắk R’Măng, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) đội đèn pin đi tham gia lớp học xóa mù chữ.

Lớp học xóa mù chữ này được tổ chức ở điểm Trường Tiểu học La Văn Cầu, cũng do chính giáo viên trường trực tiếp giảng dạy.

den-1664153580.jpg

Nhiều người đi học lớp xóa mù chữ. Ảnh: TNT

den12-1664153603.jpg

Người dân bật đèn pin tập viết chữ cái. Ảnh: TNT

Gieo con chữ từ ánh đèn pin

Trời vừa tối nhá nhem, chị Thào Thị Pàng (32 tuổi, ngụ cụm dân cư số 8, xã Đắk R’Măng) chuẩn bị đồ dùng để đi học lớp. Đó là lớp học xóa mù chữ do giáo viên Trường Tiểu học La Văn Cầu giảng dạy. “Chúng tôi đều là cư dân di cư tự do đến từ các tỉnh phía Bắc. Gần đây, Trường Tiểu học La Văn Cầu cử giáo viên mở lớp xóa mù chữ, người dân rất vui và nhiều người đến lớp tham dự lớp học” - chị Pàng mở đầu câu chuyện.

Chị Pàng vừa bước ra đường, từ xa xuất hiện nhiều ánh đèn nhỏ, rồi vụt tắt trong đêm như đom đóm. Đó là những người bạn đồng hành của chị cũng đến lớp học xóa mù chữ. Mất vài phút di chuyển, những “học sinh đặc biệt” này cũng đã đến nơi.

Tại đây, hai giáo viên đã chờ sẵn. Thầy Phạm Trung Hiếu, giáo viên Trường Tiểu học La Văn Cầu, kể cứ đến chiều thứ Sáu thầy cùng một số giáo viên nhà trường vượt hàng chục cây số đến điểm trường ở cụm dân cư số 8 để đứng lớp xóa mù chữ. “Ban đầu, lớp học có ít người tham gia, sau này số lượng đến ngày càng đông với gần 50 học viên đến từ các cụm dân cư số 8, 9, 11, 12 của xã Đắk R’Măng. Lớp học không còn chỗ trống. Chúng tôi ngỡ ngàng về tinh thần hiếu học của người dân ở đây” - thầy Hiếu kể.

Khoảng 19 giờ, từng tốp người đủ mọi lứa tuổi bắt đầu vào lớp nghe thầy cô giảng bài. Không có đèn điện, ánh sáng được lấy nhờ từ những chiếc đèn pin đội đầu mà các học viên mang theo để đi học. Màn đêm tĩnh mịch bỗng rộn rã tiếng học viên đánh vần.

“Lớp học không còn chỗ trống. Chúng tôi ngỡ ngàng về tinh thần hiếu học của người dân ở đây”.

Trời mưa là không có điện để dùng

Vừa bắt đầu học được hơn 1 tiếng, lớp học bỗng lao xao vì ánh đèn pin của một số học viên bắt đầu mờ dần. Chị Giàng Thị Sơ (26 tuổi, trú cụm dân cư số 12) tâm sự, nơi gia đình chị đang sinh sống không có điện lưới. Chỉ gia đình nào có điều kiện bỏ tiền mua tấm pin mặt trời áp mái nhà thì mới có đèn điện thắp sáng.

“Mấy hôm nay mưa suốt nên mấy tấm pin năng lượng mặt trời áp mái nhà không tích điện được, không sạc “no” đèn pin. Vì yêu con chữ, muốn học để đọc, viết thành thạo… người dân chúng tôi sẵn sàng vượt hàng chục kilomet, đội đèn pin để theo học lớp xóa mù chữ” - chị Giàng Thị Sơ chia sẻ.

Không chỉ ở cụm dân cư số 12, những cụm dân cư còn lại cũng đều không có điện thắp sáng. Anh Giàng Seo Dính (ngụ cụm dân cư số 9, cũng là học viên đi học lớp xóa mù chữ) cho biết mong muốn của anh mỗi lần đến lớp sẽ có điện thắp sáng, thực hiện ước nguyện của mình là biết chữ và có thể tự viết được tên mình.

“Ước mơ có điện thắp sáng, không biết đến khi nào trở thành hiện thực. Trước mắt, chúng tôi mong muốn có vài tấm pin năng lượng mặt trời áp mái nhà. Ban ngày, dùng năng lượng cho các cháu học, sinh hoạt. Đêm về phục vụ chiếu sáng cho người dân đến lớp học để xóa mù chữ. Có ánh đèn, không những bà con có thêm động lực đến lớp mà thầy cô giáo cũng đỡ vất vả hơn” - anh Giàng Seo Dính chia sẻ.

Thầy Hà Hữu Phong, Hiệu trưởng Trường Tiểu học La Văn Cầu, cho biết hiện tại điểm trường cụm dân cư số 8 có bốn lớp tiểu học và một lớp xóa mù chữ. “Không chỉ các lớp học thiếu ánh đèn điện mà ngay cả bốn thầy cô giáo đứng lớp, đang ở nội trú tại trường cũng phải sử dụng đèn pin, đèn dầu trong sinh hoạt hằng ngày. Dù vậy, giáo viên vẫn kiên trì giảng dạy duy trì các lớp học. Điều này góp phần không nhỏ vào công tác phổ cập giáo dục cho người dân địa phương” - thầy Phong nói.

Để dân sống tập trung rồi mới kéo điện

Ngoài cụm dân cư số 8, những cụm dân cư còn lại số 9, 11 và 12 của xã Đắk R’Măng nằm trong vùng rừng phòng hộ, thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Đắk R’Măng nên việc kéo điện cho người dân ở những khu vực này là không khả thi.

Có hơn 400 hộ dân đang sinh sống ở các cụm dân cư này. Sở NN&PTNT tỉnh đang lập đề án di dân tự do, để sau này vận động, dồn dân về sinh sống tập trung tại cụm dân cư số 8 (ngoài vùng rừng phòng hộ). Sau khi dự án này hoàn thiện, điện thắp sáng sẽ kéo về phục vụ bà con.

Ông ĐOÀN VĂN PHƯƠNG, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong