Lợi ích kép từ chương trình phẫu thuật miễn phí cho trẻ khuyết tật

Nguyễn Diệp Linh
rong 7 năm qua, chương trình phẫu thuật miễn phí cho trẻ mắc các dạng tật, khuyết tật bẩm sinh trên địa bàn tỉnh đã mang lại lợi ích kép đó là tạo điều kiện cho trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận dịch vụ y tế, điều trị để hòa nhập cộng đồng và là cơ hội để các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh được trao đổi chuyên môn, tiếp nhận kỹ thuật từ các bác sĩ tuyến trung ương.

Các bác sĩ tuyến trung ương và bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn phẫu thuật cho trẻ mắc dị tật, khuyết tật bẩm sinh trên địa bàn tỉnhCác bác sĩ tuyến trung ương và bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn phẫu thuật cho trẻ mắc dị tật, khuyết tật bẩm sinh trên địa bàn tỉnh

Trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn trên 29.000 trẻ em sống trong các hộ nghèo, cận nghèo, trong đó hơn 1.900 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mắc dị tật, khuyết tật bẩm sinh không có điều kiện phẫu thuật phục hồi chức năng. Chương trình phẫu thuật miễn phí cho trẻ có dị tật bẩm sinh, khuyết tật trên địa bàn tỉnh đã mang đến cơ hội để trẻ khuyết tật được phẫu thuật miễn phí, hòa nhập cộng đồng.

Cơ hội cho trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng

Cháu Chu Mạnh Hải, 4 tuổi, xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng bị sụp mí mắt bẩm sinh nên gặp nhiều khó khăn trong quan sát, sinh hoạt hằng ngày. Chị Nông Thị Chi Mai, mẹ cháu Hải cho biết: Khi gia đình phát hiện cháu bị sụp mí mắt, từ lúc cháu được 6 tháng tuổi, tôi đã cho cháu đi khám ở Bệnh viện Mắt Trung ương và Bệnh viện 108 (Hà Nội) nhưng hồi ấy cháu bé quá nên chưa phẫu thuật được. Rất may có chương trình này nên gia đình đã đưa cháu đi khám sàng lọc và được chỉ định phẫu thuật, tôi mong cháu khỏe mạnh và phát triển như những bạn nhỏ cùng lứa để con đến trường đi học bình thường.

Trong những năm qua, việc bị hở hàm ếch bẩm sinh đã khiến cho cháu Nông Như Quỳnh, lớp 2 Trường Tiểu học Khánh Hòa, xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định nói chuyện khó khăn, ảnh hưởng đến việc học của cháu. Bà Lục Thị Bàng, bà của cháu Quỳnh chia sẻ: Bố mẹ cháu làm nông nghiệp, kinh tế eo hẹp, khó khăn nhưng cũng đã đưa cháu đi phẫu thuật nhiều lần tại Hà Nội song chưa được hoàn thiện. Nay có chương trình phẫu thuật miễn phí tại tỉnh sẽ tạo điều kiện cho gia đình đưa cháu đi phẫu thuật, điều trị thuận lợi hơn.

Cháu Hải và cháu Quỳnh nói trên là 2 trong số 143 trẻ được đội ngũ y, bác sĩ khám sàng lọc đợt tháng 7/2023 theo chương trình phẫu thuật miễn phí cho trẻ em khuyết tật của tỉnh Lạng Sơn. Năm nay là năm thứ 7 chương trình này được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) phối hợp tổ chức với sự hỗ trợ kinh phí của Tổ chức Phẫu thuật trẻ em Việt Nam và các tập thể, cá nhân hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Theo thống kê của Sở LĐTB&XH, từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh có hơn 5.000 trẻ mắc các dạng dị tật bẩm sinh, khuyết tật được khám sàng lọc, qua đó trên 800 trẻ được phẫu thuật miễn phí thành công tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh với tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 1 tỷ đồng. Các em chủ yếu được hỗ trợ phẫu thuật ở các dạng khuyết tật hệ vận động, khuyết tật nhìn, hệ thống tiết niệu, chỉnh hình…

Trong đợt tháng 7/2023, Sở LĐTB&XH, Trung tâm Hỗ trợ trẻ em khuyết tật đã phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ cho 143 em khám sàng lọc và qua sàng lọc có 81 trẻ khuyết tật được phẫu thuật miễn phí.

Ông Đàm Văn Chính, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh cho biết: Thực hiện Kế hoạch số 28/KH-UBND ngày 30/1/2019 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng giai đoạn 2020 – 2025, sở đã ban hành kế hoạch thực hiện theo từng năm trên địa bàn tỉnh. Trong 7 năm qua, Sở LĐTB&XH, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ trẻ em khuyết tật tổ chức khám sàng lọc tại các huyện, thành phố để phát hiện các dị tật, khuyết tật bẩm sinh của trẻ, hội chẩn đề nghị phẫu thuật miễn phí. Qua đó, tạo cơ hội cho trẻ được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hòa nhập cộng đồng.

“Chương trình này không chỉ phẫu thuật miễn phí cho trẻ khuyết tật mà còn giúp đào tạo phẫu thuật viên cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tuy nhiên, theo thông tin từ nhà tài trợ, đây cũng là năm cuối cùng Tổ chức Phẫu thuật trẻ em Việt Nam tài trợ kinh phí cho chương trình này. Vì vậy, để chương trình tiếp tục được kéo dài, hiện chúng tôi đã và đang liên hệ với những tổ chức tài trợ khác, những tập thể, cá nhân hảo tâm trong và ngoài nước để có thể duy trì chương trình ý nghĩa, nhân văn này cho trẻ em khuyết tật trong cả nước nói chung, trẻ khuyết tật của tỉnh Lạng Sơn nói riêng”.

“Chương trình này không chỉ phẫu thuật miễn phí cho trẻ khuyết tật mà còn giúp đào tạo phẫu thuật viên cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tuy nhiên, theo thông tin từ nhà tài trợ, đây cũng là năm cuối cùng Tổ chức Phẫu thuật trẻ em Việt Nam tài trợ kinh phí cho chương trình này. Vì vậy, để chương trình tiếp tục được kéo dài, hiện chúng tôi đã và đang liên hệ với những tổ chức tài trợ khác, những tập thể, cá nhân hảo tâm trong và ngoài nước để có thể duy trì chương trình ý nghĩa, nhân văn này cho trẻ em khuyết tật trong cả nước nói chung, trẻ khuyết tật của tỉnh Lạng Sơn nói riêng” - Ông Đồng Văn An, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ trẻ em khuyết tật, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam

Làm chủ 70% kỹ thuật y tế

Không chỉ giúp trẻ khuyết tật trên địa bàn có cơ hội được phẫu thuật, đây còn là cơ hội để các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh nâng cao năng lực chuyên môn, tiếp nhận kỹ thuật chuyển giao từ các chuyên gia giàu kinh nghiệm tuyến trung ương. Hướng tới mục tiêu là trẻ khuyết tật trên địa bàn tỉnh được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng; trẻ bị mắc các dạng dị tật bẩm sinh, khuyết tật sẽ được phẫu thuật, điều trị từ các y, bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Bác sĩ Hoàng Mạnh Cương, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cho biết: Qua 7 năm triển khai chương trình, đến nay, 12 bác sĩ thuộc các chuyên khoa : mắt, răng – hàm – mặt, tai – mũi – họng, chấn thương – chỉnh hình – bỏng, ngoại thận – tiết niệu đã làm chủ được 70% kỹ thuật y tế trong thực hiện phẫu thuật các loại dị tật cho trẻ em và độc lập xử lý được một số dị tật, khuyết tật để các cháu không phải chuyển đến các bệnh viện tuyến trung ương.

Lần đầu tiên tham gia cùng đoàn bác sĩ trung ương đến với chương trình phẫu thuật miễn phí cho trẻ khuyết tật tỉnh Lạng Sơn, bác sĩ Đào Thị Mai Anh, Khoa Mắt trẻ em, Bệnh viện Mắt Trung ương chia sẻ: Được tham gia trực tiếp khám sàng lọc, phẫu thuật cho các em mắc các dị tật, bệnh về mắt, tôi hy vọng bản thân và đồng nghiệp trong đoàn có thể góp một phần nào đó giúp cải thiện sức khỏe của trẻ, nâng sự hiểu biết của bệnh nhân, người nhà về tình trạng bệnh tật của con em mình để có thể tiếp cận các dịch vụ y tế được tốt hơn. Đây cũng là dịp để bác sĩ tuyến trên như chúng tôi chuyển giao một số kỹ thuật trong phẫu thuật, điều trị cho đồng nghiệp ở tuyến tỉnh. Qua đó, giúp các đồng nghiệp làm chủ kỹ thuật y tế, đáp ứng yêu cầu trong điều trị, phẫu thuật tại tỉnh, giảm tải cho bệnh viện tuyến trung ương.

Chương trình phẫu thuật miễn phí cho trẻ em mắc các dạng dị tật bẩm sinh, khuyết tật là chương trình có ý nghĩa nhân văn, thể hiện sự quan tâm của xã hội đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng cao. Từ chương trình đã có nhiều “phép màu” đến với trẻ khuyết tật của tỉnh, góp phần mang lại nụ cười hạnh phúc, sự tự tin cho trẻ em không may bị khiếm khuyết để các em trở lại sinh hoạt bình thường, có cơ hội học tập, vui chơi như các bạn cùng trang lứa, giúp các em có một tương lai tươi sáng hơn.

Chương trình phẫu thuật cho trẻ em mắc các dị tật bẩm sinh, khuyết tật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng giai đoạn 2019 – 2025. Mục tiêu của đề án đến năm 2025, trẻ em khuyết tật trên địa bàn tỉnh được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng để được hòa nhập cộng đồng và có cơ hội thực hiện đầy đủ các quyền của trẻ em khuyết tật. Cụ thể, trong giai đoạn 2019 – 2020, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai thực hiện đạt 70% trẻ em khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; trong giai đoạn 2021 – 2025 tỉnh tiếp tục phấn đấu 80% trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng.

THANH HUYỀN