Loay hoay đầu ra cho cá chép giòn

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Cá chép giòn thời hoàng kim có giá lên tới 200.000 đồng/kg đã giúp nhiều nông dân ven sông Kinh Thầy, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương trở thành tỷ phủ. Tuy nhiên do phát triển nhanh, nóng, không có quy hoạch định hướng cho sản phẩm nên đầu ra cho cá giòn đang là bài toán còn bỏ ngỏ.

Vang bóng một thời

Ven sông Kinh Thầy đoạn qua xã Nam Tân, Nam Hưng, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương là nơi nuôi cá chép giòn nhiều nhất của khu vực phía Bắc cũng như cả nước. Những lồng nuôi cá được đặt xuống sông Kinh Thầy 10 năm trước đến nay đã giúp nhiều nông dân thoát nghèo thành tỉ phú. Từ vài chục lồng cá trên sông năm 2009, 10 năm sau số lượng đã tăng nóng lên 2.000 lồng, trở thành thủ phủ cá trắm giòn, chép giòn.

Khu vực sông Kinh Thầy gồm các xã An Bình, Nam Tân, Nam Hưng đã được người dân khai thác nuôi thả cá lồng mang lại kinh tế phát triển ổn định. Người đầu tiên đưa cá lồng về dòng sông Kinh Thầy là anh Trần Văn Thiện, xã Nam Tân. Các loại cá được nuôi chủ yếu là cá diêu hồng, cá lăng.. Một số hộ nuôi cá với số lượng lớn trong xã Nam Tân như: ông Nguyễn Trung Tựu, anh Nguyễn Thế Phước, Trần Văn Tín…

ca_gion
Nuôi cá giòn đã giúp người dân xã Nam Tân thành tỷ phú

Nuôi cá giống đến khi xuất bán trung bình mất 3 năm và cũng tùy từng loại cá. Cá muốn giòn ngon sau khi nuôi to được người dân ở đây cho ăn đậu tằm khoảng 6 – 7 tháng, thịt cá sẽ trở nên giòn sần sật. Thời gian ăn đậu tằm cá sẽ không tăng trọng lượng mà chỉ tăng chất lượng. Để khai thác hiệu quả kinh tế tối đa và quay vòng vốn, các lồng cá ở đây thường đan xen các vụ thu hoạch trong năm để không bị mất giá và lúc nào cũng có cá cung ứng cho thị trường.

Nuôi thả với số lượng lớn, hiệu quả kinh tế cao nên những hộ dân ở đây đã mời giáo sư, Thạc sĩ chuyên ngành về hướng dẫn kĩ thuật. Riêng Thạc sĩ Bùi Minh Khuê có hẳn một đề tài khoa học về cá chép giòn tại Nam Tân.

Người người nuôi cá, nhà nhà nuôi cá, cả làng, cả xã đều có công ăn việc làm từ nghề nuôi cá. Kinh tế nông – ngư nghiệp Nam Tân, Nam Hưng chưa bao giờ sôi động như thế. Thương lái mua bán cá giống, cá thành phẩm ra vào xã tấp nập, các công ty cung cấp thức ăn có thị trường ổn định, bền vững, ngân hàng thêm đối tác. Nông dân ngoài việc nuôi cá thì còn tiếp các đoàn thể đến thăm quan, học hỏi mô hình nuôi cá… Họ chưa bao giờ phải lo nghĩ đầu ra cho sản phẩm vì đã có các thương lái đang xếp hàng để được mua cá phân phối ra thị trường. Tuy nhiên đó là câu chuyện của vài năm về trước. Còn hiện tại họ đang phải loay hoay tìm đầu ra cho con cá cưng một thời.

Đến ước mơ không lỗ vốn

Năm 2016 để giảm thiểu chi phí anh Nguyễn Thế Phước là nông dân đầu tiên của xã Nam Tân tự nhập đậu tằm từ Úc về để nuôi cá. Đồng thời để giảm thiểu tối đa rủi ro, anh Phước cũng tự gột cá giống từ lúc sinh sản đến khi cá thành phẩm xuất ra thị trường. Trước kia khi đầu vào cá giòn mua cá về cá đã to 2-3kg/con nhưng do vận chuyển xa, thay đổi môi trường nước, thổ nhưỡng, khí hậu nhiều khi cá bị ngạt khí chết, xuất hiện dịch bệnh nên anh Phước đã xây dựng mô hình nuôi cá liên hoàn từ khâu cá giống.

81339779_1651556938318093_7980431440812703744_n
Nhân viên hệ thống siêu thị Vinmart cùng anh Nguyễn Thế Phước kiểm tra thức ăn cho cá

Anh Nguyễn Thế Phước vui mừng chia sẻ: “Hiện tại siêu thị Vinmart đã hoàn thiện những thủ tục cuối cùng để đưa cá giòn của gia đình anh vào hệ thống siêu thị tiêu thụ. Mặc dù các tiêu chuẩn về quy trình nuôi, chất lượng cá hết sức khắt khe”.

Bên cạnh đó ông Nguyễn Trung Tựu ở xã Nam Tân, huyện Nam Sách trở thành người tiên phong trong việc xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn đi kèm dán nhãn hàng hóa quét bằng mã QR code.

Để các sản phẩm nông - ngư nghiệp phát triển ổn định, bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế việc liên kết đang là một xu hướng tất yếu của nền nông nghiệp hiện nay. Sản xuất phải gắn kết với thị trường, có sự giám sát đầy đủ của cơ quan chức năng ở các công đoạn mới giúp nâng cao giá trị sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Câu chuyện con cá giòn là một trong những minh chứng. Mặc dù còn rất ít hợp đồng ký liên kết bốn nhà giữa nhà khoa học - nhà nông - nhà doanh nghiệp và Nhà nước nhưng đây là một thực tế đòi hỏi cần được các cơ quan chức năng quan tâm, tạo điều kiện và có một cơ chế, chế tài giúp nông dân an tâm sản xuất.

Tết Nguyên đán đang cận kề, cũng là thời điểm được nông dân nuôi cá giòn ở Hải Dương mong đợi nhất vì đây là thời điểm lượng cá xuất ra lớn nhất trong năm. Một nông dân nuôi cá tại đây trăn trở: “Hiện tại trên thị trường giá thịt lợn tăng, giá thực phẩm đều tăng chóng mặt tuy nhiên giá cá giòn chúng tôi bán ra không hề tăng. Chỉ khoảng 100.000 đồng/kg. Với giá bán này, sau khi trừ các chi phí, không lỗ vốn là may lắm rồi”.

Nếu doanh nghiệp hỗ trợ nông dân, liên kết giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm sẽ là mắt xích quan trọng thúc đẩy sản xuất nông ngư nghiệp phát triển. Tránh được điệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa. Để nông dân có thể an tâm sản xuất, để họ thấy họ không đơn độc khi những sản phẩm chất lượng họ làm ra được nhà nước và doanh nghiệp quan tâm.

B.Tuấn