Chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT) sáng 4/11, đại biểu Lý Văn Huấn (đoàn Thái Nguyên) đặt vấn đề tình trạng chảy máu chất xám khi những nhân tài lập trình, quản trị vì nhiều lý do, trong đó có lý do thu nhập, các doanh nghiệp nước ngoài trả gấp 6 lần, 7 lần, thậm chí 10 lần và trong khi tại các doanh nghiệp trong nước môi trường công tác, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho nghiên cứu phát triển không đáp ứng.
“Vậy Bộ trưởng có những giải pháp gì để thu hút và giữ chân những nhân tài này?”, ông Huấn hỏi Bộ trưởng và cũng dành câu hỏi này cho Thủ tướng Chính phủ.
Với câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết nhiều quốc gia coi nhân tài là nguồn lực cơ bản của quốc gia và coi nhân tài là yếu tố quyết định trong việc làm chủ, ứng dụng khoa học công nghệ. Nhưng vấn đề này có cả câu chuyện của thị trường.
Theo ông, có khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao cũng trả mức lương tương đương với doanh nghiệp nước ngoài. Đồng thời, bắt đầu xuất hiện những học sinh, sinh viên, người lao động đang học ở nước ngoài và về Việt Nam làm việc.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là doanh nghiệp Việt Nam có tạo ra lợi nhuận, giá trị gia tăng cao hay không để thu hút được nhân tài. Ông Hùng cho biết ngoài câu chuyện thị trường, Đảng và Nhà nước cũng có chính sách thu hút nguồn nhân lực nhưng cần làm nhiều hơn nữa, vì không có nhân tài thì đất nước rất khó phát triển.
Tiếp tục chất vấn về vấn đề nhân lực ngành công nghệ thông tin, đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ) đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu giải pháp xử lý thực trạng nhân lực còn yếu và thiếu như hiện nay?
Trả lời, Bộ trưởng TT&TT cho biết hiện nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin bao gồm cả người lao động có 1,2 triệu người, trong đó nhân lực có trình độ từ cao đẳng trở lên là 550.000 người. Trong khi đó, một số quốc gia châu Âu đặt mục tiêu lượng người làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số là khoảng 5% dân số. Đặt tỷ lệ này ở Việt Nam sẽ là 5 triệu người.
“Nếu chúng ta kém hơn một chút cũng phải đạt 2-3 triệu người”, Bộ trưởng nói và cho biết mỗi năm cả nước đào tạo 60.000-70.000 người trong lĩnh vực này ở bậc đại học và cao đẳng.
Giải pháp được người đứng đầu ngành TT&TT nêu ra là đại học số - bởi đào tạo theo phương pháp truyền thống đã đạt đến giới hạn do cơ sở vật chất các trường.
Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ GD&ĐT trong năm nay sẽ cấp 5 giấy phép về đại học số. Ông Hùng nhận định nếu nhanh chóng thí điểm đại học số chúng ta sẽ sớm có được nguồn nhân lực về công nghệ số.
“Nguồn nhân lực công nghệ Việt Nam không chỉ phục vụ chuyển đổi số trong nước mà còn cho các nước khác. Hiện đã có một số doanh nghiệp Việt Nam đã làm tốt, doanh thu hàng tỷ USD khi làm chuyển đổi số cho Mỹ, Nhật Bản”, ông nói.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng cho rằng ngoài đại học, cao đẳng, mỗi người Việt Nam cần trở thành người có kỹ năng về chuyển đổi số. Một giải pháp được nêu ra là xây dựng nền tảng đào tạo trực tuyến hướng đến nhiều đối tượng khác nhau.
Hiện một nền tảng với tên gọi One Touch đã được vận hành 6 tháng và có 10 triệu người sử dụng để học tập. Tại đây, cũng có phần dành riêng cho cán bộ, công chức có thể tự học, đánh giá và sẽ được cấp chứng chỉ.
Theo Người Đưa Tin Pháp Luật