Cao hơn điểm chuẩn vẫn rớt?
Lo ngại bất công cho thí sinh khi làm tròn điểm xét tuyển Đại học
Tạp Chí Nhân Đạo
14:52 26/01/2018
(NĐ&ĐS) - Năm 2018, quy chế thi và xét tuyển có thể không thay đổi so với năm ngoái. Tuy nhiên để đảm bảo công bằng cho thí sinh thì một trong các chi tiết kỹ thuật cần thiết phải thay đổi là cách làm tròn điểm.
Theo quy chế tuyển sinh ĐH 2017, điểm trúng tuyển được tính là tổng điểm các bài thi hoặc môn thi theo thang điểm 10. Trong đó, điểm từng bài thi hoặc môn thi giữ nguyên không làm tròn nhưng làm tròn tổng điểm 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển đến 0,25 điểm (cộng với điểm ưu tiên nếu có).
So với cách làm tròn điểm 2 lần của năm trước đó (từng môn thi riêng lẻ và tổng điểm của tổ hợp xét tuyển) thì việc làm tròn một bước này đã được xem là ưu việt hơn.
Tuy nhiên, khi làm tròn điểm tổ hợp môn thi, tổng điểm xét tuyển của thí sinh (TS) sẽ có tác động mạnh hơn nhiều so với cách làm tròn điểm từng môn thi. Điều này càng nghiêm trọng khi đề thi có độ phân hóa thấp, số lượng TS đồng điểm quá nhiều và các trường phải dùng đến tiêu chí phụ để tuyển chọn TS như năm vừa qua.
Điều này dẫn đến tình trạng không công bằng giữa các TS tham gia xét tuyển sau khi tính điểm làm tròn: có điểm thi cao hơn điểm chuẩn vẫn rớt và ngược lại người có điểm thi thấp hơn vẫn trúng tuyển.
Phải kể lại trường hợp TS V.H.H (học sinh Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, TP.HCM). H. có tổng điểm thi 3 môn đạt 29,35 (toán 9,6; hóa 9,75; sinh 10). Tuy nhiên, theo quy định làm tròn điểm số đến mức 0,25 của Bộ GD-ĐT trong năm 2017, tổng điểm thi của người này chỉ còn 29,25.
Đây là mức điểm vừa với điểm chuẩn ngành y đa khoa, nhưng vì có nhiều TS đồng điểm nên trường xét thêm tiêu chí phụ. Khi ấy, TS này đã không có tên trong danh sách trúng tuyển ban đầu.
Trong khi đó, một TS khác có tên trong danh sách này điểm thi thật chỉ đạt 25,7 (do được cộng thêm 0,05 điểm để làm tròn thành 25,75 và cộng 3,5 điểm ưu tiên).
Tuy cuối cùng H. vẫn được Trường ĐH Y Dược TP.HCM thông báo trúng tuyển bổ sung và cho nhập học nhưng cách tính điểm cộng này trên thực tế không đảm bảo công bằng cho TS.
Nên để nguyên điểm thô?
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng việc làm tròn điểm phải tạo được công bằng khi xét tuyển, tránh thiệt thòi cho một số TS. Ông Nghĩa đề xuất: “Trong xét tuyển không nên có quy định làm tròn.
Hãy sử dụng điểm thật của bài thi khi xét gọi TS, điều này vừa đảm bảo công bằng về điểm số đồng thời giúp các trường dễ dàng hơn khi xét tuyển. Đặc biệt là không cần thiết sử dụng nhiều tiêu chí như năm trước”.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết với quan điểm cần ưu tiên cho những TS có điểm số thực cao hơn để đảm bảo công bằng, tránh tình trạng người có điểm cao hơn chuẩn nhưng sau khi làm tròn bị rớt, còn người điểm thấp hơn nhưng nhờ được làm tròn lại đỗ, nhiều năm nay luôn dựa vào điểm số thực để xét tuyển.
Năm 2017 trường này vẫn sử dụng điểm chuẩn đã làm tròn nhưng tiêu chí phụ đầu tiên để xét TS đồng điểm là điểm số chưa làm tròn.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cũng cho rằng quy chế tuyển sinh năm nay cần lưu ý điều này. Thực tế việc làm tròn điểm thi có tác động 2 mặt: lợi hơn cho người được làm tròn tăng điểm nhưng thiệt cho TS bị làm tròn giảm điểm. Vì vậy để công bằng tuyệt đối, các trường chỉ nên xét tuyển dựa vào điểm thi thực tế của TS.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nói: “Thông thường TS có điểm số bằng nhau sau khi điểm được làm tròn. Do vậy, để đảm bảo công bằng cho TS trong các trường hợp đồng điểm, trường sẽ quay về xét điểm gốc khi xét tiêu chí phụ đầu tiên”.
Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, ý kiến: “Nếu đã làm tròn điểm thi sẽ có TS được lợi và bị thiệt nên dù giảm thang điểm làm tròn đi mấy vẫn còn tình trạng này. Do vậy để đảm bảo tuyệt đối chỉ có cách tính trên điểm thi gốc. Các trường khi xét tuyển trên phần mềm cũng không bị ảnh hưởng gì bởi điểm số lẻ không làm tròn của TS”.
Quy định làm tròn điểm thi 2017
Bài thi môn ngữ văn chấm theo thang điểm 10, lấy đến 0,25 và không quy tròn điểm.
Bài thi trắc nghiệm quy đổi sang thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài thi trắc nghiệm.
Điểm xét tuyển ĐH là tổng điểm 3 môn theo tổ hợp xét tuyển do trường quy định cho ngành đó, cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực và được làm tròn đến hai số thập phân đến mức 0,25.
Quy định cụ thể cách làm tròn cho hai chữ số thập phân như sau: