Ông Guterres cho biết, trong cuộc điện đàm, ông và Tổng thống Putin đã thảo luận nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có thỏa thuận ngũ cốc và khả năng xuất khẩu của Nga. Tuy nhiên, ông cảnh báo hoạt động xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga vẫn gặp trở ngại. "Thế giới có nguy cơ thiếu lương thực vào cuối năm nay", người đứng đầu Liên Hợp Quốc nhấn mạnh.
Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về vấn đề trao đổi tù binh giữa Nga và Ukraine. Ông Guterres dẫn lời Tổng thống Putin nói rằng, sẽ không có trở ngại nào từ phía Nga, liên quan tới một nhóm chuyên gia làm nhiệm vụ tìm kiếm sự thật về cuộc tấn công nhằm vào một nhà tù tại phía đông Ukraine, nơi Nga kiểm soát.
Trong cuộc điện đàm, chủ nhân Điện Kremlin đã trao đổi về tình hình an ninh xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở miền Nam Ukraine. Zaporizhzhia là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất của Ukraine và hiện do Nga kiểm soát. Moscow và Kiev cáo buộc lẫn nhau tập kích nhà máy này và kéo theo nguy cơ thảm họa hạt nhân.
Trước đó, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron hôm 11/9, ông Putin nói: "Các cuộc tấn công thường xuyên của Ukraine vào nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia, trong đó có cả nơi chứa chất thải phóng xạ, nguy cơ dẫn đến những hậu quả thảm khốc". Ông Putin nhấn mạnh, Nga sẵn sàng tiếp tục làm việc với cơ quan hạt nhân của Liên Hợp Quốc để tìm ra những giải pháp "phi chính trị hóa" cho Zaporizhzhia.
Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine từ cuối tháng 2 với tuyên bố nhằm phi quân sự hóa và phi phát xít hóa quốc gia láng giềng. Sau hơn 6 tháng, cuộc xung đột đang có những chuyển biến đáng kể khi Ukraine phản công ở cả miền Đông và miền Nam.
Phía Nga cuối tuần qua xác nhận rút lực lượng khỏi một số khu vực ở Kharkov, đông bắc Ukraine để tái triển khai cho mũi tiến công Donetsk. Giới quan sát nhận định, đây là động thái nhằm hạn chế thương vong của Nga trong khi chờ thời gian tập hợp lực lượng để phản kích.
Các cuộc hòa đàm giữa Nga và Ukraine đến nay vẫn bế tắc khi hai bên tiếp tục đưa ra các điều kiện đàm phán. Kiev tuyên bố sẵn sàng đàm phán nhưng với điều kiện Nga phải rút hết lực lượng khỏi các lãnh thổ của Ukraine. Nga cũng khẳng định không từ chối đàm phán, nhưng cho rằng Kiev không có thiện chí.
Trong một diễn biến khác, giới chức Ukraine đầu tuần này đã công bố dự thảo Hiệp ước an ninh Quốc tế Kiev nhằm đảm bảo an ninh cho Ukraine. Theo đó, chính quyền Kiev đề nghị các bên ký kết bao gồm Mỹ, Australia, Anh, Đức, Italy, Canada, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước châu Âu khác cung cấp một số đảm bảo an ninh.
Các cam kết được đề nghị bao gồm các biện pháp phòng thủ có tính chất quân sự, tài chính, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật và thông tin; cũng như các biện pháp được thực hiện ngay lập tức trong trường hợp xảy ra xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Ngoài ra, Hiệp ước An ninh Kiev cũng đề xuất gói trừng phạt chính thức chống lại các quốc gia xung đột với Ukraine.