Phát biểu tại lễ phát động chiến dịch ‘DignityIsPriceless’ diễn ra ở Gaza, Đại diện cấp cao UNRWA Pierre Krähenbühl cho biết, việc duy trì hoạt động trường học, cơ sở y tế và các dịch vụ khác của UNRWA là thách thức rất lớn, song cũng là việc làm cấp bách.
Cơ quan trực thuộc LHQ này cho biết việc Mỹ giảm tài trợ có thể gây tác động đáng kể tới cuộc sống thường nhật của hàng triệu người tị nạn Palestine hiện đang sống tại Jordan, Syria, Lebanon, Gaza, và Bờ Tây, kể cả ở Jerusalem.
Theo đó, chương trình giáo dục căn bản cho 525.000 trẻ em và hơn 700 trường học của UNRWA, hoạt động viện trợ lương thực và tiền mặt khẩn cấp cho 1,7 triệu người tị nạn Palestine, quyền tiếp cận y tế thiết yếu cho 3 triệu người tị nạn, và an ninh cho 5,3 triệu người tị nạn Palestine đang bị đe dọa do ngân sách eo hẹp.
Cùng ngày, phát biểu qua màn hình trực tuyến trước cuộc họp báo thường kì tại trụ sở LHQ ở New York, ông Krähenbühl cho biết UNRWA đang kết nối với các nước thành viên LHQ và các tổ chức khác để huy động nguồn tài trợ cho các hoạt động của họ tại vùng Cận Đông.
Hôm 9/1, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo quyết định đóng băng khoản tài trợ 65 triệu USD cho cơ quan Liên hợp quốc, song sẽ cấp 60 triệu USD để duy trì hoạt động của trường học và cơ sở y tế.
Quyết định này được đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump hôm 2/1 viết trên trang Twitter cá nhân rằng người Palestine thiếu thiện chí hòa đàm với Israel và không tôn trọng Mỹ mặc dù nhận những khoản viện trợ tài chính khổng lồ từ Washington.
Theo báo cáo của UNRWA, năm 2016, Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất cho tổ chức này với số tiền lên tới 370 triệu USD./.