Lễ mừng cơm mới của dân tộc Thái ở Mai Châu

Tạp Chí Nhân Đạo
Đã thành thông lệ, hàng năm trước đây cứ vào độ tháng 5-6 và tháng 9-10 dương lịch, khi những tấm thảm lúa vàng óng trải dài trên những cánh đồng thì ở bản làng Mai Châu (Hòa Bình) lại náo nức chuẩn bị cho Lễ cơm mới. Đây là lễ có quy mô gia đình, anh em, họ hàng, bạn bè của gia chủ sẽ cùng tụ họp chia vui sau một vụ mùa bội thu.
Lễ mừng cơm mới của dân tộc Thái ở Mai Châu đã có từ rất lâu đời thường được tổ chức sau khi kết thúc một vụ mùa. Từ sáng sớm, người đàn ông sẽ ra suối bắt cá về nấu vì người Thái ở Mai Châu không bao giờ cúng bằng thịt các con vật nuôi trong nhà. 
Để làm lễ cơm, thì trước hết cần chuẩn bị cá, cơm. Gạo phải là gạo ngon nhất, dẻo nhất để dâng cúng lên tổ tiên, tổ tiên mới phù hộ cho vụ mùa bội thu. Cá sau khi mang về sẽ được rửa sạch, mổ lấy phần lòng riêng, sau đó cắt thành các khúc nhỏ, đặc biệt phải có đầu cá. Trước đây, người Thái đặt nặng số lượng, không cần biết to bé cứ nhiều đầu cá là được coi là ấm cúng no đủ, tươm tất thể hiện lòng thành kính của con cháu. Nhưng đến nay thì họ còn có thêm quan niệm cá phải to mới được coi là vụ mùa thành công.
Tết cơm mới là dịp để người dân vui chơi, biểu diễn văn nghệ góp phần bảo tồn các điệu múa truyền thống - Ảnh: Internet
Công việc đánh bắt cá và mổ cá chỉ đàn ông mới được làm, còn việc tẩm ướt gia vị, gói ốt và hấp cá đều do những người phụ nữ làm. Mâm cúng chỉ cần 2 món cá hấp và cá nướng, cá rán mất nhiều thời gian nên chỉ rán lên là xong. Còn cá hấp thì cần tẩm ướp gừng lấy cả cây, lá được giã cho nhuyễn, sả thái lát, ớt  tươi, mắm, muối, mì chính. Khi các gia vị đã ngấm kĩ thì lấy lá dong gói và buộc chắc bằng lạt giang đem đi hấp. Sản vật không thể thiếu và là sản vật chính trong lễ đó chính là cơm xôi. Cơm xôi được đồ chín và được quạt cho nguội, rồi gói thành từng gói nhỏ bằng lá dong. Gói xôi bằng lá sẽ tiện hơn và khi đặt lên mâm cúng, cơm cũng không bị khô lại giữ được mùi dẻo thơm. Việc đồ xôi cũng sẽ do người phụ nữ làm.
Sau khi mọi công việc đã chuẩn bị tươm tất, những người đàn ông trong gia đình sẽ dọn mâm cúng. Người Thái cũng có nhiều quan niệm riêng: Nếu bố mẹ còn sống thì làm 3 mâm, nếu bố mẹ đã mất thì làm 5 mâm. Ngoài ra còn có rượu, trầu cau,… Khi mâm đã được dọn xong, người Thái có tục vãi muối lên các mâm cúng với ý nghĩa ngày xưa rất đói khổ, muối chẳng có bao nhiêu nên đành vãi muối ra các mâm. Mâm cúng được bày lên bàn thờ và thấy cúng bắt đầu làm lễ. Bài khấn của ông mo kể về quá trình sinh trời, sinh đất, con người vật lộn với thiên nhiên, khai phá đất đá làm ruộng, làm đồng ra bông cơm trái lúa dâng lên để tổ tiên cùng con cháu hưởng lộc. Mong tổ tiên ban cho cho con cháu sức khỏe, đi rừng đi suối an toàn, gặp nhiều may mắn, mùa màng bội thu. Một điều đặc biệt đó là sau khi làm lễ xong, các con vật nuôi sẽ được ăn trước ngụ ý cảm ơn các con vật đã cùng gia chủ góp sức lao động cho một vụ mùa
Lễ cơm mới thể hiện mong muốn về một vụ mùa bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, cũng là dịp để anh em, họ hàng bà con lối xóm tụ họp gặp gỡ chung vui. Lại thể hiện niềm yêu lao động, quý trọng những thành quả lao động, những giọt mồ hôi trên cánh đồng để hướng đến 1 cuộc sống tốt đẹp hơn:
“Muốn no thì phải chăm làm.
Một hạt thóc vàng, chín giọt mồ hôi” 
Hiện nay, trong đời sống xã hội người Thái ở Mai Châu, Lễ cơm mới và Tết đón  mừng Xuân mới đã nhập với nhau làm một. Ngày Tết vừa bao hàm mở đầu một năm mới, vừa mở đầu một mùa làm ăn mới. Tuy nhên, những ký ức về ngày Tết cơm mới trước đây vẫn khắc sâu trong tâm trí người Thái ở Mai Châu.
Ths. Lê Thanh Vân vàThs. Lê Thị Thủy
Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội