Thôn Thọ An, nơi ông Anh sinh sống cách trung tâm xã Bình An khoảng 6 km nhưng lại nằm trên núi cao, có khoảng 90% là người dân tộc Kor chủ yếu làm nông nghiệp. Đời sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, các học sinh bậc Tiểu học, Mầm non phải học ở điểm trường lẻ.
Ông Bùi Văn Anh vốn là người dân xã Bình Trung, huyện Bình Sơn. Cách đây 33 năm, do cuộc sống khó khăn, ông cùng vợ đến thôn Thọ An làm kinh tế mới. Vườn keo của gia đình khai hoang ngày đó nay nằm cạnh điểm Trường Tiểu học Bình An (cụm thôn Thọ An). Ông Anh cho biết: Ngày đó, ở đây là núi rừng trùng điệp, hoang sơ, chỉ có 15 gia đình đồng bào dân tộc Kor sinh sống. Đất rừng nhiều, nhưng để khai hoang thì rất vất vả bởi nhiều sỏi đá, bom mìn. Để có được mảnh đất vườn bằng phẳng như hôm nay, vợ chồng ông đã tốn rất nhiều công sức.
Năm 2021, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Sơn quyết định trích ngân sách để xây dựng điểm trường cho các học sinh mầm non Thọ An. Tuy nhiên, vì thiếu mặt bằng thích hợp nên chính quyền xã Bình An quyết định vận động các hộ dân trong bản hiến đất để làm trường. Hưởng ứng vận động của địa phương, ông Bùi Văn Anh đã tình nguyện hiến 1.084 m2 đất vườn nhà để xây dựng điểm trường Mầm non. Sau khi hiến đất xây trường, vợ chồng ông Anh chỉ còn ngôi nhà cấp 4 cũ và mảnh vườn nhỏ. Hàng ngày, ông bà bán tạp hóa để mưu sinh. Ông Anh tâm sự: Vợ chồng ông rất vui khi nhìn thấy các cháu được học tập, vui chơi trên phần đất mình hiến tặng. Đã hiến đất thì không nên tính toán đất đó bán được bao nhiêu tiền, mỗi năm thu về bao nhiêu tiền từ việc trồng trọt. Việc hiến tặng đất cho Nhà nước sẽ mang lại lợi ích suốt đời cho các cháu nhỏ.
Trên diện tích đất ông Anh hiến tặng cộng với một phần diện tích đất của Nhà nước, điểm Trường Mần non Bình An (cụm thôn Thọ An) đã được xây dựng với kinh phí 500 triệu đồng. Nhờ đó, cô trò điểm trường có nơi dạy học khang trang, sạch sẽ. Cô Trần Thị Thanh Tuyền, giáo viên Trường Mần non Bình An cho biết, trước đây, hơn 30 cháu lớp Mần non phải học nhờ phòng bán trú của giáo viên điểm Trường Tiểu học. Tuy nhiên, cơn bão số 9 năm 2020 đã làm tốc mái, hư hỏng căn phòng này. Mặc dù sau đó chính quyền và nhà trường đã bố trí kinh phí tu sửa nhưng vẫn không đảm bảo an toàn cho việc dạy và học của cô trò.
Giờ đây, được sự quan tâm của Phòng Giáo dục và Đào tạo, chính quyền địa phương, đặc biệt là bác Bùi Văn Anh đã hiến đất, cô trò đã có một căn phòng khang trang, sạch đẹp để dạy học. Bác Anh cũng thường xuyên qua lại trò chuyện, thăm hỏi các cháu nhỏ nên được các cháu vô cùng quý mến.
Việc ông Anh tự nguyện hiến đất xây trường mẫu giáo khiến bà con xóm làng ngưỡng mộ, chính quyền hoan nghênh. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bình An Võ Thanh Tuấn cho biết, dù thôn Thọ An không xa trung tâm xã, lại ở vùng núi hiểm trở, nhưng vị trí đất mà ông Anh hiến tặng được xếp vào hàng “đất vàng” ở làng.
Nếu không có sự tự nguyện của ông thì chính quyền địa phương sẽ gặp nhiều khó khăn về kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng cho người dân. Việc làm của ông Anh đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần giúp xã hoàn thiện tiêu chí trường học trong xây dựng nông thôn mới, phát huy trách nhiệm của người dân trong việc chung tay xây dựng quê hương. Đối với một địa phương đặc biệt khó khăn như Bình An, những việc làm như vậy vô cùng đáng quý.